Điểm tin doanh nghiệp 2/12: SAB có 11 tỷ cổ tức từ WSB, HHV chờ phân bổ 3000 tỷ lãi vay, chủ tịch VMD thêm lao đao

ViMoney-diem-tin-doanh-nghiep-2-12-SAB-HHV-VMD

Điểm tin doanh nghiệp: SAB có 11 tỷ cổ tức từ WSB, HHV chờ phân bổ 3000 tỷ lãi vay, chủ tịch VMD thêm lao đao – Đại diện Bộ Công an, đã thông tin về vụ việc đấu giá khu đất rộng 5 ha ở Đông Anh khiến bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex, vướng lao lý.

Sabeco thu về 11 tỷ đồng cổ tức từ WSB

Tính đến cuối tháng 9, Sabeco sở hữu 51% vốn Bia Sài Gòn – miền Tây nên Sabeco sẽ thu về hơn 11 tỷ đồng tiền mặt.

CTCP Bia Sài Gòn – Miền Tây (WSB) thông báo sẽ chốt danh sách cổ động để nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% vào ngày 14/12.

Với 14,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến WSB sẽ chi xấp xỉ 21,8 tỷ đồng để hoàn thành đợt tạm ứng cổ tức. Thời gian chi trả dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30/12.

Tính đến cuối tháng 9/2021, Sabeco sở hữu gần 7,4 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn Bia Sài Gòn – miền Tây. Như vậy đợt chia cổ tức này, Sabeco sẽ thu về hơn 11 tỷ đồng tiền mặt.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2021, Bia Sài Gòn – miền Tây đã chia cổ tức bằng tiền mặt đợt cuối năm 2020 với 2.000 đồng/cp và ước tính số tiền cổ tức Sabeco thu về gần 14,8 tỷ đồng.

Năm 2020 được xem là năm khó khăn đối với ngành bia rượu nói chung và Bia Sài Gòn Miền Tây nói riêng. Nguyên nhân chính do tác động kép của Nghị định 100 về xử phạt hành vi uống rượu bia khi lái xe và tác động lớn hơn từ dịch bệnh Covid-19.

Trong bối cảnh đó, Bia Sài Gòn Miền Tây vẫn hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận. Do vậy HĐQT công ty trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, trong đó dành 72,5 tỷ đồng chia cổ tức tỷ lệ 50% cho cổ đông thay cho mức 30% như kế hoạch.

Năm 2021, Bia Sài Gòn Miền Tây đặt mục tiêu đạt 994,5 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 19% so với doanh thu thực hiện năm 220. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hơn 134,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 118,4 tỷ đồng, tăng 3% so với lợi nhuận đạt được năm 2020. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 30%.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, Bia Sài Gòn – Miền Tây ghi nhận doanh thu hơn 537 tỷ đồng, giảm 3,51% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 57,71 tỷ đồng, giảm 23,13%. Như vậy, công ty mới hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và 48% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

HHV: Gần 3.000 tỷ đồng lãi vay chờ phân bổ của Đèo Cả

Báo cáo tài chính quý III của Công ty Đầu tư hạ tầng gia thông Đèo Cả ghi nhận chi phí lãi vay chưa phân bổ của công ty là gần 3.000 tỷ đồng, vượt qua vốn góp thực tế của doanh nghiệp.

Diễn biến giá HHV ngày 2/12

Đầu tháng 11, Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có công văn số 2310/TCDN-VP gửi Công ty Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV – UPcom) về việc tháo gỡ những bất cập về phân bổ chi phí lãi vay của dự án BOT theo đề xuất của doanh nghiệp này.

Ngay sau đó Đèo Cả đã phát hành lại báo cáo tài năm 2020 và 6 tháng năm 2021 thay thế cho báo cáo trước đó và cập nhật nguyên tắc ghi nhận chi phí tài chính.

Cụ thể, đối với các dự án BOT, chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến các khoản vay tài trợ vốn cho dự án BOT trong giai đoạn vận hành được phân bổ theo tỷ lệ giữa doanh thu thu phí phát sinh trong kỳ và doanh thu theo phương án tài chính của dự án BOT.

Giá trị chênh lệch giữa chi phí đi vay phát sinh và chi phí đi vay được phân bổ vào kết quả hoạt động trong kỳ sẽ được ghi nhận vào chi phí trả trước, giá trị này được phân bổ vào các kỳ tiếp theo.

Trên thực tế, trong các báo cáo tài chính cũ, Đèo Cả đã ghi nhận một phần chi phí lãi vay theo cách tương tự dựa theo nguyên tắc Phù hợp quy định trong Chuẩn mực kế toán Việt Nam. Do đó, việc công ty phát hành lại các báo cáo này không làm thay đổi lớn các số liệu tài chính đã công bố.

Tính đến hết quý 3/2021, Đèo Cả đang vay và nợ thuê tài chính dài hạn xấp xỉ 21.000 tỷ đồng. Phần lớn các khoản vay dài hạn là các hợp đồng tín dụng với Vietinbank để triển khai các dự án BOT.

Tuy nhiên, chi phí trả lãi vay của công ty ghi nhận trên báo cáo kết quả kinh doanh chỉ gần 400 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2021. Tương tự, cả năm ngoái số lãi vay mà Đèo Cả ghi nhận trên báo cáo lãi lỗ là hơn 480 tỷ đồng.

Thực tế, dư nợ vay ngân hàng gần 1 tỷ USD khiến lãi vay của Đèo Cả phải trả hàng năm rất lớn và được ghi nhận chủ yếu vào khoản mục lãi vay chờ phần bổ. Cụ thể, đến cuối quý 3 của công ty ghi nhận chi phí lãi vay chờ phân bổ ngắn hạn là 263 tỷ đồng, và dài hạn là xấp xỉ 2.600 tỷ đồng.

Số lãi vay chờ phân bổ này lớn hơn vốn điều lệ của doanh nghiệp tại ngày 30/9 là hơn 2.673 tỷ đồng. Nếu phải phân bổ toàn bộ chi phí lãi vay này như các doanh nghiệp thông thường, Đèo Cả sẽ bị giảm gần hết số vốn chủ sở hữu đang có.

Cũng do đặc thù của doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, Đèo Cả đang gặp khó khăn trong việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ UPCom lên sàn HOSE. Hiện tỷ lệ ROE năm gần nhất của doanh nghiệp này chưa đạt 5% theo yêu cầu tiêu chi niêm yết của HOSE.

Điểm đáng chú ý là trong cơ cấu vốn chủ sở hữu của Đèo Cả hiện có 3.271 tỷ đồng (chiếm 43%) là nguồn kinh phí hình thành tài sản cố định. Đây được hiểu là nguồn vốn Nhà nước nằm trong các dự án BOT mà Đèo Cả đang thực hiện nhưng chưa hoàn thành quyết toán.

Là đơn vị hoạt động chính trong mảng hạ tầng, Đèo Cả triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông đường bộ lớn và trọng điểm như chuỗi dự án hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn…

Theo kế hoạch năm 2022, công ty dự kiến sẽ đầu tư vào các dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh… cũng như một số dự án bất động sản khác thông qua đa dạng các hình thức như góp vốn đầu tư trực tiếp, hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng cổ phần…. Tổng số vốn tham gia đầu tư dự kiến gần 4.000 tỷ đồng.

Đối tác hỗ trợ tài chính lớn nhất của Đèo Cả là Vietinbank. Từ năm 2013, Vietinbank đã song hành với các dự án do Tập đoàn Đèo Cả triển khai. Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả – Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân có tổng mức đầu tư 26.154 tỷ đồng đã được chủ đầu tư thế chấp tại Vietinbank để đảm bảo cho các khoản vay.

Vietinbank cũng là một trong 4 ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỷ đồng. Sau 10 năm triển khai chậm, Tập đoàn Đèo Cả đã được mời tham gia phát triển dự án này để đẩy nhanh tiến độ. Hiện ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.

***Điểm tin doanh nghiệp: MCG tăng gần 500% liền đổi tên, LAS bán IPO 21 triệu cổ phiếu mới, KPF phát hành thêm 66,5 triệu cổ***

VMD: Công ty của Chủ tịch Vimedimex có biểu hiện “vây thầu”

Đại diện Bộ Công an, đã thông tin về vụ việc đấu giá khu đất rộng 5 ha ở Đông Anh khiến bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex, vướng lao lý.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, trả lời câu hỏi về kết quả điều tra ban đầu vụ án liên quan đến ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế và bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vimedimex cùng 7 người khác do liên quan đến nhiều sai phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết Ban thường vụ Đảng ủy Công an đã xem xét rất kỹ, cẩn trọng trong từng vụ việc, nhất là khi đưa ra quyết định khởi tố người có ảnh hưởng, có chức, có quyền hạn.

“Bộ trưởng yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm để làm rõ vi phạm. Nếu người đó quyết định vì cái chung, không sai, không tiêu cực sẽ xem xét một cách khác. Còn nếu vụ việc có ăn chia, biểu hiện tiêu cực thì phải xử lý. Nhưng rất cân nhắc các biện pháp tố tụng như bắt hay không bắt”, ông Xô nói

Ông Xô cho biết theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham những, Bộ Công an ưu tiên xử lý một số vụ việc trong lĩnh vực y tế, đấu thầu đất đai. Phương châm là xử lý một vụ án để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực, hướng tới lợi ích người được hưởng là nhân dân.

Với vụ việc của ông Trương Quốc Cường, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến vụ buôn bán thuốc giả tại VN Pharma. Trong đó, nhiều lãnh đạo Cục Quản lý dược cũng bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm. Ông Trương Quốc Cường được xác định gây thiệt hại trên 50 tỷ đồng.

Với vụ bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Vimedimex, ông Xô nhấn mạnh đây là vụ việc đấu thầu đất đai. Vụ án có biểu hiện “vây thầu” khi bà Loan cho các công ty con của Vimedimex đi đấu thầu, dùng biện pháp “câu mắc” các cơ quan liên quan.

Vụ án có biểu hiện “vây thầu” khi bà Loan cho các công ty con của Vimedimex đi đấu thầu, dùng biện pháp “câu mắc” các cơ quan liên quan.

Giá đất đấu giá ban đầu là 500 tỷ sau đó được hạ xuống 300 tỷ để thắng thầu. Các công ty bị loại ra ở vòng 1 khi đấu thầu cùng một giá, chỉ còn lại 3 công ty lọt vào vòng tiếp theo, cùng là công ty con của Vimedimex. Sau đó, các công ty con này lại bỏ thầu cùng một giá, rồi xin bỏ thầu. “Cơ quan công an tiếp tục làm rõ vụ việc”, ông Xô cho biết.

Được biết, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex đã lập nhiều công ty làm “quân xanh, quân đỏ” tham gia đấu giá khu đất. Một công ty do bà Loan nắm quyền chi phối đã trúng đấu giá khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2.

Kết quả điều tra xác định chỉ một tháng sau khi được bàn giao đất, bà Loan đã bán với khu đất trên với giá từ 80 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của các bị can đã gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược Vimedimex đã bị khởi tố vì “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 người khác gồm: Vương Thị Thu Thủy – cán bộ Ban quản lý dự án huyện Đông Anh; Nguyễn Thị Diệu Linh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thẩm định giá và đầu tư Hà Nội; Nguyễn Đức Phương và Nguyễn Ngọc Thắng cùng là thẩm định viên của Công ty thẩm định giá và đầu tư Hà Nội, cùng 3 người khác thuộc các công ty kinh doanh bất động sản.

Exit mobile version