Điểm tin doanh nghiệp 27/10: May 10(M10), MVN, NTP

diem-tin-doanh-nghiep-27-10-may10-m10-mvn-ntp.jpg

Điểm tin doanh nghiệp: May 10(M10), MVN, NTP. Nhựa thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) thông báo chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền với tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng). Với gần 118 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền chi trong đợt này gần 177 tỷ đồng.

Tổng công ty May 10 lãi quý III tăng 74% so với cùng kỳ

Chi phí hoạt động giảm giúp lãi sau thuế tăng 74% đạt gần 16 tỷ đồng quý III.Lũy kế 9 tháng, lãi trước thuế tăng 18% lên hơn 60 tỷ đồng, hoàn thành 66% mục tiêu cả năm. Quý III đạt 996 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Kỳ này, giá vốn hàng bán tăng 4% khiến lãi gộp giảm 18% về còn 101 tỷ đồng. 

Doanh thu tài chính hơn 10 tỷ đồng, tăng 20% nhờ lãi chênh lệch tỷ giá; chi phí hoạt động này cũng tăng 18% lên hơn 10 tỷ đồng. Ngược lại, các chi phí hoạt động khác đều giảm trong kỳ nhờ tiết giảm chi phí nhân viên quản lý và bán hàng. Kết quả, Tổng Công ty May 10 báo lãi sau thuế tăng 74% đạt gần 16 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần giảm 13% về 2.429 tỷ đồng, thực hiện 72% kế hoạch. Hầu hết các chi phí đều thấp hơn cùng kỳ nên lãi trước thuế tăng 18% lên hơn 60 tỷ đồng, hoàn thành 66% mục tiêu cả năm. 

Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý III ở mức 1.912 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Đầu tư nắm giữ đến đáo hạn giảm từ 95 tỷ về 65 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho cũng giảm 5% xuống 694 tỷ. Trong khi đó, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng hơn gấp đôi lên 596 tỷ đồng. 

Nợ ngắn hạn gấp gần 3 lần lên hơn 584 tỷ đồng; khoản vay dài hạn cũng tăng 27%, ở mức 105 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ là 1,8 lần. Tại ngày 30/9, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 53 tỷ, bên cạnh hơn 33 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.

Trong năm nay, tổng mức đầu tư dự kiến đạt gần 399 tỷ đồng. Doanh nghiệp lên kế hoạch mở rộng xí nghiệp may Bỉm Sơn giai đoạn 1, xí nghiệp may Hưng Hà và xí nghiệp may Hà Quảng, đầu tư thay thế thiết bị, cải tạo cơ sở sản xuất…  

***Điểm tin doanh nghiệp 26/10: NTL, ELC, KBC***

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (MVN) lãi 2.045 tỷ đồng 9 tháng, gấp gần 8 lần cùng kỳ

Riêng quý III, tổng công ty lãi 760 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước báo lỗ 30 tỷ đồng.Mảng kinh doanh vận tải lẫn cảng biển của VIMC đều đạt kết quả tăng trưởng 9 tháng.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 9 tháng, lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN) thông báo doanh thu hợp nhất 9 tháng đạt 10.188 tỷ đồng, tăng 31%; lãi trước thuế 2.045 tỷ đồng, gấp 7,75 lần so cùng kỳ 2020.

Riêng quý III, doanh nghiệp đạt doanh thu 4.127 tỷ đồng doanh thu, tăng 71%; lợi nhuận 760 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước báo lỗ gần 30 tỷ đồng.

Lãnh đạo VIMC cho biết tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên bước vào quý III tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong nước, ngành hàng hải Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Tuy nhiên, VIMC và các doanh nghiệp thành viên đã xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống của dịch bệnh, đảm bảo chủ động trong mọi trường hợp để các hoạt động sản xuất kinh doanh, diễn ra liên tục, các cảng biển và đội tàu luôn đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả.

Nhờ vậy, các mảng hoạt động kinh doanh của VIMC đã đạt được nhiều kết quả khả quan, từ kinh doanh vận tải đến khai thác cảng biển đều vượt so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển thuộc VIMC trong 3 quý đạt 98,2 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ trước.

Doanh thu đạt hơn 5.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.550 tỷ đồng tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Các cảng vượt kế hoạch như Hải Phòng, Quy Nhơn, Sài Gòn, Đà Nẵng. Các nhóm cảng liên doanh khu vực phía Nam cũng đạt lợi nhuận cao, chiếm 35% thị phần container cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

Khối vận tải biển trong tháng 9 ghi nhận kết quả kinh doanh vượt kế hoạch đề ra, nhờ sự hồi phục mạnh từ thị trường tàu hàng khô, đặc biệt với phân khúc Supramax và Handysize. Các doanh nghiệp cũng đã đàm phán cho thuê tàu với giá tốt.

Tổng sản lượng vận tải biển 9 tháng qua đạt hơn 18 triệu tấn, lợi nhuận hơn 380 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước gồm VIMC Shipping, Vosco, Vinaship, Transco.

Nhựa Tiền Phong (NTP) chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 tỷ lệ 15%

Doanh nghiệp dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền tỷ lệ 15%.Ngày đăng ký cuối cùng vào ngày 5/11 và ngày thanh toán dự kiến 24/11. 

Nhựa thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) thông báo chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền với tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng). Với gần 118 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền chi trong đợt này gần 177 tỷ đồng.

Ngày đăng ký cuối cùng vào ngày 5/11 và ngày thanh toán dự kiến là 24/11.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ ước đạt 100.000 tấn. Chỉ tiêu doanh thu bán sản phẩm đạt 5.100 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm hơn 17% về 432 tỷ đồng. Chính sách cổ tức dự kiến ở mức 30%, trong đó 20% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.

Trong quý III, doanh thu bán hàng giảm 15% về 1.016 tỷ đồng. Mặc dù doanh nghiệp có những chính sách điều chỉnh giá bán, nhưng giá nguyên vật liệu tăng khiến lợi nhuận sau thuế giảm 44% xuống gần 78 tỷ đồng. 

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần 3.356 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 410 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 2% so cùng kỳ năm trước. Như vậy, công ty đã thực hiện khoảng 66% mục tiêu doanh thu và 95% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán vốn tại Nhựa Tiền Phong. SCIC đang nắm giữ 43,7 triệu cổ phiếu NTP, tương đương 37% vốn.

Ngay sau thông tin trên, cổ phiếu NTP đã tăng trần trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 25/10 và tăng gần trần phiên hôm nay 26/10. Hiện thị giá mã này đừng tại mức 61.900 đồng/cp, tăng 21% sau gần một tuần giao dịch và gần gấp đôi thời điểm đầu năm.  

Exit mobile version