Điểm tin doanh nghiệp: Coteccons, CTD, FID, TTC. Theo báo cáo thị trường những năm gần đây, bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc đang trên đà tăng trưởng, được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong thời gian tới, khi Việt Nam đẩy mạnh chương trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 tạo miễn dịch cộng đồng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh, trở thành kênh đầu tư dẫn dắt thị trường.
Sau chục năm bị Coteccons áp đảo, Hòa Bình có sắp vượt lên về cả doanh thu, lợi nhuận lẫn vốn hóa?
Quý III, Coteccons lỗ ròng gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lãi 89 tỷ đồng.Đây là quý thứ hai liên tiếp, Coteccons báo lãi thấp hơn Xây dựng Hòa Bình.Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế Coteccons giảm 76% về còn 87,5 tỷ.Hòa Bình đạt 81 tỷ đồng lãi ròng, tăng 23% so với 9 tháng năm ngoái.
Năm 2021, nền kinh tế nói chung cũng như ngành xây dựng nói riêng tiếp tục chứng kiến sự bùng phát trở lại và đặc biệt nghiêm trọng tại TP HCM cùng các tỉnh miền Nam. Trong cơn khủng hoảng, không có nguồn thu nhưng phải gánh chịu nhiều chi phí cao… dòng tiền của nhiều chủ thầu lớn dần cạn kiệt.
Theo đó, khoảng cuối tháng 8, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có đơn kêu cứu lên Chính phủ, đề nghị được miễn/giảm thuế, lãi vay… cho doanh nghiệp trong ngành giữa bối cảnh khó khăn do Covid-19. Chỉ số kinh doanh của các đơn vị niêm yết trong quý III cũng phản ánh rõ nét bức tranh kinh doanh của ngành.
Đơn cử, Coteccons (CTD) ghi nhận doanh thu tiếp đà giảm mạnh hơn 61% so với quý III/2020, xuống còn 1.070 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp công ty giảm mạnh chỉ còn vỏn vẹn 1/10 cùng kỳ.
Theo Coteccons, quý III là thời điểm toàn ngành cũng như công ty đối mặt với các quy định phong tỏa ở những thành phố lớn, đặc biệt các công trình ở TP HCM bắt buộc phải tạm dừng thi công, thị trường bất động sản bất ổn, giá nguyên vật liệu tăng cao… đã ảnh hưởng đến doanh thu cũng như hiệu suất sinh lời.
Khấu trừ chi phí, Coteccons lỗ ròng gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 lãi 89 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ hai Coteccons lỗ sau quý IV/2020 (lỗ khoảng 36 tỷ đồng theo số liệu sau kiểm toán). Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu giảm từ mức 10.300 tỷ đồng xuống còn 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vào mức 87,5 tỷ, giảm 76% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Trong khi đó, “kỳ phùng địch thủ” của Coteccons trong ngành xây dựng là Hòa Bình (HBC) ghi nhận doanh thu gần 2.100 tỷ trong quý III và lũy kế 9 tháng đạt 7.500 tỷ đồng. Hòa Bình đã có hai quý liên tiếp ghi nhận doanh thu vượt Coteccons. Lợi nhuận ròng 9 tháng đạt 81 tỷ đồng, tăng 23%. Như vậy có thể thấy trong giai đoạn khó khăn nhất khi chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hòa Bình dường như đang thích ứng tốt hơn.
Trong kỳ nợ vay ngân hàng giảm đi đáng kể và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hòa Bình đã dương trở lại. Có thể nói, câu chuyện xuyên suốt nhiều năm qua của Hòa Bình là áp lực lớn từ nợ vay “ăn mòn” lợi nhuận dù doanh thu tăng trưởng đã có chuyển biến.
Với tình hình kinh doanh cải thiện và công bố trúng nhiều gói thầu lớn – tổng giá trị trúng thầu lũy kế vượt 16.000 tỷ đồng – cổ phiếu HBC đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Chốt phiên 5/11, vốn hóa thị trường đạt 5.300 tỷ đồng, gần tương đương với con số 5.400 tỷ của Coteccons.
Như vậy sau một thời gian dài bị Coteccons áp đảo về cả vốn hóa, doanh thu, lợi nhuận thì Hòa Bình đang có rất nhiều cơ hội để thu hẹp, thậm chí vượt qua trên nhiều tiêu chí.
Tất nhiên với đặc thù của ngành xây dựng là doanh số luôn được ghi nhận rất lớn vào quý IV thì hiện vẫn chưa thể biết được liệu tính chung kết quả cả năm, Hòa Bình có lần đầu vượt qua được Coteccons về doanh thu, lợi nhuận sau hơn 10 năm hay không.
***Tổng hợp tin doanh nghiệp tuần 1 – 7/11/2021***
FID: Chậm công bố thông tin, một doanh nghiệp niêm yết bị phạt 70 triệu đồng
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (mã chứng khoán: FID). Nguyên nhân là FID không công bố thông tin đúng thời hạn theo quy định trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Cụ thể, FID đã không công bố đúng thời hạn về Báo cáo quản trị công ty năm 2016; Báo cáo tài chính quý IV/2016; Báo cáo thường niên năm 2016; Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017).
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 33 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP, FID bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán số tiền 70 triệu đồng.
Về hoạt động kinh doanh của FID, trong 9 tháng năm 2021, doanh thu của Công ty này đạt 140 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, giá vốn chi phí tài chính cao nên lợi nhuận thu về không còn nhiều, chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng, nhưng vẫn có nhiều khả quan hơn khi cùng kỳ năm ngoái khi lỗ ròng 2,1 tỷ đồng.
TTC Land tiếp tục mở rộng quỹ đất công nghiệp
Theo báo cáo thị trường những năm gần đây, bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc đang trên đà tăng trưởng, được săn đón bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong thời gian tới, khi Việt Nam đẩy mạnh chương trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 tạo miễn dịch cộng đồng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh, trở thành kênh đầu tư dẫn dắt thị trường.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường về phân khúc này, ngày 28/10/2021, một công ty thành viên của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HOSE: SCR) là Tổng Công ty Bất động sản Công nghiệp Thành Thành Công đã đấu giá thành công 5 lô đất có tổng diện tích là 293,749 m² do Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sở hữu tại Khu công nghiệp Sóng Thần giá trị gần 2,000 tỷ đồng, nâng quỹ đất kho xưởng cho thuê lên hơn 500,000 m².
Các lô này thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần có quy mô 178 hecta, tỉnh Bình Dương, vốn là vị trí rất đắc địa trên địa bàn, sẽ đảm bảo hiệu quả khai thác ổn định mang lại nguồn thu lớn cho Công ty trong thời gian tới.
Như vậy, trong năm nay, TTC Land cùng các Công ty thành viên đã hợp tác và phát triển tổng quỹ đất mới lên đến 320 ha. Điều đó sẽ giúp TTC Land mở rộng quy mô hoạt động, gia tăng nguồn thu mới và ổn định, cũng cố thêm chiến lược tăng trưởng bền vững cho TTC Land trong trung và dài hạn.
Cũng theo báo cáo tài chính quý 3/2021 mà TTC Land vừa công bố, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1,574 tỷ đồng, tăng 4.5 lần so với cùng kỳ, vượt gần 5% so với kế hoạch cả năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế đạt gần 233 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ và đạt 101% kế hoạch cả năm.
Thành quả đó đến từ chiến lược kinh doanh linh hoạt, nền tảng quản trị vững vàng, năng lực tài chính lành mạnh, nguồn nhân lực có trình độ và chuyên môn cao cùng với sự quan sát, phân tích kỹ lưỡng diễn biến của thị trường để từ đó lên kế hoạch cho sự phát triển tốt nhất.
Trước những kết quả kinh doanh vượt trội trong 9 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư đã thể hiện niềm tin cùng sự kỳ vọng tích cực vào sự tái cấu trúc hoạt động cũng như chiến lược phát triển đúng đắn của TTC Land. Và điều này đã được thể hiện rõ nét thông qua việc vào ngày 02/11/2021 giá cổ phiếu SCR chính thức đạt mức giá cao nhất trong các năm qua (15,700 đồng/cổ phiếu), tương đương mức vốn hóa thị trường hơn 5,751 tỷ đồng.