Dịch bệnh, lạm phát và biến động thị trường lên đến đỉnh điểm, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

IMF dự kiến ​​nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,4% vào năm 2022, thấp hơn so với dự báo trước đó là 4,9%, Mỹ và Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất. IMF chỉ ra rằng lạm phát cao có khả năng còn kéo dài và lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế lớm có thể gây rủi ro cho sự ổn định tài chính.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hôm thứ Ba (25/1) rằng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022 xuống mức 4,4%, thấp hơn 0,5% so với dự báo công bố tháng 10 năm ngoái. Dịch bệnh hoành hành, gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng đều cản trở sự phục hồi kinh tế, vì vậy IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống 4,4%

IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 khi sự phục hồi của Mỹ và Trung Quốc suy yếu

IMF dự kiến ​​tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 là 5,9%, trên đà đạt mức cao nhất trong 40 năm. Nền kinh tế toàn cầu giảm 3,1% vào năm 2020, thành tích kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất trong thời bình kể từ cuộc Đại suy thoái.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, IMF đã lưu ý trong báo cáo của mình rằng các điều kiện kinh tế toàn cầu đang yếu hơn so với dự kiến ​​trước đây, với “những bất ngờ đi xuống” kể từ khi dự báo của IMF đưa ra vào tháng 10, chẳng hạn như sự xuất hiện của biến thể Omicron và sự biến động thị trường sau đó.

Tình hình nhiều nước trên thế giới phải đối mặt trong năm 2020 là để giảm bớt suy thoái kinh tế do đại dịch, họ đã cắt giảm mạnh lãi suất, thậm chí cả QE, và đến thời điểm này, các ngân hàng trung ương cần phải thắt chặt chính sách để đối phó với tình trạng lạm phát tăng vọt, tuy nhiên, bước đi này có thể hạn chế tăng trưởng kinh tế. Các chính phủ cũng đang có ít không gian tài chính hơn để giải quyết tình hình sức khỏe và thúc đẩy nền kinh tế sau khi tích lũy nợ kỷ lục.

Về vấn đề lạm phát đang được quan tâm, IMF chỉ ra rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang gây ra lạm phát trên diện rộng hơn so với dự kiến ​​trước đây, và lạm phát cao có thể kéo dài hơn. 

IMF cho biết lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế lớn có thể gây rủi ro cho sự ổn định tài chính, với dòng vốn, điều kiện tài chính tiền tệ ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đều có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực. Hợp tác quốc tế là cần thiết để bảo vệ khả năng tiếp cận tiền mặt của các quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu nợ có trật tự nếu cần.

Sắp tới, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thêm 0,2 điểm phần trăm lên 3,8 phần trăm. Nhưng cơ quan này cũng cảnh báo rằng dự báo đã loại trừ sự xuất hiện của các biến thể coronavirus mới và cho biết bất kỳ sự phục hồi kinh tế đều sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận toàn cầu đối với vắc xin và chăm sóc sức khỏe. IMF cho biết các dự báo của họ giả định rằng tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu đã tăng lên và các phương pháp điều trị đã trở nên hiệu quả hơn vào cuối năm 2022.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trừ Ấn Độ. Mỹ và Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất. IMF dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chỉ ở mức 4% trong năm nay, thấp hơn 1,2% so với mức dự báo trước đó khi Cục Dự trữ Liên bang rút lại các biện pháp kích thích tiền tệ trong bối cảnh sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đè nặng lên nền kinh tế.

Trong khi đó, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,8% trong năm nay, giảm 0,8 điểm phần trăm do sự gián đoạn của nền kinh tế xuất phát từ chính sách “zero COVID” cũng như những căng thẳng tài chính từ thị trường bất động sản.

Sự gia tăng liên tục các ca nhiễm coronavirus ở nhiều quốc gia, cùng với lạm phát gia tăng và giá năng lượng tăng, đã đè nặng lên các dự báo tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt rõ ràng ở Brazil, Canada và Mexico.

Exit mobile version