Diễn biến cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới

khủng hoảng năng lượng trên thế giới

khủng hoảng năng lượng trên thế giới

Các cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên thế giới, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và các nước Eu.

Cơn khát điện tại Trung Quốc

Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu hôm 30/9 cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 9 là 49,6, giảm so với mức 50,1 hồi tháng 8. Lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020, PMI tại Trung Quốc giảm xuống dưới 50 – ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Cũng theo số liệu này thì đang có sự sụt giảm hoạt động trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

Theo Reuters, khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc diễn ra từ tháng 3/2021, ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất tại các trung tâm công nghiệp lớn. Trong đó, các ngành sản xuất thép, nhôm, xi-măng, hóa chất, nhuộm, nội thất… đã bị ảnh hưởng ít nhiều, theo phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley.

Công ty Năng lượng nhà nước Inter RAO (Nga) hôm 29/9 thông tin, Bắc Kinh đã đề nghị họ tăng nguồn cung điện để bù đắp sự thiếu hụt trong nước. Năm ngoái, lượng điện Inter RAO xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 1,3% còn 3,06 tỉ KWh.Họ đang cân nhắc tăng đáng kể nguồn cung điện. Tuy nhiên, về chi tiết thì họ không thông tin.

Giá than trên thế giới đang leo thang, làm cho cuộc khủng hoảng năng lượng thêm trầm trọng .

Theo đài Al Jazeera, tình trạng thiếu nguồn cung than đá khiến giá điện tăng cao. Giá điện do nhà nước điều tiết và cho dù giá than đá tăng kỷ lục, các nhà máy điện cũng không được tăng giá bán cho người dân và doanh nghiệp.

Đây là nguyên nhân khiến một số nhà máy điện thua lỗ. Họ không muốn nâng sản lượng để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Hôm 29/9, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc thông báo đồng ý cho các nhà máy tăng giá điện nhưng mức tăng cụ thể thì chưa rõ.

Liên minh châu Âu: Giá điện tăng vọt, xăng khan hiếm

Ở Anh, cảnh xe cộ xếp hàng dài chờ đổ xăng vẫn đang tiếp diễn, cảnh báo tình trạng cuộc khủng hoảng năng lượng này có thể kéo dài cả tháng.

Ở Anh, việc thiếu tài xế xe bồn vận chuyển nhiên liệu từ cơ sở lưu trữ đến trạm xăng là một trong những rắc rối. Kể từ khi Anh chính thức rời EU, nước này đã thắt chặt quy định nhập cư để công dân EU không còn được làm việc miễn thị thực tại Anh.

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt, khủng hoảng năng lượng tại đây còn do nhiều tài xế xe tải làm việc ở Anh đến từ các nước châu Âu khác. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson trước mắt đã cấp thị thực tạm thời cho hàng ngàn tài xế nước ngoài và hy vọng tình hình sẽ trở lại bình thường trước dịp lễ cuối năm.

Trong khi đó, giá điện tăng vọt những tuần gần đây làm gia tăng nỗi lo về một mùa đông khó khăn tại Liên minh châu Âu, khi nhu cầu sưởi ấm của các hộ gia đình ngày một tăng.

Không ít người lo lắng về kịch bản thiếu nhiên liệu trên toàn thế giới. Reuters cho rằng, nhu cầu năng lượng đã hồi phục sau khi xuống thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, nguồn cung từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục hạn chế và hoạt động phân phối còn nhiều khó khăn chính là những lý do đằng sau cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc, Anh và EU.

Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng trên cho thấy chúng liên quan nhiều đến chuyện lựa chọn chính sách hơn là phản ánh sự thiếu hụt của nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Lý do giá điện tăng tại EU đến từ một số yếu tố, như nguồn cung khí đốt thiếu hụt, sản lượng điện mặt trời và điện gió thấp, các nhà máy điện hạt nhân tạm ngưng hoạt động để bảo trì…

Tuy nhiên, theo Reuters, tình hình có thể bớt căng thẳng hơn khi các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại và đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức đi vào hoạt động.

Khủng hoảng năng lượng, Ấn Độ thiếu than trầm trọng

Theo Reuters, các nhà máy nhiệt điện ở Ấn Độ đang giành nhau lô hàng than để đảm bảo nguồn cung than khi tồn kho xuống mức thấp nhất. Trung Quốc vốn là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới và cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng thiếu điện trầm trọng.

Dù có trữ lượng than lớn thứ 4 thế giới, Ấn Độ vẫn là nước nhập khẩu than lớn thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc. Ngành dịch vụ tiện ích (điện, nước, khí đốt,…) nước này chiếm khoảng 3/4 lượng tiêu thụ than, trong đó Công ty Than Ấn Độ chiếm hơn 80% sản lượng cả nước.

Giá than trên thị trường toàn cầu cao kỷ lục đã đẩy các nhà máy nhiệt điện ở Ấn Độ rơi vào tình thế khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện của các ngành công nghiệp nước này tăng mạnh mà hoạt động nhập khẩu lại chững lại.

Hơn một nửa trong số 135 nhà máy điện than của nước này hiện có lượng dự trữ nhiên liệu xuống dưới mức 3 ngày. Đây là mức rất thấp so mức khuyến nghị ít nhất 2 tuần của Ấn Độ, theo số liệu của chính phủ Ấn Độ.

Đánh giá của Reuters cho thấy, giá nhiên liệu sản xuất điện nói chung trên toàn cầu đang tăng lên khi nhu cầu tiêu thụ điện phục hồi cùng với tăng trưởng trong ngành công nghiệp, nguồn cung than và khí đốt thắt chặt.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version