Trong các bài viết về chính sách tăng giảm lãi suất của FED, có thể bạn thường nghe đến khái niệm điểm cơ bản. Vậy điểm cơ bản (basis points) là gì? Tại sao lại cần sử dụng khái niệm điểm cơ bản trong tài chính?
Điểm cơ bản là gì?
Điểm cơ bản (Basis points, viết tắt là BPS) là một đơn vị đo lường thường được dùng cho lãi suất và các tỉ lệ trong tài chính, dùng để chỉ phần trăm (%) thay đổi của một công cụ tài chính. Một điểm cơ bản được tính bằng 1/100 của 1%, tương đương 0,01% hoặc 0,0001.
Như vậy: 1% thay đổi = 100 điểm cơ bản hay 0,01% = 1 điểm cơ bản.
Điểm cơ bản cũng được viết tắt là “bp”, “bps” hay “bips”.
Tác dụng của điểm cơ bản
Khái niệm “cơ bản” trong “điểm cơ bản” là sự chênh lệch giữa 2 lãi suất hay 2 tỉ lệ %. Sự thay đổi có thể rất nhỏ nhưng cũng có thể gây nên ảnh hưởng lớn, nên cơ bản nghĩa là một phần nhỏ của 1%.
Điểm cơ bản được sử dụng trong tính toán sự thay đổi (chênh lệch) trong lãi suất, các chỉ số, hay lợi nhuận từ một chứng khoán thu nhập cố định, trái phiếu và khoản vay. Ví dụ:
- Lãi suất tại ngân hàng A cao hơn lãi suất ngân hàng B 60 điểm cơ bản có nghĩa là lãi suất ngân hàng A cao hơn 0,6%.
- Lãi suất một trái phiếu tăng từ 5% lên 5,5% sẽ tương ứng tăng 50 điểm cơ bản.
- Lãi suất tăng 1% tương đương tăng 100 điểm cơ bản.
Việc dùng điểm cơ bản giúp phân biệt rõ ràng hơn khi nói về độ thay đổi trong tỉ lệ phần trăm. Ví dụ một trái phiếu có lãi suất 10% và vừa tăng lãi suất thêm 5% thì sẽ khó phân biệt lãi suất mới đang là 10,5% ( = 10 + 5%*10) hay 15% ( = 10% + 5%)? Tuy nhiên, nếu sử dụng điểm cơ bản thì sẽ rõ ràng hơn, trái phiếu tăng 50 điểm cơ bản thì lãi suất mới là 10,5%, trường hợp tăng 500 điểm cơ bản thì lãi suất mới là 15%.
Nguồn: Investopedia