Điểm tin doanh nghiệp: HPG sụt giảm 21% sản lượng, VGC vay nợ tăng và vướng mắc nghĩa vụ tài chính về đất – Sau 9 tháng đầu năm 2021, lãi trước thuế của Tổng Công ty Viglacera – CTCP (VGC – HOSE) ghi nhận tăng 51%, nhưng nợ tài chính tăng 13%. Đáng lưu ý, mới đây, Viglacera bị HĐND TP Hà Nội “bêu tên” vì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, với số tiền chậm nộp là hơn 30 tỷ đồng tại dự án Khu đô thị mới Đặng Xá II (huyện Gia Lâm).
HPG: Sản lượng thép của Hòa Phát tháng 11 đạt 765.000 tấn, giảm 21% so với tháng trước
Tiêu thụ thép xây dựng thành phẩm của Hòa Phát tháng 11 giảm 42% so với tháng trước. Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu tôn mạ khi nhu cầu thị trường Mỹ và châu Âu tăng cao.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG – HOSE) công bố tiêu thụ 765.000 tấn thép các loại trong tháng 11, tương đương so với cùng kỳ năm trước và giảm 21% so với tháng trước. Thép xây dựng thành phẩm ghi nhận hơn 271.000 tấn, giảm 42% so với tháng trước; trong đó riêng xuất khẩu hơn 100.000 tấn, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ. Sản lượng thép cuộn cán nóng đạt 206.000 tấn, tăng nhẹ so với tháng trước.
Tôn Hòa Phát lần đầu tiên vượt mức tiêu thụ 60.000 tấn/tháng, cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Hòa Phát gần đây đạt bình quân 55.000 tấn mỗi tháng, chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Mỹ và châu Âu tăng cao.
Lũy kế 11 tháng, tập đoàn đạt tổng sản lượng bán hàng thép các loại 8 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ. Thép xây dựng là 3,5 triệu tấn, tăng 15%, trong đó riêng xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm đạt 914.000 tấn, tăng 90%. Sản lượng thép cuộn cán nóng đạt hơn 2,3 triệu tấn. Tính chung từ khi có sản phẩm HRC đầu tiên vào tháng 5/2020, Hòa Phát đã cán mốc 3 triệu tấn vào đầu tháng 12/2021.
Sau 11 tháng, sản lượng tiêu thụ tôn Hòa Phát đạt 380.000 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu đề ra cho cả năm. Kết quả này chủ yếu là nhờ thị trường xuất khẩu sản phẩm tôn có nhiều khởi sắc, đóng góp 68% sản lượng từ đầu năm đến nay. Doanh nghiệp cho biết với lợi thế tự chủ nguyên liệu thép cuộn cán nóng, sản phẩm tôn mạ, ống thép Hòa Phát có nhiều lợi thế trên thị trường xuất khẩu, nhất là Mỹ và EU.
Trong lĩnh vực thép, các nhà máy của Hòa Phát hiện có công suất 8 triệu tấn/năm, bao gồm 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng, 3 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC). Với các sản phẩm hạ nguồn HRC, công suất ống thép là 1 triệu tấn/năm, tôn mạ 400.000 tấn/năm. Hòa Phát đang đẩy mạnh triển khai dự án sản xuất vỏ container tại Bà Rịa -Vũng Tàu công suất khoảng 200.000 TEU, dự kiến chạy thử cho ra sản phẩm vào quý III/2022.
***Điểm tin doanh nghiệp: KDH lên tầm với những dự án mới, SMC hoãn trả cổ tức***
VGC: Viglacera vay nợ tăng mạnh, ‘chây ì’ thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất?
Sau 9 tháng đầu năm 2021, lãi trước thuế của Tổng Công ty Viglacera – CTCP (VGC – HOSE) ghi nhận tăng 51%, nhưng nợ tài chính tăng 13%. Đáng lưu ý, mới đây, Viglacera bị HĐND TP Hà Nội “bêu tên” vì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, với số tiền chậm nộp là hơn 30 tỷ đồng tại dự án Khu đô thị mới Đặng Xá II (huyện Gia Lâm).
Tại Báo cáo số 20/BC-HĐND về nội dung Kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội về việc thực hiện kết quả giám sát của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, có hàng trăm dự án trên địa bàn vướng vào vi phạm ở nhiều hình thức khác nhau như: Chậm tiến độ, nhiều năm không triển khai, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nợ thuế…
Ngoài việc nêu ra các vấn đề vướng mắc, nội dung Báo cáo số 20 cũng nêu rõ vi phạm tại từng dự án, của từng chủ đầu tư, đơn vị được giao đất thực hiện dự án. Điển hình là dự án Khu đô thị mới Đặng Xá II (nằm trên địa bàn các xã Đặng Xá – Cổ Bi – Phú Thị, huyện Gia Lâm) của Tổng Công ty Viglacera – CTCP. Dự án này hiện đang có tổng nợ ngân sách nhà nước số tiền 30,161 tỷ đồng và hiện đang trong quá trình chờ xử lý.
Dự án Khu đô thị Đặng Xá do Tổng Công ty Viglacera là chủ đầu tư có tổng diện tích 69,6ha và được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, Khu đô thị mới Đặng Xá I có diện tích 30,6ha và Khu đô thị mới Đặng Xá II có diện tích 39ha.
Tại khu đô thị “đình đám” của Viglacera, ngoài các tòa nhà chung cư thương mại, biệt thự, liền kề, còn có rất nhiều các tòa nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp.
Ngay từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án Khu đô thị mới Đặng Xá đã vướng phải không ít “lùm xùm” khi đơn vị quản lý, vận hành dự án là Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera (đơn vị thành viên của Tổng Công ty Viglacera) đã để xảy ra hàng loạt sai phạm kéo dài nhưng không được xử lý dứt điểm.
Trong đó phải kể đến những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến vi phạm phòng cháy chữa cháy gây mất an toàn cho cư dân; hay như những kiện tụng nghi vấn “ăn bớt” hạ tầng, chất lượng công trình xuống cấp, tràn lan công trình xây dựng trái phép phá vỡ quy hoạch chung, “xẻ thịt” các lô đất được quy hoạch làm công trình công cộng để kinh doanh trái phép nhằm trục lợi bất chính…
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên, Tổng Công ty Viglacera bị các cơ quan quản lý nhà nước nhắc tên vì những sai phạm liên quan đến việc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất.
Trước đó, hàng loạt dự án của doanh nghiệp này cũng bị Thanh tra Chính phủ “bêu tên” do sai phạm trong việc xác định chi phí phát triển dự án trong quá trình tính tiền sử dụng đất không đúng quy định, gây thất thu ngân sách nhà nước như: dự án đầu tư xây dựng “Tổ hợp văn phòng, thương mại, khách sạn và nhà ở Viglacera” tại phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy) và phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm)
Dự án Khu chức năng đô thị Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm); dự án Khu nhà ở Đại Mỗ (xã Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm); dự án Khu nhà ở tại 628 Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ); dự án chung cư tại 671 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình); dự án Khu đô thị mới Đặng Xá (huyện Gia Lâm)… Vay nợ tài chính tăng 13%
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của Viglacera, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 7.508 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực bất động sản đóng góp lợi nhuận chủ yếu cho doanh nghiệp này.
Sau khi khấu trừ chi phí, Viglacera lãi trước thuế 1.043 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về 838 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 818 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.
Năm 2021, Viglacera đặt mục tiêu đạt 12.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.000 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lãi trước thuế 750 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2021, Viglacera đã thực hiện được hơn 63% kế hoạch doanh thu và vượt 9% mục tiêu về lãi ròng cả năm.
Tính đến ngày 30/9/2021, tổng tài sản Viglacera đã tăng 2,3% so với đầu năm lên mức 18.385 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dở dang dài hạn chiếm 22,3% với 4.103 tỷ đồng, hàng tồn kho chiếm 22% với 4.040 tỷ đồng.
Mặc dù đạt kết quả kinh doanh khả quan, song tổng vay nợ tài chính của Viglacera trong 9 tháng đã tăng 13% so với đầu năm lên mức 2.147 tỷ đồng; trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 7,3% lên 1.605 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn tăng 35% lên 541,8 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn khoản doanh thu chưa thực hiện được lên đến 2.838 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng nguồn vốn.