Điểm tin doanh nghiệp AMD, PHN, FPT: Tập đoàn FPT sẽ công bố một hợp đồng chuyển đổi số lớn với công ty bất động sản trong vài tuần tới và đây có thể là động lực tăng trưởng cho mảng dịch vụ CNTT trong nước.
Vi phạm hành chính về thuế, AMD bị phạt và truy thu hơn 1.2 tỷ đồng
CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) vừa công bố quyết định xử phạt hành chính của Cục Thuế Tp. Hà Nội. Trong đó, AMD bị phạt và truy thu số tiền hơn 1.2 tỷ đồng.
Theo quyết định ngày 10/08 của Cục Thuế Tp. Hà Nội, AMD đã có 2 hành vị vi phạm hành chính.
Thứ nhất, Công ty kê khai khấu trừ các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ sản xuất kinh doanh, chưa thực hiện phân bổ thuế GTGT được khấu trừ cho hàng hóa dịch vụ bán ra chịu thuế và không chịu thuế.
Thứ hai, về thuế TNDN, AMD hạch toán đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ không phục vụ sản xuất kinh doanh, trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư tài chính không đúng quy định.
Với các hành vi trên, AMD bị phạt tiền 199 triệu đồng, truy thu tiền thuế 994 triệu đồng, tiền chậm nộp 33 triệu đồng. Tổng số tiền phạt và truy thu hơn 1.2 tỷ đồng.
***Điểm tin doanh nghiệp 4/11: C4G, VCS, IDC***
PHN: Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt gần 30 tỷ đồng, chia cổ tức 17% bằng tiền
Ngày 24/12 tới đây, CTCP Pin Hà Nội (PHN) sẽ chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 2/2021 bằng tiền với tỷ lệ 17%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.700 đồng.
Như vậy, với hơn 7,25 triệu cổ phiếu PHN đang niêm yết và lưu hành, Pin Hà Nội sẽ phải chi khoảng 12,33 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 10/1/2022.
Trước đó, vào tháng 6/2021, Công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 8% bằng tiền mặt. Qua đó, tổng mức chia cổ tức qua 2 đợt sẽ là 25%, đây cũng là mức cổ tức dự kiến Công ty đã thông qua trước đó.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2021 vừa công bố, Pin Hà Nội ghi nhận doanh thu đạt 77,38 tỷ đồng, giảm 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 7,96 tỷ đồng và 6,36 tỷ đồng, cùng giảm hơn 50% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, PHN đạt 267,62 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ gần 3% so với 9 tháng năm 2020 và hoàn thành 70,2% kế hoạch cả năm (381,2 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 28,37 tỷ đồng, giảm 22,76% so với cùng kỳ và hoàn thành 82,23% kế hoạch năm (34,5 tỷ đồng).
Tính đến cuối tháng 9/2021, Pin Hà Nội có tổng tài sản 140,74 tỷ đồng, tăng 4,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, đáng kể là hàng tồn kho gần gấp đôi, lên hơn 81,5 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn đến cuối quý III/2021 của PHN là 25,68 tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm này là hơn 24 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty còn có hơn 1 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và hơn 17,42 tỷ đồng quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu.
Trên thị trường, tạm chốt phiên giao dịch sáng 4/11, cổ phiếu PHN tăng tiếp tục 0,2% lên mức 45.000 đồng/CP.
FPT đặt mục tiêu doanh thu mảng CNTT nước ngoài vượt tỷ USD năm 2023, sắp công bố một hợp đồng lớn
Tập đoàn FPT sẽ công bố một hợp đồng chuyển đổi số lớn với công ty bất động sản trong vài tuần tới và đây có thể là động lực tăng trưởng cho mảng dịch vụ CNTT trong nước.
Mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) toàn cầu là động lực tăng trưởng bền vững cho FPT. Trong đó, ban lãnh đạo đặt kế hoạch tăng trưởng kép về doanh thu năm 2021- 2023 mảng công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài là 25% với mục tiêu đạt mức 1 tỷ USD.
9 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài đạt 10.415 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.732 tỷ đồng, lần lượt tăng 18,6% và 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
FPT cho biết đã ghi nhận những đơn hàng lớn trong ba quý đầu năm, trong đó có 16 dự án với quy mô trên 5 triệu USD/dự án, tăng 167% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại cuộc họp, doanh nghiệp đánh giá thị trường Nhật Bản hồi phục, trong khi thị trường Mỹ và Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng.
Doanh thu quý III tại thị trường Nhật Bản tăng 9% so với cùng kỳ – cao hơn nhiều so với tăng trưởng nửa đầu năm là 3%; và ban lãnh đạo kỳ vọng mức tăng trưởng thị trường Nhật Bản ở hai con số mức cao trong quý IV.
Dựa trên tăng trưởng thị trường Mỹ là 49% và Châu Á – Thái Bình Dương là 22% cùng dịch vụ chuyển đổi số khoảng 59%, các chuyên gia phân tích cho rằng những động lực này sẽ hỗ trợ cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài với ước tính tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay là 20,8% và 23,9% so với năm ngoái.
Với mảng dịch vụ CNTT trong nước, SSI Research tiết lộ ban lãnh đạo tập đoàn sẽ công bố một hợp đồng chuyển đổi số lớn với công ty bất động sản trong vài tuần tới.
Các chuyên gia phân tích cho rằng đây có thể là động lực tăng trưởng cho mảng dịch vụ CNTT trong nước. Giá trị hợp đồng ký mới trong 9 tháng đầu năm là 4,6 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, với mảng dịch vụ CNTT trong nước, tập đoàn sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính: Bất động sản (động lực tăng trưởng chính), tài chính ngân hàng và sản xuất.
Thống kê dự phóng lợi nhuận trước thuế 2021 của dịch vụ CNTT trong nước là 469 tỷ đồng, tăng 75% và tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2022 ước tính là 33%, theo ban lãnh đạo
Về mảng giáo dục, phía tập đoàn cho biết tăng trưởng số lượng nhập học 10 tháng đầu năm tăng 50% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo ước tính tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 2022 là 18%-20% so với cùng kỳ, nhờ mảng dịch vụ CNTT trong nước và nước ngoài.