Điểm tin doanh nghiệp 19/11: QNC chào bán cổ phiếu, TGG xin miễn mua công khai TGG, PTL muốn hủy trên HoSE

ViMoney-diem-tin-doanh-nghiep-19-11-QNC-TGG-PTL

Điểm tin doanh nghiệp 19/11: QNC chào bán cổ phiếu, TGG xin miễn mua công khai TGG, PTL muốn hủy trên HoSE – Petroland muốn hủy niêm yết HoSE sau hơn 11 năm giao dịch.Cổ phiếu PTL sau khi hủy niêm yết sẽ được giao dịch trên thị trường UPCoM.Lợi nhuận doanh nghiệp 9 tháng gấp 5,9 lần cùng kỳ đạt 19 tỷ đồng

QNC muốn huy động 100 tỷ đồng từ chào bán riêng lẻ

HĐQT CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC – Upcom) dự kiến lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua việc điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2021. Trong đó, Tổng Giám đốc QNC là cá nhân duy nhất đủ điều kiện đã đăng ký mua toàn bộ 10 triệu cp trong đợt chào bán này.

Cụ thể, QNC dự kiến chào bán 10 triệu cp riêng lẻ với giá 10,000 đồng/cp. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư là các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Công ty có tiềm lực tài chính và khả năng góp vốn nhanh ngay khi đăng ký mua cổ phần. Danh sách đối tượng tham gia mua chỉ có duy nhất 1 cá nhân là ông Tô Ngọc Hoàng – Thành viên HĐQT kiêm TGĐ QNC.

Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của QNC dự kiến tăng từ 500 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Thời điểm phát hành dự kiến trong quý 4/2021 hoặc quý 1/2022 sau khi có sự chấp thuận của UBCKNN.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến là 100 tỷ đồng sẽ được QNC sử dụng bổ sung vốn lưu động, phục vụ sản xuất xi măng (50 tỷ đồng), bổ sung vốn đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất cho Nhà máy xi măng Lam Thạch (35 tỷ đồng) và trả nợ nguồn vốn vay Ngân hàng đầu tư Bắc Âu (15 tỷ đồng).

Kinh doanh dưới giá vốn, QNC “ôm” lỗ hơn 20 tỷ đồng trong quý 3

Trong quý 3, QNC ghi nhận doanh thu thuần giảm 18% so với cùng kỳ, xuống còn 269 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến đơn vị báo lỗ gộp gần 2 tỷ đồng. Khấu trừ thêm các các chi phí và thuế, QNC báo lỗ ròng hơn 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 8 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của QNC giảm 21%, xuống còn 823 tỷ đồng và lãi ròng giảm 52%, ghi nhận gần 26 tỷ đồng.

Theo giải trình của QNC, nguyên nhân do tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm mạnh ở cả thị trường nội địa của xuất khẩu.

QNC cho biết sản lượng sản xuất giảm mạnh do một phần không có đầu ra, một phần vào kỳ sửa chữa lớn cả hai dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho sản xuất như nguyên vật liệu chính (than, quặng, thạch cao…) tăng 30%, nhiên liệu, dầu mỡ phụ tăng trên 50% và các loại vật tư, sắt thép đều tăng, dẫn đến giá thành sản xuất tăng, trong khi giá bán chỉ tăng 10% do còn theo xu hướng thị trường. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp như QNC không được hưởng lợi gì.

Thậm chí, các hoạt động kinh doanh khác đều có chiều hướng sụt giảm mạnh do dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Năm 2021, QNC đặt kế hoạch đem về 1,155 tỷ đồng doanh thu và 10 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng, đơn vị đã thực hiện được 71% mục tiêu doanh thu và 39% mục tiêu lãi sau thuế 2021.

Trên thị trường, sau khi tăng mạnh và thiết lập đỉnh tại mức 14,800 đồng/cp (02/11/2021), giá cổ phiếu QNC đã hạ nhiệt. Giá QNC chốt phiên sáng 19/11 tại mức 13,100 đồng/cp, giảm 11% so với đỉnh, khối lượng giao dịch bình quân hơn 150,000 cp/phiên.

***Điểm tin doanh nghiệp 19-11: HQC bán cổ phiếu, TNG huy động 300 tỷ trái phiếu, VTR khai thác thụ trường Úc, Mỹ***

TGG: Louis Holdings muốn được miễn chào mua công khai cổ phần TGG

Theo tài liệu, ĐHĐCĐ bất thường sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn chào mua công khai đối với Louis Holdings khi nhận chuyển nhượng cổ phiếu TGG.
Theo đó, tổ chức này không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai khi nhận chuyển nhượng từ các cổ đông Louis Capital, dẫn đến tỷ lệ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp đạt hoặc vượt mức 25%, 35%, 45%, 55%, 65% và 75% số cổ phần có quyền biểu quyết của Louis Capital.

Bên cạnh đó, tại Đại hội công ty sẽ miễn nhiệm 3 Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Hồ Hưng và Đỗ Thành Nhân. 
Trước đó, ông Đỗ Thành Nhân đã nộp đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT do công việc cá nhân nhiều nên không thu xếp được thời gian để tiếp tục tham gia công việc tại công ty.

Trước khi ông Nhân nộp đơn xin từ nhiệm, nhiều thành viên khác cũng xin rút khỏi HĐQT của Louis Capital. Cụ thể, vào ngày 8/10, ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch Chứng khoán APG cũng muốn rút khỏi HĐQT sau hơn một tháng gia nhập.

Tương tự, ông Nguyễn Trung Kiên, Thành viên HĐQT Louis Capital cũng có nộp đơn xin từ nhiệm vì lý do do sức khoẻ không đảm bảo. Ông Kiên mới làm lãnh đạo tại công ty này trong 12 ngày.

Để thay thế, ĐHĐCĐ bất thường bầu bổ sung 3 thành viên mới là ông Nguyễn Mai Long, ông Phùng Trung Thuỷ và ông Cao Bá Trung.
Hiện, ông Nguyễn Mai Long đang là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Louis Holdings và Chủ tịch CTCP Sametel (SMT) – đơn vị cũng thuộc hệ sinh thái Louis.

Ông Phùng Trung Thuỷ đang là Trợ lý CEO của Sametel và Trợ lý điều hành của ông Nguyễn Mai Long. Còn ông Cao Bá Trung đang là Giám đốc hãng luật Cabas.  

Petroland (PTL) muốn hủy niêm yết HoSE, cổ phiếu trần 3 phiên

Petroland muốn hủy niêm yết HoSE sau hơn 11 năm giao dịch.Cổ phiếu PTL sau khi hủy niêm yết sẽ được giao dịch trên thị trường UPCoM.Lợi nhuận doanh nghiệp 9 tháng gấp 5,9 lần cùng kỳ đạt 19 tỷ đồng

Công ty Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí Petroland( PTL – HoSE) công bố quyết định HĐQT triển khai việc lấy ý kiến cổ đông hoặc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường về hủy niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).

Trước thông tin này, cổ phiếu PTL phản ứng khá tích cực với 3 phiên tăng trần liên tiếp từ 8.830 đồng/cp lên 10.800 đồng/cp. So với vùng giá cuối tháng 9, cổ phiếu này tăng trên 60%. Phiên ngày 19/11, cổ phiếu cũng mở cửa trong sắc tím.

Sau khi hủy niêm yết trên HoSE, cổ phiếu PTL sẽ được chuyển dữ liệu sang giao dịch trên UPCoM, thị trường kém minh bạch hơn nhưng biên độ dao động giá lớn hơn với 15% mỗi phiên.

Cổ phiếu PTL chào sàn HoSE vào ngày 22/9/2010 với giá tham chiếu 25.000 đồng. Kể từ đó đến nay, doanh nghiệp này chỉ có duy nhất một lần trả cổ tức bằng tiền vào năm 2011 với tỷ lệ 4%.

Petroland có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực như đầu tư xây dựng và kinh doanh các khu đô thị, văn phòng cho thuê; trung tâm thương mại, tài chính, khách sạn; hạ tầng kỹ thuật đô thị và các dịch vụ khác có liên quan; đầu tư xây dựng, quản lý vận hành và kinh doanh khai thác các khu công nghiệp dầu khí, khu công nghiệp sử dụng khí thiên nhiên…

Sau giai đoạn thua lỗ 2017-2018, kết quả kinh doanh của Petroland có sự cải thiện đáng kể 2 năm gần đây. Đặc biệt, 9 tháng năm nay, đơn vị báo cáo doanh thu tăng 77% lên 63,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 18,9 tỷ đồng, gấp 5,9 lần cùng kỳ.

Dù kết quả kinh doanh cải thiện nhưng đến cuối quý III, Petroland vẫn lỗ lũy kế 275 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 751 tỷ đồng.

Exit mobile version