Điểm tin doanh nghiệp 12/11: Sếp GEX lãi lớn, TNG bơm 510 tỷ cho Telio, PGI muốn tăng vốn lên 1100 tỷ

Vimoney-diem-tindoanh-nghiep-12-11-GEX-TNG-PGI-TELIO-VIX

Điểm tin doanh nghiệp: Sếp GEX lãi lớn, TNG bơm 510 tỷ cho Telio, PGI muốn tăng vốn lên 1100 tỷ. Pijico cũng trình cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch chia cổ tức 2021 từ 5% tiền mặt và 7% cổ phiếu thành chỉ là 5% bằng tiền mặt do đã tiến hành thưởng cổ phiếu 25% theo phương án trên.

Ông Nguyễn Văn Tuấn lãi lớn khi cổ phiếu GEX và VIX tăng mạnh

Giá trị lô cổ phiếu GEX và VIX của ông Nguyễn Văn Tuấn hiện đã gấp đôi giá gốc mua. CEO Gelex đang tiếp tục gom thêm 30 triệu cổ phiếu GEX dù thị giá tăng rất mạnh thời gian qua.Các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của Chứng khoán VIX như IDC, IJC, S99, CEO có đà tăng giá đáng kể trong vòng 1 tháng.

Cổ phiếu GEX và VIX tăng mạnh, giá trị danh mục của CEO Gelex gấp đôi giá mua

Từ giữa năm 2020 đến nay, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng giám đốc Tập đoàn Gelex (GEX) liên tục gom cổ phiếu GEX để tăng sở hữu từ 0 lên 146,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 18,7% vốn. Bên cạnh gom cổ phiếu trên sàn thì lãnh đạo Gelex cũng đã tham gia mua 51,9 triệu cổ phiếu thông qua đợt phát hành ưu đãi giá 12.000 đồng/cp vào giữa năm của tập đoàn, mua theo quyền cổ đông nên lượng cổ phiếu này không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng.

Theo tính toán của Người Đồng Hành, CEO Gelex đã chi ra khoảng 2.800 tỷ đồng để gom 146,4 triệu cổ phiếu GEX trong hơn 1 năm qua, giá bình quân 19.000 đồng/cp.

Bắt đầu từ nửa cuối tháng 10 đến nay, cổ phiếu GEX ghi nhận mức tăng 58% từ vùng 24.000 đồng/cp lên gần 38.300 đồng/cp. Theo đó, tổng giá trị lô cổ phiếu GEX thuộc sở hữu của ông Tuấn đã tăng lên hơn 5.600 tỷ đồng, gần đôi giá mua.

Từ ngày 10/11 đến 9/12, ông Tuấn đăng ký mua tiếp 30 triệu cổ phiếu để tăng sở hữu lên 176 triệu đơn vị, tương ứng 22,58% vốn.

Không chỉ lãi lớn ở cổ phiếu GEX, CEO Gelex vừa mua 29 triệu cổ phiếu trong đợt Chứng khoán VIX chào bán ưu đãi hơn 127 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp. Được biết, ông Tuấn đã mua quyền mua của các cổ đông hiện hữu với giá 14,5 tỷ đồng, nhiều khả năng mua từ chị ruột là bà Nguyễn Thị Tuyết – Tổng giám đốc VIX và CTCP FTG Việt Nam – công ty liên quan đến bà Tuyết.

Như vậy, tổng số tiền ông Tuấn chi ra để mua 29 triệu cổ phiếu VIX là 304,5 triệu đơn vị. Đây là cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu nên sẽ không bị hạn chế quyền chuyển nhượng.

Cổ phiếu VIX của Chứng khoán VIX (VIX) cũng tăng một mạch từ vùng 19.000 đồng/cp lên 29.850 đồng/cp, tăng 60% trong vòng 1 tháng. Xét theo giá này, giá thị trường của lô cổ phiếu VIX thuộc sở hữu ông Tuấn đạt 858 tỷ đồng, gấp 2,8 lần.

Như vậy, tổng giá trị thị trường lô cổ phiếu VIX và GEX thuộc sở hữu riêng lãnh đạo Gelex đạt hơn 6.458 tỷ đồng, gấp đôi giá mua.

Lợi nhuận Gelex tăng nhờ hợp nhất Viglacera

Xét về hoạt động kinh doanh, từ kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, Gelex đã tiến hành đổi tên thành Tập đoàn Gelex (Gelex Group) nhằm định vị thành tập đoàn tư nhân đầu tư và quản lý vốn tại doanh nghiệp/dự án gắn liền với các thương hiệu quốc gia.

Trước khi đi đến bước này, tập đoàn đã mất 5 năm để tái cấu trúc, M&A, thoái vốn, sắp xếp các đơn vị thành viên như bán mảng logistics, tăng sở hữu Công ty dây đồng Việt Nam CFT, Viglacera, KCN Dầu khí Long Sơn, Viwaco… Hiện tập đoàn tập trung vào 2 lĩnh vực chính gồm công nghiệp (thiết bị điện) và hạ tầng (bất động sản, nước, năng lượng).

9 tháng, tập đoàn đạt 19.157 tỷ đồng doanh thu, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, lĩnh vực thiết bị điện vẫn đóng góp lớn nhất với 13.184 tỷ đồng, tăng 24% và chiếm tỷ trọng 69%. Đơn vị phát sinh doanh thu bất động sản, vật liệu xây dựng và cho thuê bất động sản hơn 5.100 tỷ đồng mà cùng kỳ không có nhờ hợp nhất Viglacera (VGC).

Biên lợi nhuận lĩnh vực thiết bị điện giảm và được bù đắp bởi các mảng kinh doanh của Viglacera giúp biên lợi nhuận gộp chung duy trì mức 14,7%, tương đương cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 836 tỷ đồng, tăng 55%.

Với việc hợp nhất được Viglacera, Gelex đặt mục tiêu tổng doanh thu 28.540 tỷ đồng năm 2021. Lợi nhuận trước thuế 1.285 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm ngoái. Sau 9 tháng, đơn vị thực hiện 67% kế hoạch doanh thu và vượt 9% kế hoạch lợi nhuận năm.

Hiện Gelex thông qua đơn vị thành viên sở hữu 50,21% vốn tại Viglacera. Ban lãnh đạo tập đoàn tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 bày tỏ sẽ tiếp tục tăng sở hữu lên mức chi phối tại Viglacera và KCN Dầu khí Long Sơn (PXL).

Cổ đông lớn nhất sau Gelex tại Viglacera là Bộ Xây dựng nắm 38,58% vốn và có kế hoạch hoàn thành thoái vốn trong năm 2022. Cùng với GEX, cổ phiếu VGC cũng bất ngờ tăng giá mạnh từ vùng 34.000 đồng/cp lên 48.000 đồng/cp, tăng 44% sau thời gian dài đi ngang.

Các cổ phiếu trong danh mục FVTPL của VIX tăng mạnh

Chứng khoán VIX cũng có kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm. Doanh thu đạt 1.256 tỷ đồng, gấp 2,4 lần nhờ lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng mạnh từ 123 tỷ đồng lên 627 tỷ đồng, lãi từ hoạt động cho vay, môi giới cũng tăng mạnh. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 574 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước.

Trong nửa đầu năm, VIX ghi nhận lãi bán các tài sản tài chính FVTPL lên đến 546 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 43 tỷ cùng kỳ năm trước; sang quý III khoản này chỉ 81 tỷ đồng.

Doanh nghiệp không công bố danh mục FVTPL quý III. Theo BCTC bán niên, danh mục cổ phiếu niêm yết của VIX gồm 222 tỷ đồng IDC, 278 tỷ HPG, 170 tỷ IJC và 103 tỷ VHL (giá gốc). Đầu năm, đơn vị có thêm CEO, S99, VGC, DDV nhưng đã bán hết.

So với thời điểm 30/6, hiện nay cổ phiếu IDC đã gần gấp 3 lần lên 92.000 đồng/cp, cổ phiếu IJC đang trên đà tăng giá lên 36.500 đồng/cp vượt qua đỉnh cũ thiết lập cuối tháng 6. Các cổ phiếu từng nằm trong danh mục của VIX như CEO, S99 cũng tăng giá rất mạnh trong hơn 1 tháng qua.

VIX vừa hoàn tất đợt tăng vốn mạnh từ 1.277 tỷ đồng lên 2.745,9 tỷ đồng thông qua trả cổ tức tỷ lệ 15% và chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1. Gần 147 triệu cổ phiếu phát hành thêm đã được lưu hành nhưng chưa có ngày niêm yết và giao dịch chính thức trên sàn chứng khoán.

***Điểm tin doanh nghiệp 11/11: Vingroud khởi công 4 dự án, PNJ lãi bao nhiêu, HAH thêm cổ đông lớn***

VNG rót 510 tỷ đồng vào nền tảng thương mại điện tử Telio

Ngày 12/11, CTCP VNG (VNG) vừa đầu tư 22.5 triệu USD tương đương 510 tỷ đồng vào Telio, nền tảng thương mại điện tử B2B.

Telio là nền tảng thương mại điện tử B2B liên kết các đơn vị bán lẻ với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung. Tại vòng gọi vốn Pre-Series B của Telio, VNG đã rót vốn 22.5 triệu USD, tương đương 510 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, ngoài các hỗ trợ giúp Telio mở rộng hoạt động kinh doanh, VNG cũng sẽ đồng hành cùng Telio trong việc tăng độ phổ biến của gian hàng Telio trên nền tảng Zalo, giúp các đại lý dễ dàng số hóa các hoạt động đặt hàng và theo dõi đơn hàng.

Trước Telio, VNG cũng đã đầu tư vào 2 start-up khác là EcoTruck (thuộc lĩnh vực Logistic) và Got It (nền tảng quà tặng trực tuyến) với giá trị lần lượt là 3.7 triệu USD và 6 triệu USD.

PGI: Bảo hiểm Pijico sắp họp ĐHCĐ trình phương án phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 25%, vốn điều lệ vượt mức 1.100 tỷ đồng

Pijico cũng trình cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch chia cổ tức 2021 từ 5% tiền mặt và 7% cổ phiếu thành chỉ là 5% bằng tiền mặt do đã tiến hành thưởng cổ phiếu 25% theo phương án trên.

Ngày 3/12 tới đây, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (Pijico – mã chứng khoán: PGI) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021, danh sách cổ đông dự họp đã được chốt vào ngày 5/11 vừa qua.

Theo tài liệu họp đã công bố, HĐQT Pijico dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư vốn, bên cạnh đó điều chỉnh phương án chia cổ tức năm 2021.

Cụ thể, Pijico sẽ phát hành hơn 22 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ thực hiện 25%. Nguồn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần; tại thời điểm 30/6/2021, con số này thể hiện trên BCTC là hơn 359 tỷ đồng.

Thời điểm thực hiện quý 4 năm nay hoặc quý 1/2022. Hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Pijico sẽ tăng từ 887 tỷ đồng lên mức 1.109 tỷ đồng.

Trong tờ trình, Pijico cho biết tính đến cuối 2020, doanh nghiệp đứng trong top 5 về thị phần doanh thu nhưng vốn điều lệ dưới mốc 1.000 tỷ đồng và chỉ đứng thứ 8 – mức thấp hơn nhiều so với quy mô doanh thu hiện tại.

Do đó, việc phát hành cổ phiếu thưởng cũng sẽ giúp hiện thực hóa khoản thặng dự cho các cổ đông hiện hữu sau thương vụ phát hành cổ phiếu riêng lẻ SFMI năm 2017; đồng thời lợi ích cổ đông cũng được tăng lên do số cổ phần này còn được hưởng cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt. Về hoạt động, phát hành sẽ giúp tăng cường năng lực tài chính và sức mạnh tranh tranh khi tham gia các dự án đấu thầu lớn trên thị trường.

Về cơ cấu cổ đông lớn tại Pijico, công ty mẹ là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán: PLX) nắm hơn 36 triệu cổ phần (40,95% vốn), ngân hàng Vietcombank (mã chứng khoán HoSE) sở hữu hơn 7 triệu cổ phiếu (8,03% vốn) và cổ đông chiến lược SFMI sở hữu 17,7 triệu cổ phiếu (20% vốn).

Song song với đó, Pijico cũng trình cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch chia cổ tức 2021 từ 5% tiền mặt và 7% cổ phiếu thành chỉ là 5% bằng tiền mặt do đã tiến hành thưởng cổ phiếu 25% theo phương án trên.

Về hoạt động kinh doanh, Pijico là quán quân tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 120 tỷ đồng trong quý 3, nâng tổng LNST 9 tháng đầu năm lên 322 tỷ đồng, tương ứng mức tăng tới 92% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó lợi nhuận quý 3 tăng mạnh kh gấp gần 4 lần lợi nhuận đạt được quý 3/2020.

Tại thời điểm 30/9/2021, Pijico có 287 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và khoảng 359 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.

Trên thị trường, cổ phiếu PGI sau nhịp tăng mạnh theo sóng của cổ phiếu ngành bảo hiểm đang quay đầu điều chỉnh. Chốt phiên ngày 11/11, thị giá PGI đạt 30.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 53% trong 4 tháng qua.

Exit mobile version