Điểm tin doanh nghiệp 10/11: HNG bán tài sản, PSH thêm dự án lớn, PGV nộp hồ sơ HoSE

ViMoney-diem-tin-doanh-nghiep-10-11-PGV-HNG-PSH

Điểm tin doanh nghiệp: HNG, PSH, PGV. HoSE nhận hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 1,1 tỷ cổ phiếu của EVNGENCO3 tại ngày 4/11.Sau 9 tháng đầu năm, EVNGENCO3 đạt mức lãi gần 2.550 tỷ đồng.

HNG: HAGL Agrico bán tài sản cho Hưng Thắng Lợi Gia Lai

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) vừa quyết định bán chi nhánh chế biến hoa quả. 

Theo đó, HNG bán toàn bộ tài sản là văn phòng, nhà xưởng, kho; thiết bị, máy móc; phương tiện vận chuyển; công cụ, dụng cụ và các tài sản khác. Bên mua tài sản này là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai.

Hưng Thắng Lợi Gia Lai từng vừa là con nợ vừa là chủ nợ với HNG, với nhiều gắn bó sâu đậm… Tuy nhiên, năm 2020, Hưng Thắng Lợi Gia Lai đã bán hơn 49,5 triệu cổ phiếu HNG, tương đương tỷ lệ sở hữu là 4,47%. Sau giao dịch, công ty này thu về gần 600 tỷ đồng và không còn là cổ đông lớn tại HNG.

Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm, HNG lỗ ròng gần 304 tỷ đồng do doanh thu thuần (892 tỷ đồng) giảm gần phân nửa và chi phí tài chính (272 tỷ đồng) tăng 35% so với cùng kỳ. Lỗ ròng trong 9 tháng đầu năm khiến lỗ lũy kế của HNG tăng lên gần 2,610 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng của Công ty âm hơn 1,000 tỷ đồng chủ yếu do tăng chi cho các khoản phải trả.
Đến cuối quý 3/2021, HNG đang có tổng tài sản hơn 16,800 tỷ đồng, 32% so với hồi đầu năm chủ yếu do chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm 44%, còn 4,560 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/09/2021, HNG đã thực hiện thanh lý hàng tồn kho trái cây chế biến (xoài, mít sấy dẻo) đã sản xuất từ năm 2019 là 26 tỷ đồng.
Dư nợ vay của HNG tính đến 30/09/2021 đang ở mức 8,190 tỷ đồng, trong đó hơn 4,500 tỷ đồng vay ngắn hạn và gần 3,688 tỷ đồng vay dài hạn, lần lượt giảm 38% và 10% so với đầu năm.

Các chủ nợ lớn của HNG là Thagrico (vay ngắn hạn 2,642 tỷ đồng), ngân hàng (vay dài hạn 2,016 tỷ đồng) và CTCP Hoàng Anh Gia Lai (vay dài hạn 2,090 tỷ đồng).

***DXG,APG, VPH, PHC, LHG, PDR, SZC, FDC, DHC, BII: Giao dịch cổ phiếu***

NSH Petro triển khai nhiều dự án quy mô lớn

CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro, PSH) triển khai nhiều dự án lớn nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tổng kho dầu khí Soài Rạp

NSH Petro có trụ sở chính đặt ở thị trấn Mái Dầm, H.Châu Thành, Hậu Giang. Công ty này là chủ đầu tư dự án “Tổng kho dầu khí Soài Rạp – NamSongHau Petro” tại thị trấn Vàm Láng, H.Gò Công Đông, Tiền Giang.

Ngày 9/11, ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT NSH Petro cho biết dự án Tổng kho dầu khí Soài Rạp triển khai trên diện tích 377,350 m2, tổng vốn đầu tư hơn 1,200 tỷ đồng. Dự án này có nhiều hạng mục công trình chính như: Tổng kho xăng dầu công suất lưu chứa 520,000 m3; nhà máy chế biến condensate công suất 500,000 tấn/năm; bến cảng cứng (1 cầu dẫn dài 514 m, 1 cầu cảng dài 240 m cho tàu trọng tải 50,000 DWT và 3,000 DWT; 1 cầu cảng dài 94.5 m tiếp nhận sà lan trọng tải 1,500 DWT); bến phao neo tàu đủ sức tiếp nhận tàu trọng tải 50,000 DWT…

“Ngày 6/5/2021, công trình bến phao neo tàu 50,000 DWT trên sông Soài Rạp thuộc Dự án Tổng kho dầu khí Soài Rạp đã được nghiệm thu. Song sau đó, các công trình khác phải tạm ngưng do ảnh hưởng của Covid-19. Đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát, UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận cho NSH Petro và đơn vị thi công tiếp tục triển khai dự án theo phương án 3 tại chỗ phòng tránh Covid-19.

Hiện tại Công ty đang ráo riết tập kết vật tư để tiến hành xây dựng hệ thống đường ống ra bến phao neo tàu. NSH Petro quyết tâm đến cuối tháng 12/2021 sẽ hoàn thành bến phao neo tàu đạt tiêu chuẩn quốc tế đủ khả năng tiếp nhận tàu 50,000 DWT. Bến phao này khi đi vào vận hành sẽ kết nối hệ thống kho công suất lớn có sẵn trên bờ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập xăng dầu của NSH Petro…”, ông Mai Văn Huy thông tin.

Tổng kho xăng dầu Mái Dầm

Trước đây, Bộ GT-VT ngày 11/12/2013 đã ban hành văn bản số 13516 về việc thống nhất cập nhật, bổ sung bến cảng chuyên dùng (thị trấn Mái Dầm, H.Châu Thành, Hậu Giang) thuộc Tổng kho xăng dầu Nam Sông Hậu do NSH Petro làm chủ đầu tư vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 6.

Tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương và chấp thuận NSH Petro thực hiện dự án cảng chuyên dùng, kho chứa xăng dầu, nhà máy sản xuất dầu nhờn, nhà máy khí hóa lỏng, nhà máy hóa dầu condensate và xăng dầu sinh học tại thị trấn Mái Dầm, H.Châu Thành, tạm gọi tắt là Tổng kho xăng dầu Mái Dầm.

Theo ông Mai Văn Huy, dự án Tổng kho xăng dầu Mái Dầm triển khai trên diện tích rộng khoảng 13.2 ha bao gồm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 NSH Petro xây dựng cảng chuyên dùng phía ngoài tiếp nhận tàu 15,000 DWT phục vụ nhập xăng dầu, phía trong tiếp nhận tàu 2,000 DWT phục vụ xuất xăng dầu và kho chứa xăng dầu 27,000 m3. Giai đoạn 2 NSH Petro xây dựng kho chứa xăng dầu 43,000 m3 và nhà máy pha chế xăng dầu sinh học 100,000 tấn/năm.

Giai đoạn 3 NSH Petro xây dựng nhà máy hóa dầu condensate 300,000 tấn/năm. Giai đoạn 4 NSH Petro xây dựng nhà máy sản xuất dầu nhờn 4,900 tấn/năm và nhà máy khí hóa lỏng 4,900 tấn/năm.

Các hạng mục khác của dự án NSH Petro triển khai theo quy hoạch được duyệt. Dự án quy mô lớn này có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng và sẽ hoàn thành giai đoạn 4 vào tháng 6/2023. Dự án Tổng kho xăng dầu Mái Dầm này khi đi vào vận hành đồng bộ sẽ đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Ngày 4/11/2021, NSH Petro đã chính thức ký hợp đồng thi công cầu cảng chuyên dùng 15,000 DWT với CTCP Xây dựng Hữu Thành (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Công ty đảm trách thi công phải thực hiện phương án 3 tại chỗ và sẽ hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc trong vòng 150 ngày…

Những dự án quy mô lớn của NSH Petro khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội tại nhiều địa phương và góp phần đáng kể cho nguồn thu ngân sách nhà nước.

EVNGENCO3 (PGV) nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE

HoSE nhận hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 1,1 tỷ cổ phiếu của EVNGENCO3 tại ngày 4/11.Sau 9 tháng đầu năm, EVNGENCO3 đạt mức lãi gần 2.550 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo nhận hồ sơ đăng ký niêm yết hơn 1,1 tỷ cổ phiếu của Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGENCO3, PGV). Ngày nhận hồ sơ đăng ký niêm yết là 4/11. Đây là bước đi đầu tiên của Tổng Công ty nhằm thực hiện việc chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang HoSE, đã được cổ đông thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. 

EVNGENCO3 là một trong những doanh nghiệp cung cấp điện năng hàng đầu đất nước. Khởi đầu từ cụm các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, sau gần 10 năm hình thành và phát triển, hiện nay Tổng Công ty đang quản lý các nhà máy điện công suất lớn khác trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Mông Dương và cụm 3 nhà máy thủy điện công suất 586 MW khai thác dòng sông Srêpốk.

Tại thời điểm hiện nay, tổng công suất lắp đặt của EVNGENCO3 đạt xấp xỉ 6.559 MW, tương đương khoảng 10% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia Việt Nam. Sản lượng điện bình quân hàng năm của công ty mẹ giai đoạn 2016 – 2020 giữ ổn định ở mức khoảng 31 tỷ kWh. Trái với PV Power dựa chủ yếu vào điện khí với tỷ trọng khoảng 60% thì EVNGENCO3 lại có cơ cấu nguồn điện khá đồng đều với 46% điện khí, 38% điện than, 15% thủy điện và còn lại là điện mặt trời. 

Hiện nay, công ty đang cùng các đối tác xúc tiến thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Long Sơn sử dụng khí đốt hóa lỏng (LNG) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trong 3 Tổng Công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNGENCO3 là đơn vị được chọn tiến hành cổ phần hóa đầu tiên. Đầu năm 2018, doanh nghiệp đã thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).  

Sau IPO, EVNGENCO3 thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu PGV trên hệ thống UPCoM tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội từ ngày 21/3/2018 với giá tham chiếu 24.800 đồng/cp. Kết phiên 9/11, thị giá PGV đứng tại mức 31.200 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường đạt 35.052 tỷ đồng và đứng thứ 43 toàn thị trường về quy mô vốn hóa.

Năm 2021, công ty mẹ đặt mục tiêu tổng doanh thu 39.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.311 tỷ đồng. Hiện EVNGENCO3 đang triển khai các giải pháp để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh như tiết kiệm, tối ưu chi phí; thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giảm suất hao nhiên liệu; cân đối tài chính để trả nợ trước hạn các khoản vay có lãi suất cao nhằm tối ưu, giảm chi phí lãi vay.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tổng Công ty ghi nhận 28.397 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8% so với cùng kỳ. Ngược lại, hoạt động tài chính đem về doanh thu hơn 1.257 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ từ 11 tỷ đồng lên hơn 1.041 tỷ đồng, cùng với đó, Tổng Công ty giảm chi phí lãi vay từ 1.495 tỷ đồng về 938 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế qua đó gấp đôi lên gần 2.550 tỷ đồng.  

Tổng Công ty có quy mô tài sản lớn với giá trị hơn 70.557 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở tài sản cố định (các nhà máy điện) gần 45.458 tỷ đồng. EVNGENCO3 hiện quản lý nhiều đơn vị trực thuộc với tổng quy mô công suất 5.485 MW như Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Mông Dương và Thủy điện Buôn Kuốp, Điện mặt trời Vĩnh Tân 2.

Ngoài ra, Tổng Công ty đang sở hữu hai công ty con Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) và Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) cùng các khoản đầu tư tài chính vào một số doanh nghiệp ngành điện với tổng giá trị 1.597 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là phần vốn góp 30,55% tại Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) với giá trị sổ sách là 609 tỷ đồng. 

Về nguồn vốn, EVNGENCO3 giảm vay nợ tài chính ngắn hạn từ 4.942 tỷ đồng về 3.172 tỷ đồng; nợ dài hạn cũng thấp hơn gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm, ở mức 41.890 tỷ đồng. Dư nợ vay giảm dần cùng với lãi suất giảm giúp chi phí lãi vay các kỳ kinh doanh gần đây giảm xuống. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm từ 3,4 lần đầu năm về còn 2,7 lần tại cuối kỳ.

Exit mobile version