Điểm tin doanh nghiệp ngày 11/10: KSB, CLM, SHB

Diem-tin-doanh-nghiep-11-10-KSB-CLM-SHB.jpg

Điểm tin doanh nghiệp ngày 11/10: KSB, CLM, SHB. Game chuyển sàn” đẩy giá cổ phiếu SHB tăng 16% chỉ sau 3 phiên, CLM Tăng gần gấp đôi sau hai tuần

KSB: Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương chuẩn bị phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

Theo đó, Công ty dự kiến phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 36 tháng, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo. Thời gian dự kiến phát hành trong quý IV/2021.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu đạt 568,46 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 127,53 tỷ đồng, lần lượt giảm 18,1% và 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 49,1% về còn 48%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 19,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 67,43 tỷ đồng về 272,95 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 2,9%, tương ứng giảm 1,49 tỷ đồng về 49,16 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 24,9%, tương ứng giảm 24,3 tỷ đồng về 73,12 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Được biết, trong năm 2021, KSB đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 1.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 280 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2021, công ty hoàn thành 45,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/10, cổ phiếu KSB tăng 100 đồng lên 36.100 đồng/cổ phiếu.

CLM: Tăng gần gấp đôi sau hai tuần

Cổ phiếu CLM giảm sàn phiên 11/10, chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng trần liên tiếp trước đó. Thị giá mã này tăng 91% sau gần hai tuần giao dịch. Nhờ sản lượng nhập khẩu lớn, kết quả kinh doanh 2019 và 2020 tăng đột biến.

Nửa đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế giảm 61% về mức 12,4 tỷ do lượng than nhập khẩu giảm.  Đóng cửa phiên 11/10, cổ phiếu CLM của Xuất nhập khẩu Than – Vinacomin (CLM) giảm sàn, chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng trần liên tiếp.

Hiện thị giá đứng tại mức 40.100 đồng/cp, tăng 91% sau gần hai tuần. Tương tự nhiều trường hợp tăng đột biến khác, thanh khoản của cổ phiếu CLM thấp, khoảng 500 – 1.000 đơn vị/phiên.

Một số phiên đột biến như 8/10, khối lượng giao dịch đạt 16.706 đơn vị khớp lệnh. Xuất nhập khẩu Than – Vinacomin thành lập từ năm 1982. Đến 2005, doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng.

Sau hai đợt tăng vốn, hiện vốn điều lệ đạt 110 tỷ đồng, trong Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sở hữu 55,41% cổ phần, tương đương gần 6,1 triệu cổ phiếu.

Năm 2019 và 2020, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến. Cụ thể, sản lượng than nhập khẩu đạt hơn 2,7 triệu tấn, tương đương gần 186 triệu USD, gấp hơn 6 lần về sản lượng và gần 7 lần về giá trị so với năm 2018.

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận năm 2019 tăng lên lần lượt gần 5.415 tỷ và 38 tỷ đồng, gần gấp đôi thực hiện năm trước.  Đến năm 2020, công ty nhập khẩu 3,45 triệu tấn than để cung cấp cho các đơn vị trong và liên kết với tập đoàn để pha trộn chế biến than cung cấp cho nhà máy điện.

Giá trị kim ngạch tương đương 240 triệu USD. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng 38% và 24% lên 7.489 tỷ đồng và hơn 46 tỷ đồng.

Trong năm nay, doanh nghiệp cho biết than tồn kho còn cao nên kế hoạch nhập khẩu giảm đáng kể và dự kiến chỉ bắt đầu nhập khẩu từ tháng 6 nếu điều kiện cho phép.

Qua đó, sản lượng than nhập khẩu 6 tháng đầu năm giảm mạnh, kéo theo doanh thu giảm 70% so với cùng kỳ, về mức 1.396 tỷ đồng. Lãi trước thuế theo đó giảm 63% xuống 15,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 12,4 tỷ, giảm 61% so với nửa đầu năm ngoái.

Với kết quả bán niên này, đơn vị hoàn thành khoảng 52% kế hoạch doanh thu và 39% chỉ tiêu lợi nhuận.  Tại ngày 30/6, tổng tài sản giảm 14% về gần 1.040 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 92%, tương đương 953,3 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền tăng 80% lên 45 tỷ đồng.

Giá trị hàng tồn kho giảm 14% so với đầu năm xuống 296 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 19% về mức 601 tỷ đồng. Tài sản dài hạn giảm hơn 5,5 tỷ xuống mức 86,4 tỷ đồng. 

Về nguồn vốn vay tài chính ngắn hạn tăng 18% lên 444 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản vay từ Vietcombank (146 tỷ đồng) và VietinBank (194 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 248%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý II là 26 tỷ đồng, bên cạnh hơn 32 tỷ quỹ đầu tư phát triển.

SHB: “Game chuyển sàn” đẩy giá cổ phiếu SHB tăng 16% chỉ sau 3 phiên

Hôm nay ngày 11/10/2021, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chính thức chuyển giao dịch cổ phiếu SHB từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với giá tham chiếu cho ngày đầu giao dịch là 28.900 đồng/cổ phiếu. 

Đóng cửa phiên 11/10, cổ phiếu SHB tăng 4,8% lên 30.300 đồng với thanh khoản cao nhất thị trường, đạt hơn 50 triệu đơn vị, trị giá trên 1.500 tỷ đồng. 

Trước phiên này, SHB đã có 2 phiên cuối giao dịch trên HNX cực kỳ ấn tượng, trong đó 1 phiên tăng 8%, một phiên tăng 2,5%. Điểm chung của cả 3 phiên là giao dịch tăng vững trong suốt cả ngày rồi “đánh lên” mạnh vào phiên ATC. Tổng cộng 3 phiên giao dịch quanh sự kiện chuyển sàn, cổ đông SHB đã tăng giá trị cổ phiếu của mình từ 26.100 đồng lên 30.300 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 16%. 

Cổ phiếu SHB được niêm yết và giao dịch chính thức tại HNX từ năm 2009. Từ thời điểm đó đến nay, SHB luôn nằm trong nhóm những cổ phiếu có giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cao, thông tin minh bạch và ảnh hưởng tích cực đến diễn biến của thị trường.

Được biết, SHB đang hoàn tất thủ tục để chi trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10%. Đây là cổ tức của năm 2020. Trước đó hồi tháng 5 ngân hàng đã chia cổ tức năm 2019 tỷ lệ 10,5% cho nhà đầu tư. Và đến thời điểm này của năm 2021, SHB là cổ phiếu duy nhất giúp cổ đông có lãi khi cổ tức về tài khoản.

Exit mobile version