Điểm tin doanh nghiệp 4/11: Bảo việt (BVH), CMV, OCB

ViMoney-diem-tin-doanh-nghiep-4-11-OCB-CMV-BVH.jpg

Điểm tin doanh nghiệp: Bảo việt (BVH), CMV, OCB. Theo BVSC, tăng trưởng tín dụng OCB hiện đang gần chạm hạn mức 10% và Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ nhận được khoản bổ sung khoảng 10% vào đầu tháng 11 để nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 lên mức 20%.

Bảo Việt mua hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu CTG trong quý III, nắm giữ lượng lớn POW, MBB, VNR

Cuối quý III, Bảo Việt nắm giữ 317 tỷ đồng cổ phiếu POW, 287 tỷ đồng cổ phiếu CTG, 266 tỷ đồng VNR và 172 tỷ đồng MBB.Công ty đang dự phòng lỗ gần 20 tỷ cho lượng cổ phiếu CTG sở hữu và 10 tỷ cho POW.

Báo cáo tài chính quý III của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cho biết đơn vị này sở hữu danh mục chứng khoán kinh doanh có giá gốc vào cuối tháng 9 lên tới hơn 2.546 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối quý II và tăng 3,9% so với đầu năm, chiếm khoảng 1,5% tổng tài sản.

Trong đó, cổ phiếu niêm yết là cấu phần lớn nhất (chiếm khoảng 72%) với giá trị hơn 1.843 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 19% so với thời điểm cuối quý II và cuối năm 2020 với các mã chủ lực là POW, VNR, CTG, MBB.

Đi sâu vào danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết Bảo Việt, cổ phiếu POW của Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam có giá trị cao nhất lên tới gần 317 tỷ đồng. Tuy nhiên, tập đoàn này phải dự phòng khoản lỗ cho lượng cổ phiếu trên gần 10 tỷ đồng.

Bên cạnh POW, Bảo Việt cũng đã mua vào gần 266 tỷ đồng cổ phiếu VNR của Tổng công ty cổ phần Tái Bảo hiểm quốc gia. Bảo Việt không dự phòng cho khoản đầu tư cổ phiếu VNR.

Ngoài ra, danh mục đầu tư của tập đoàn còn chứa hai cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 9, BVH sở hữu hơn 287 tỷ cổ phiếu CTG của VietinBank và đang dự phòng lỗ gần 20 tỷ cho số cổ phiếu này. Vào cuối tháng 6, CTG không được Bảo Việt hạch toán trong danh sách các khoản đầu tư lớn nhất.

Điều này cho thấy, Bảo Việt đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu VietinBank trong quý III vừa qua.

Về diễn biến giá cổ phiếu, CTG đã liên tục lao dốc trong giai đoạn từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 9 với mức giảm giá lên tới hơn 25%. Đây có thể là yếu tố thúc đẩy Bảo Việt ‘’bắt đáy’’ cổ phiếu của VietinBank trong bối cảnh lượng tiền mặt của tập đoàn đã tăng mạnh trong nửa đầu năm.

Trong nhóm ngân hàng, Bảo Việt cũng nắm giữ gần 172 tỷ đồng cổ phiếu MBB. Con số này không thay đổi so với cuối quý II và giảm gần 147 tỷ so với hồi đầu năm.

Danh mục của Bảo Việt còn có 801 tỷ cổ phiếu niêm yết khác, tăng hơn 21% so với cuối năm 2020 và gần 80 tỷ cổ phiếu chưa niêm yết.

Việc mở rộng danh mục đầu tư cổ phiếu vào quý III của Bảo Việt diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu sau nhịp tăng mạnh nửa đầu năm. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng đầu tư chứng khoán của tập đoàn cũng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi tiềm lực tài chính hùng hậu với lượng tiền mặt và tiền gửi lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cho biết, dù đã sụt giảm trong quý vừa qua nhưng lượng tiền mặt của Bảo Việt vào thời điểm 30/9 vẫn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn này cũng có gần 14.900 tỷ tài sản tương đương tiền (chủ yếu là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng) và hơn 66.100 tỷ tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới một năm.

Với lượng tiền gửi ngân hàng ‘’khổng lồ’’ và tình trạng lãi suất huy động liên tục ở mức thấp kỷ lục, việc Bảo Việt chuyển dịch tài sản từ tiền gửi sang chứng khoán là điều không quá khó hiểu và phù hợp với xu hướng thị trường.

Trong báo cáo về ngành bảo hiểm phát hành mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá lãi suất tiền gửi thấp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo BVSC, trung bình hơn 60% lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến từ lợi nhuận hoạt động tài chính, trong đó chủ yếu là doanh thu tiền gửi (hơn 80% danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng). Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất được dự báo vẫn sẽ duy trì ổn định ở mức thấp. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm.

***Điểm tin doanh nghiệp 4/11: C4G, VCS, IDC***

CTCP Thương nghiệp Cà Mau (CMV): Lãi ròng quý 3 giảm 30% do khoản chiết khấu và thưởng thanh toán

CTCP Thương nghiệp Cà Mau (CMV) lý giải lợi nhuận ròng quý 3/2021 giảm 30% so cùng kỳ, còn hơn 4 tỷ đồng, chính là do lãi gộp và các khoản chiết khấu, thưởng thanh toán giảm.

Trong quý 3, với doanh thu thuần (853 tỷ đồng) giảm 14% trong khi giá vốn (819 tỷ đồng) giảm 13% so cùng kỳ khiến CMV có lợi nhuận gộp đạt hơn 34 tỷ đồng, giảm 35%. Biên lãi gộp từ 5.3% xuống còn 4.0%.

Theo CMV giải trình, doanh thu thuần giảm chủ yếu là do doanh nghiệp thanh lý ngành hàng Unilever.

DDù các chi phí lãi vay, bán hàng và quản lý đều đồng loạt giảm mạnh, nhưng CMV vẫn ghi nhận lợi nhuận ròng hơn 4 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ do lãi gộp và các khoản chiết khấu, thưởng thanh toán giảm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của CMV giảm 12% so với cùng kỳ, còn hơn 2,765 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng vẫn đạt hơn 19 tỷ đồng, tăng 61% so cùng kỳ chủ yếu nhờ giá vốn, chi phí tài chính và quản lý đồng loạt giảm.

Năm 2021, CMV dự kiến tổng doanh thu đạt 3,800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 26 tỷ đồng, tăng 39% so với thực hiện trong năm 2020. So với kế hoạch, CMV đã thực hiện được 77% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tổng tài sản của CMV tại thời điểm cuối quý 3 giảm 29% so với đầu năm, còn gần 428 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt giảm 27%, còn gần 31 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho cũng lần lượt giảm 47% và 35%, còn gần 63 tỷ đồng và 201 tỷ đồng.

Nợ phải trả cuối kỳ giảm 55% so với đầu năm, còn hơn 184 tỷ đồng do phải trả người bán ngắn hạn giảm 10% và dư nợ vay ngắn hạn giảm 84%, lần lượt còn gần 110 tỷ đồng và 41 tỷ đồng.

OCB: BVSC – OCB kỳ vọng nhận ‘’room’’ tín dụng 20% vào tháng 11, phát hành riêng lẻ thúc đẩy đánh giá lại định giá cổ phiếu

Theo BVSC, tăng trưởng tín dụng OCB hiện đang gần chạm hạn mức 10% và Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ nhận được khoản bổ sung khoảng 10% vào đầu tháng 11 để nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 lên mức 20%.

Trong báo cáo mới phát hành, các nhà phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết Ngân hàng Phương Đông (OCB) ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3/2021 ấn tượng với lợi nhuận trước thuế tăng mạnh hơn 71% so với cùng kỳ lên hơn 1.107 tỷ đồng trong bối cảnh COVID-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận OCB tăng 50% lên 3.768,1 tỷ, đạt 68,5% kế hoạch.

Theo BVSC, nguyên nhân chính giúp OCB đạt được kết quả này là do: (1) Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ; (2) Lãi lớn từ chứng khoán đầu tư; (3) CIR tiếp tục được tối ưu hóa thuộc nhóm thấp nhất ngành; và (4) Chất lượng tài sản cải thiện đáng kể.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng cuối quý 3/2021 đạt 9,4%, vượt mức 7,2% của toàn ngành. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 1,6% so với quý trước lên 97,7 nghìn tỷ, trong khi trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh 127,8% lên 1.387,7 tỷ, tuy nhiên đóng góp chưa đáng kể vào tổng dư nợ tín dụng.

BVSC cho biết, OCB đang gần chạm hạn mức tín dụng hiện tại là 10% và Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ nhận được khoản bổ sung khoảng 10% vào đầu tháng 11 để nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 lên mức 20%.

Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) quý 3 đạt 3,47% (tăng 0,24 điểm % so với cùng kỳ), mà Ban lãnh đạo cho rằng do: (1) Cắt giảm lãi suất và giảm lãi để hỗ trợ khách hàng, và (2) Không ghi nhận các khoản lãi dự thu từ các khoản vay cơ cấu lại. Tính đến cuối quý 3/2021, OCB đã giảm hơn 200 tỷ đồng thu nhập lãi để hỗ trợ khách hàng. Thu nhập lãi thuần Quý 3/2021 duy trì ở mức tốt 1.355 tỷ ( 24,6% so với cùng kỳ 2020)

Thu nhập ngoài lãi quý 3/2021 tăng ấn tượng 62,3% lên 642,2 tỷ, được hỗ trợ chủ yếu bởi khoản lãi lớn từ chứng khoán đầu tư là 463,4 tỷ (gấp 5,9 lần cùng kỳ, chiếm 72,2% của thu nhập ngoài lãi). Các mảng ngoài lãi khác suy giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng tiêu cực bởi các hoạt động giãn cách xã hội nghiêm ngặt do COVID-19. Tựu chung lại, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của OCB tăng 37,4% lên 1.997,2 tỷ.

Chi phí hoạt động trong quý 3/2021 là 622,7 tỷ ( 12,4%). Chủ yếu nhờ vào lãi từ chứng khoán đầu tư tăng vọt, tỷ lệ chi phí/thu nhập hoạt động (CIR) được tối ưu hóa xuống 31,2% so với 37,3% trong quý 3/2020 và 27,8% trong quý 2/2021.

“Đây là một trong những mức thấp nhất trong ngành, thể hiện hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của OCB’’, BVSC cho hay.

Nợ xấu cuối Quý 3/2021 của OCB (Nợ nhóm 3-5) được kiểm soát chặt chẽ, giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay là 1,51% (giảm 0,64 điểm % so với cùng kỳ). Trong khi đó, nợ nhóm 2 cũng giảm mạnh 48,2% xuống 1.402,9 tỷ, tương đương chỉ 1,44% so với 3,01% trong quý 2 và 3,04% cuối năm 2020, mà Ban lãnh đạo cho rằng nhờ việc Ngân hàng chủ động thu nợ và chiến lược kiểm soát danh mục cho vay.

Chi phí dự phòng quý 3/2021 giảm 5,2% ở mức 267,5 tỷ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 75,0% vào cuối quý 3/2021 so với 70,0% quý 2/2021 và 62,1% cuối năm 2020. Ban lãnh đạo cam kết tiếp tục trích lập thêm, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối năm 2021 lên mức khoảng 80%.

Các khoản cho vay tái cơ cấu vào cuối quý 3 của OCB đạt 2.003 tỷ (chiếm 2,1% dư nợ), chủ yếu đến từ ngành vận tải và kho bãi, được dự đoán sẽ phục hồi nhanh sau nới lõng giãn cách. Lãi dự thu liên quan đến các khoản cho vay cơ cấu lại này ước tính là 432 tỷ.

Theo Ban lãnh đạo, nợ tái cơ cấu vào cuối năm 2021 của OCB có khả năng nhích lên 2.500 tỷ và tổng chi phí dự phòng cho các nợ được cơ cấu lại này ước tính khoảng 400 tỷ, sẽ được trích lập trong 3 năm. OCB đã trích khoảng 40 tỷ vào cuối quý 3/2021, và đặt mục tiêu sẽ trích thêm khoảng 85 tỷ trong Quý 4/2021.

Đến cuối quý 3/2021, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của OCB là 31,0%; trong khi tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) ở mức 71,8%, thấp hơn nhiều so với mức trần 85%. Hệ số CAR (Basel II) tăng lên 13,4% so với mức 12,9% cuối năm 2020, duy trì là nhóm cao nhất trong ngành (TCB: 15,2%; TPB: 14,6%), giúp duy trì tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian tới.

Cổ phiếu OCB đóng cửa ngày 3/11 tại mức giá 28.800 đồng/cp, tăng gần 27% so với cuối tháng 9. BVSC kỳ vọng đợt tăng vốn sắp tới của OCB (qua phát hành riêng lẻ 5,1%), dự kiến hoàn thành trong quý 4/2021, không chỉ giúp duy trì đà tăng trưởng tín dụng cao mà còn thúc đấy việc đánh giá lại định giá cổ phiếu.

Theo kế hoạch được đại hội cổ đông hồi tháng 4 thông qua, OCB sẽ chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Mức giá chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất tại thời điểm phát hành.

Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, ngân hàng sẽ trình nới room sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 30%. Hiện tại room sở hữu nước ngoài của OCB đang được khoá ở mức 22%.

Exit mobile version