Điểm tin doanh nghiệp 22/10: DPM, DDV, ANV kẻ lỗ người lãi

diem-tin-doanh-nghiep-22-10-dpm-ddv-anv

Điểm tin doanh nghiệp 22/10: DPM, DDV, ANV kẻ lỗ người lãi. Thực hiện 3 tại chỗ khiến các chi phí phát sinh trong quý của Navico tăng cao. Navico báo lỗ hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt lãi sau thuế 40 tỷ đồng.Công ty đã thực hiện được 62% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận 2021.

Sản lượng và giá bán cùng tăng, Đạm Phú Mỹ (DPM) lãi gấp 2,4 lần quý III

Doanh nghiệp thực hiện 94% kế hoạch doanh thu và gấp 4 lần kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng. Quý IV, Đạm Phú Mỹ dự kiến doanh thu 2.846 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 131 tỷ đồng.

Đạm Phú Mỹ lý giải giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón trong quý cùng tăng so với cùng kỳ năm trước thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận.

Giá các loại phân bón liên tục tăng từ đầu năm đến nay trước diễn biến giá nguyên liệu đầu vào tăng. Riêng giá phân bón ure Phú Mỹ bình quân hiện ở mức 835.000 đồng mỗi bao 50 kg, gấp 2,3 lần đầu năm; giá NPK Phú Mỹ 665.000 đồng mỗi bao, tăng 43%.

Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp phân bón đạt 7.700 tỷ đồng doanh thu, tăng 32%; lãi ròng 1.473 tỷ đồng, tăng 150%. Đơn vị thực hiện 93% kế hoạch doanh thu và gấp 4 lần kế hoạch năm.

Công ty đạt sản lượng 512.252 tấn ure trong 9 tháng, thực hiện 67% kế hoạch năm và giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Song, sản lượng NPK đạt 121.417 tấn, tăng 75%.

Doanh nghiệp cho biết bên cạnh yếu tố giá bán sản phẩm tăng mạnh, lợi nhuận 9 tháng cải thiện còn đến từ việc tiết giảm chi phí, tối ưu quá trình sản xuất, giảm tiêu hao nguyên vật liệu. Ngoài ra, thực hiện theo thông báo kết luận kiểm toán Nhà nước, công ty đã hạch toán giảm một số chi phí và tăng thu nhập khác vào kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng làm lợi nhuận tăng 269 tỷ đồng. Đồng thời, tồn kho ure năm 2020 với giá thành thấp, chuyển sang kinh doanh những tháng đầu năm 2021, giúp gia tăng thêm khoảng 100 tỷ đồng lợi nhuận.

Về kế hoạch kinh doanh 3 tháng cuối năm, Đạm Phú Mỹ dự kiến sản lượng kinh doanh ure đạt 237.748 tấn, NPK sản xuất đạt 18.583 tấn, phân bón tự doanh đạt 39.826 tấn và hóa chất đạt 32.204 tấn. Theo đó, doanh thu dự kiến 2.846 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 131 tỷ đồng trong quý IV.

Tại thời điểm cuối năm, Đạm Phú Mỹ có 2.774 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng thêm gần 750 tỷ so với đầu năm; đầu tư ngắn giữ đến ngày đáo hạn ngắn hạn 2.495 tỷ đồng, tăng thêm 310 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng từ 1.468 tỷ đồng lên 1.758 tỷ đồng.

***Điểm tin doanh nghiệp 21/10: DHG lãi quý tăng 21%, HPG lãi 10.350 tỷ đồng quý III, VJC khôi phục bay.***

Trước diễn biến giá phân bón và kết quả kinh doanh tăng cao, cổ phiếu DPM tăng từ vùng 21.000 đồng/cp lên 47.000 đồng/cp trong vòng 2 tháng qua.

DAP Vinachem (DDV) lãi 68 tỷ quý III, 9 tháng vượt 134% kế hoạch năm

Giá bán bình quân quý III đạt 13 triệu đồng/tấn, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận quý III tăng từ 11% lên 15%.Doanh nghiệp thực hiện 84% chỉ tiêu doanh thu và vượt 134% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

DAP Vinachem lý giải doanh thu tăng chủ yếu nhờ tăng giá bán. Giá bán bình quân (đã trừ chiết khấu) trong quý đạt 13 triệu đồng/tấn, tăng 69% so với quý III/2020.

Chi phí tài chính giảm 84% do tình hình kinh doanh ổn định, công ty ít phải sử dụng đến vốn vay ngân hàng. Chi phí bán hàng giảm 27% khi giảm phí ủy thác xuất khẩu, đơn vị xuất khẩu trực tiếp. Song, chi phí quản lý tăng 10% do phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi.

Theo đó, doanh nghiệp phân DAP ghi nhận lợi nhuận sau thuế 68 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 7 tỷ cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu 2.158 tỷ đồng, tăng 84%; lãi sau thuế 159 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 40 tỷ đồng. DAP Vinachem thực hiện 84% kế hoạch doanh thu và vượt 134% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Với kết quả kinh doanh khởi sắc trong 9 tháng, doanh nghiệp chỉ còn lỗ lũy kế 46 tỷ đồng, giảm so với mức 205 tỷ đồng đầu năm.

Tại thời điểm cuối quý III, công ty có 242 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng mạnh so với con số 18 tỷ đầu năm. Khoản phải thu khách hàng tăng từ 168 tỷ đồng lên 218 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng nhẹ từ 218 tỷ lên 223 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tăng nợ vay ngắn hạn từ 50 tỷ đồng đầu năm lên 66,4 tỷ đồng và không vay dài hạn.

Cổ phiếu DDV có đà tăng nóng từ vùng 15.000 đồng/cp lên 41.000 đồng/cp trong nửa cuối tháng 8 đến 15/9, sau đó lao dốc về 29.100 đồng/cp.

Navico (ANV) báo lỗ 13 tỷ đồng trong quý III

Thực hiện 3 tại chỗ khiến các chi phí phát sinh trong quý của Navico tăng cao. Navico báo lỗ hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt lãi sau thuế 40 tỷ đồng.Công ty đã thực hiện được 62% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận 2021.

Trong kỳ Navico có gần 12 tỷ đồng doanh thu tài chính tăng 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên các chi phí phát sinh trong kỳ đều đồng loạt tăng cao. Chi phí tài chính tăng 54%, chi phí bán hàng tăng 73%.

Kết quả Navico báo lỗ hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt lãi sau thuế 40 tỷ đồng.

Navico cho biết nguyên nhân doanh thu giảm đến từ số lượng công nhân khi thực hiện phương án 3 tại chỗ dẫn đến sản lượng bán giảm. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng nhiều.

Bên cạnh đó, các chi phí phục vụ 3 tại chỗ phát sinh nhiều như chi phí tiền cơm, chi phí test Covid và cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động ở lại công ty.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 2.436 tỷ đồng giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 74 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2020.

Năm 2021, ANV đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 250 tỷ đồng. Như vậy kết thúc 9 tháng, công ty đã thực hiện được 62% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận 2021.

Đáng chú ý tới đây vào ngày 8/11, ANV sẽ họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 để thông qua việc bổ sung sửa đổi điều lệ công ty và bổ sung ngành nghề Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Exit mobile version