Điểm tin doanh nghiệp 21/10: FPT ước đạt 1.639 tỷ đồng lợi nhuận, Xi măng Hà Tiên 1(HT1) lỗ gần 20 tỷ đồng quý III, Vietnam Airlines (HVN) – kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

diem-tin-doanh-nghiep-21-10-fpt-ht1-hvn

Điểm tin doanh nghiệp 21/10: FPT ước đạt 1.639 tỷ đồng lợi nhuận, Xi măng Hà Tiên 1(HT1) lỗ gần 20 tỷ đồng quý III, Vietnam Airlines (HVN) – kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Nợ ngắn hạn tại cuối quý II vượt quá tài sản ngắn hạn 34.664 tỷ đồng. Khoản phải trả quá hạn là 14.805 tỷ. Vietnam Airlines lỗ 6 quý liên tiếp, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 2.785 tỷ đồng. Theo đó, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không.

FPT ước đạt 1.639 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III, tăng 18%

Lợi nhuận 9 tháng của FPT đạt 4.575 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Công ty hoàn thành 74% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2021. Lợi nhuận khối công nghệ 9 tháng tăng 30% so với cùng kỳ.

Tính riêng quý III, doanh thu đạt 8.722 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.639 tỷ đồng, tăng 18,2%.

Khối công nghệ (bao gồm dịch vụ CNTT trong nước và dịch vụ CNTT tại nước ngoài) mang về 14.294 tỷ đồng doanh thu và 2.097 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng, lần lượt tăng trưởng 22,1% và 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối công nghệ hiện đóng góp 57% doanh thu và 46% lợi nhuận trước thuế.

Tại thị trường nước ngoài, doanh thu tăng tại mọi khu vực, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu nhờ tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 đạt mức cao và các hoạt động của nền kinh tế dần hồi phục. Trong 9 tháng đầu năm, FPT liên tục ghi nhận những đơn hàng lớn, trong đó có 16 dự án với quy mô trên 5 triệu USD/dự án, tăng 167% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Doanh thu từ chuyển đổi số trong 9 tháng đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), Low code…

Tựu trung, doanh thu dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài đạt 10.415 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.732 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,6% và 22,1% so với cùng kỳ. 

Tại thị trường trong nước, dịch vụ CNTT ghi nhận 3.880 tỷ đồng doanh thu, tăng 32,3% và 365 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 92,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Made by FPT ghi nhận 415 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 54,9% so với cùng kỳ.

Khối viễn thông mang về 9.232 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% và 1.783 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21,9%. 

Nhờ lợi nhuận từ mảng truyền hình gia tăng, cùng với việc tạm hoãn đầu tư vào cơ sở hạ tầng trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên 9 tháng năm 2021, biên lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông, bao gồm dịch vụ băng thông rộng và dịch vụ khác, tiếp tục cải thiện, lần lượt đạt 20,8% và 14%.

Sản lượng tiêu thụ giảm 55%, Xi măng Hà Tiên 1 lỗ gần 20 tỷ đồng quý III

Quý III, doanh thu thuần giảm 48%, lợi nhuận sau thuế âm 20 tỷ đồng.Nguyên nhân do sản lượng tiêu thụ xi măng giảm và giá nguyên liệu sản xuất tăng mạnh. Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 12%, lãi trước thuế giảm 64% xuống 376 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính gấp 11 lần lên 5,7 tỷ đồng nhờ tăng thu nhập từ cổ tức, đầu tư cổ phiếu và lãi tiền gửi, chênh lệch giá khác. Trong khi đó, chi phí hoạt động này giảm 64% xuống hơn 19 tỷ đồng. Chi phí quản lý và bán hàng cũng giảm lần lượt 12% và 21% so với quý III/2020. 

Dù vậy, Xi Măng Hà Tiên 1 vẫn báo lỗ sau thuế gần 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 148 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên của doanh nghiệp kể từ năm 2013.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 12% còn 5.040 tỷ đồng; lãi trước thuế giảm 64% xuống 376 tỷ đồng. Lãi sau thuế theo đó giảm 69% về gần 317 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty hoàn thành 62% chỉ tiêu doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối quý III đạt hơn 892 tỷ đồng, bên cạnh gần 793 tỷ quỹ đầu tư phát triển. Quy mô tài sản giảm 7% so với đầu năm, xuống 9.331 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn giảm 14% về còn 2.010 tỷ đồng. 

Tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 1.078 tỷ xuống chỉ còn 452 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 42% lên mức 1.015 tỷ đồng. Về nguồn vốn, nợ vay tài chính ngắn hạn giảm 25% xuống 1.787 tỷ đồng, doanh nghiệp không vay dài hạn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 32%.   

Vietnam Airlines: Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Nợ ngắn hạn tại cuối quý II vượt quá tài sản ngắn hạn 34.664 tỷ đồng.Khoản phải trả quá hạn là 14.805 tỷ.Vietnam Airlines lỗ 6 quý liên tiếp, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 2.785 tỷ đồng. Theo đó, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không.

Trong báo cáo, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines. Cụ thể, tổng công ty lỗ 8.622 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 724 tỷ đồng sau nửa đầu năm. Nợ ngắn hạn tại cuối quý II vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 34.664 tỷ đồng. Khoản phải trả quá hạn là 14.805 tỷ và vốn chủ sở hữu âm 2.785 tỷ đồng.

Theo kiểm toán, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines. Đơn vị kiểm toán nhận định khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch Covid-19.

Về kết quả hoạt động nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 4.458 tỷ đồng sau soát xét, giảm 37 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Với 6 quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối quý II lên đến âm 17.808 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và âm vốn chủ sở hữu. 

Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Do đó, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE. Cổ phiếu này cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/4 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng.

Cuối tháng 9, tổng công ty đã kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu.

Để giải quyết khó khăn trong hoạt động kinh doanh, hãng hàng không triển khai nhiều giải pháp tự thân đến từ kế hoạch đàm phán với các nhà cung ứng, các đối tác cho thuê tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng… Chi phí cắt giảm mục tiêu đạt trên 10.000 – 10.800 tỷ đồng trong năm nay.  

Vietnam Airlines cũng được Chính phủ cho phép điều chỉnh chính sách khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng phù hợp với công suất sử dụng tài sản; giảm thuế bảo vệ môi trường, phí cất cánh, điều hành bay, phí bảo lãnh chính phủ.

Hãng hàng không cũng ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng gồm SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, Vietnam Airlines đã huy động hơn 7.961 tỷ đồng qua đợt chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu từ ngày 5/8 đến 14/9.

Exit mobile version