Điểm tin doanh nghiệp 12/10: TDS, PHR, DHM, VHC, PNJ

Diem-tin-doanh-nghiep-12-10-TDS-PHR-DHM-VHC-PNJ.jpg

Điểm tin doanh nghiệp: TDS, PHR, DHM, VHC, PNJ. Doanh nghiệp thép đầu tiên báo lỗ do tiêu thụ chậm trong quý III, Không còn khoản bồi thường đất, lợi nhuận quý III Cao su Phước Hòa giảm 54%

Doanh nghiệp thép đầu tiên (TDS) báo lỗ do tiêu thụ chậm trong quý III

Doanh thu Thép Thủ Đức – Vnsteel giảm 32% trong quý III xuống 402 tỷ đồng.Doanh nghiệp lỗ 644 triệu đồng quý III.Lũy kế 9 tháng doanh nghiệp vượt 191% kế hoạch lợi nhuận năm.

Công ty cổ phần Thép Thủ Đức – Vnsteel (UPCoM: TDS) công bố BCTC quý III với doanh thu 402 tỷ đồng, giảm 32%. Lợi nhuận gộp 4,8 tỷ đồng, giảm 67%. Biên lãi gộp giảm từ 2,4% xuống 1,2%.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt giảm 55% và 66%. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn lỗ 644 triệu đồng quý III.

Doanh nghiệp cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tình hình tiêu thụ rất chậm, giảm hơn nửa sản lượng tiêu thụ hàng tháng. Việc áp dụng chính sách giãn cách xã hội, phòng dịch bệnh, công ty chỉ bố trí sản xuất 3 tại chỗ được 1 ca sản xuất, chi phí sản xuất cao, sản lượng thấp, chi phí nguyên liệu tăng cao do khó khăn vận chuyển, thu gom khiến giá thành sản xuất đầu vào cao.

Mặt khác, tiêu thụ chậm cũng dẫn đến nguồn tài chính bị ảnh hưởng, thiếu hụt nguồn vốn, cần phải vay bổ sung vốn lưu động làm chi phí tài chính tăng.

Nhờ kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm, lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp thép ghi nhận doanh thu tăng 6,2% đạt 1.658 tỷ đồng; lãi sau thuế 46,3 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm trước. Công ty vượt 191% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm (20 tỷ đồng).

Tại thời điểm 30/9, Thép Thủ Đức – Vnsteel có 537 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 37% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm mạnh từ 102 tỷ đồng xuống 16 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn giảm từ 143 tỷ xuống 138 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng từ 109 tỷ lên 338 tỷ đồng và chiếm 63% tổng tài sản.

Doanh nghiệp phát sinh khoản vay ngắn hạn 57,4 tỷ đồng mà đầu năm không có và không có nợ vay dài hạn.

***Chọn cổ phiếu nào đang được định giá rẻ 2021?***

Không còn khoản bồi thường đất, lợi nhuận quý III Cao su Phước Hòa giảm 54%

Quý III, doanh thu thuần tăng 23%, lợi nhuận gộp gấp gần 3 lần lên 38,8 tỷ đồng.Do không còn khoản đền bù dự án khu công nghiệp, lãi sau thuế giảm 54% về còn 64 tỷ đồng.Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 60%, lợi nhuận sau thuế giảm 77% xuống gần 122 tỷ đồng.

Cao su Phước Hòa (PHR) vừa công bố BCTC công ty mẹ quý III với doanh thu thuần tăng 23% lên 281,5 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp gấp gần 3 lần đạt 38,8 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 5,7% lên 13,8%. 

Doanh nghiệp cho biết sản lượng tiêu thụ quý III tăng 16,52% và giá bán tăng 37,06%, dẫn đến lợi nhuận từ kinh doanh mủ cao su tăng. Doanh thu tài chính cũng tăng mạnh 70% lên mức 47,6 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tiền thu cổ tức. 

Song lợi nhuận khác giảm 100% xuống hơn 400 triệu đồng do tiền thu từ thanh lý cao su giảm và quý III/2020 ghi nhận 100 tỷ đồng tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. 

Kết quả, Phước Hòa báo lãi sau thuế giảm 54% còn 64 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 60% lên 872 tỷ đồng. Nguồn thu từ hoạt động tài chính tăng 74% đạt hơn 64 tỷ đồng. Do không còn phát sinh tiền đền bù đất dự án khu công nghiệp, nên lợi nhuận khác giảm từ hơn 627 tỷ về còn hơn 21 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 77% xuống gần 122 tỷ đồng.

So với kế hoạch năm, công ty hoàn thành 43% chỉ tiêu doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận sau 3 quý đầu năm.

Tính đến 30/9, quy mô tài sản của Phước Hòa hơn 3.417 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn chiếm 67% ở mức 2.295 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền giảm 74% xuống gần 69 tỷ đồng, chủ yếu do âm 155 tỷ tiền từ hoạt động kinh doanh. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cũng giảm 29% về gần 572 tỷ, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 11% xuống 183 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, doanh nghiệp không còn nợ vay tài chính ngắn hạn. Đến cuối quý II còn hơn 28,1 tỷ dư nợ gốc khoản vay dài hạn Shinhan Việt Nam. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 266,5 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển duy trì ở mức 1.057 tỷ đồng.

DHM: Bị phạt và truy thu thuế hơn 3 tỷ đồng

Theo thanh tra về thuế, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên quyết định truy thu và phạt DHM vì Công ty đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Bên cạnh đó là không lập hoá đơn khi bán hàng, cung cấp dịch vụ cho người mua.


Theo đó, DHM bị phạt hành chính với số tiền là 509 triệu đồng với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, nộp 16,5 triệu đồng với hành vi không lập hoá đơn khi bán hàng, cung cấp dịch vụ cho người mua.


Công ty buộc nộp đủ số thuế TNDN, thuế GTGT vào Ngân sách là 2,5 tỷ đồng, trong đó số thuế GTGT chiếm 980 triệu đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà DHM phải nộp lại do vi phạm và bị truy thu là hơn 3 tỷ đồng.

Được biết, Dương Hiếu tiền thân là Công ty TNHH TM Dương Hiếu được thành lập ngày 30/06/2003 với hoạt động chủ yếu là cung cấp vật tư thiết bị trong các ngành công nghiệp nặng (vật liệu chịu lửa, thiết bị điện, thiết bị cơ khí…).


Được biết, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 của DHM là 465 triệu đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 là âm 66,7 tỷ đồng. Do đó, HoSE công bố quyết định giữ nguyên diện cảnh báo với cổ phiếu DHM kể từ ngày 10/7/2020.


Trong diễn biến đó, ông Dương Hữu Hiếu – Tổng giám đốc đã bán bất thành hơn 3,63 triệu cổ phiếu DHM như đăng ký bán từ ngày 11/8-9/9.


Nguyên nhân khiến giao dịch không thành công là do giá cổ phiếu không đạt được như ông Hiếu kỳ vọng. Trong khoảng thời gian ông Hiếu đăng ký bán cổ phiếu, DHM giao dịch với mức giá bình quân là 11.275 đồng/cp, tăng khoảng 35,8% so với thời điểm tháng 11/2020 ông Hiếu mua vào 1 triệu cổ phiếu và tăng xấp xỉ 121% so với thời điểm tháng 1/2017 ông Hiếu mua hơn 1,22 triệu cổ phiếu.

***Chọn cổ phiếu nào cho tháng 10/2021?***

Doanh thu xuất khẩu Vĩnh Hoàn (VHC) tháng 9 tăng 18% nhờ thị trường Mỹ

9 tháng, doanh thu xuất khẩu đạt 6.119 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.Doanh thu xuất khẩu vào thị trường Mỹ tháng 9 tăng mạnh trong khi Trung Quốc giảm.

Doanh thu xuất khẩu vào thị trường Mỹ tiếp tục khởi sắc khi đạt 344 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17% so với tháng trước. Thị trường Trung Quốc giảm 38% so với tháng 9/2020 và giảm 40% so với tháng 8 xuống 84 tỷ đồng do năng suất của công ty bị giảm trước ảnh hưởng dịch Covid-19 và giãn cách xã hội.

Xét về cơ cấu sản phẩm, cá tra đóng góp tỷ trọng lớn nhất 71,6% đạt 471 tỷ đồng, tương đương tháng trước và tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý III, công ty cá tra ghi nhận doanh thu xuất khẩu 2.128 tỷ đồng, tăng 16,7% so với quý III/2020. Lũy kế 9 tháng, doanh thu xuất khẩu đạt 6.119 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường Mỹ là 2.541 tỷ đồng, đóng góp 41,5%.

Nhờ hoạt động xuất khẩu khả quan, đặc biệt là quý II mà doanh thu lũy kế nửa đầu năm của Vĩnh Hoàn đạt 4.131 tỷ đồng, tăng 25,4%. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng mạnh do chi phí vận chuyển tăng cao khiến lợi nhuận ròng chỉ còn tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Sau Topzone, MWG muốn làm thêm 4 chuỗi khác thuộc hệ sinh thái Blue World?

Các chuỗi mới gồm BlueSport – quần áo thể thao, phụ kiện, đồng hồ thông minh và xe đạp thể thao, BlueKids – sản phẩm dành cho mẹ và bé, BlueFashion – thời trang, BlueJi – trang sức. Còn Topzone được cho là kinh doanh các mặt hàng của hãng Apple. 

Văn phòng của MWG

Nguồn tin tiết lộ kế hoạch này là một phần trong tham vọng trở thành nhà bán lẻ đa dạng số 1 Việt Nam của MWG. Do các lĩnh vực kinh doanh kể trên có nhiều khác biệt so với các hoạt động kinh doanh hiện tại của MWG nên không ngoại trừ khả năng công ty sẽ hình thành quan hệ đối tác thay vì thiết lập mới từ đầu.

Phía MWG từ chối bình luận về thông tin trên trong thời điểm này.

Vào ngày 16/10 tới đây, MWG sẽ công bố sự kiện ra mắt chuỗi mới Topzone thuộc công ty con Thế Giới Di Động. Hoạt động kinh doanh của chuỗi này chưa được công bố chính thức, chỉ có một mini game để người chơi dự đoán với 8 lựa chọn về hoạt động của chuỗi, bao gồm các ngành nghề kinh doanh khác nhau như hàng công nghệ cao cấp, thời trang cao cấp, thể thao, đồ dùng mẹ và bé, chuỗi nữ trang – trang sức, brand shop Samsung/OPPO hay chuỗi mới ở thị trường nước ngoài. 

Nếu Topzone được ra mắt, đây là chuỗi bán lẻ thứ 3 của thương hiệu TGDĐ, bên cạnh các cửa hàng bán điện thoại Thegioididong trong nước và Bluetronics tại Campuchia.

Còn MWG đang có tổng cộng 5 chuỗi bán lẻ, 3 chuỗi còn lại là Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, Nhà thuốc An Khang. Các chuỗi Thegioididong, Điện Máy Xanh đều đang giữ khoảng 50% thị phần, góp 70% doanh thu tập đoàn thì chuỗi Bách Hóa Xanh với gần 2.000 cửa hàng chiếm 26% doanh thu, tính tới hết tháng 8.

PNJ muốn vay ngân hàng tối đa gần 1.260 tỷ đồng

Mục đích vay ngân hàng nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, bảo lãnh.Tính đến cuối quý II, PNJ nợ gần 2.126 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay ngân hàng.Hệ số nợ vay/tổng tài sản và nợ vay/vốn chủ sở hữu lần lượt ở mức 37% và 23%.

Tính đến cuối quý II, PNJ không có nợ dài hạn, nợ vay ngắn hạn gần 2.126 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. 92% nợ vay, tương đương hơn 1.952 tỷ đồng là các khoản vay tại các ngân hàng như Vietcombank gần 547 tỷ đồng, BIDV 420 tỷ đồng, VietinBank hơn 370 tỷ đồng, SeABank 201 tỷ đồng…

Lãi suất các khoản vay ngân hàng khoảng 4-5%/năm. Riêng khoản vay 3,7 tỷ đồng tại Agribank có lãi suất 9,5%/năm. Hầu hết các khoản vay của PNJ đáo hạn trong nửa cuối năm nay. Hệ số nợ vay/tổng tài sản và nợ vay/vốn chủ sở hữu lần lượt ở mức 37% và 23%.

Về hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp vàng bạc vừa báo lỗ trong 2 tháng liên tiếp (tháng 7 lỗ 32 tỷ đồng và tháng 8 lỗ 78 tỷ đồng tháng 8). PNJ lý giải tháng 8 tiếp tục là tháng đặc biệt ngoại lệ, đơn vị phải tạm đóng hơn 270 cửa hàng trên toàn hệ thống trong hầu hết thời gian của tháng để thực hiện nghiêm chỉnh việc giãn cách xã hội.

Lũy kế 8 tháng, doanh thu tăng hơn 19% lên 12.288 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 14%, đạt 625 tỷ đồng. Với kết quả này, đơn vị thực hiện được 58,5% kế hoạch doanh thu và 50,9% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại thời điểm cuối tháng 8, PNJ có 336 cửa hàng trên toàn quốc. Đơn vị mở mới 1 cửa hàng PNJ Gold và đóng 2 cửa hàng PNJ Silver. Doanh nghiệp cho biết vẫn duy trì hệ thống giao hàng online và vận hành các cửa hàng không bị ảnh hưởng do chính sách dãn cách xã hội từ một số địa phương ngoài TP HCM.

kết quả kinh doanh của PNJ trong quý II với doanh thu thuần giảm 71,2% về 1.130 tỷ đồng với mức lỗ ròng 140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 202 tỷ. Điều này do các hạn chế về giãn cách xã hội kéo dài ở TP HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác ở miền Nam kể từ đầu tháng 7.

PNJ đã đóng cửa 82% tổng số cửa hàng, trong khi doanh thu bán hàng trực tuyến chỉ là chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu.

Exit mobile version