Diễn biến mới nhất vụ CEO Bholdus tố bị “đá” khỏi dự án

Diễn biến mới nhất vụ CEO Bholdus tố bị "đá" khỏi dự án

CEO Bholdus- ông Ronald Le, tên thật là Lê Đức Quốc đã đăng đàn, thông tin rằng bản thân bị đá khỏi dự án Bholdus do chính mình lập ra.

Cáo buộc của CEO Bholdus về việc bị “đá” khỏi dự án

Bholdus là một nền tảng blockchain dành riêng cho thị trường tài chính phi tập trung (DeFi) và non-fungible token (NFT) với điểm nổi bật là có tốc độ xử lý cao, lên đến 10.000 giao dịch mỗi giây. Sự ưu việt này của Bholdus giúp giảm thiểu các rủi ro tài chính và đưa ra các giải pháp về tài chính cho các công ty vừa và nhỏ tại khu vực Đông Nam Á.

Theo chương trình 24h công nghệ – kênh VTV1 đưa tin, dự án Bholdus thuộc Công ty Unius Pte, Ltd do Ronald Le (tên thật là Lê Đức Quốc) sáng lập, điều hành và đại diện pháp luật. Ông Ronald Le cũng là người sáng lập, đại diện pháp luật, giám đốc điều hành và nắm giữ 62,9% cổ phần của Công ty Hawking Pte, Ltd – đơn vị nắm 65% cổ phần của Công ty Unius.

Vài tuần trước, các thông tin về ông Ronald Le không còn xuất hiện trên website của dự án. Sau đó, ông Ronald Le đã có bài đăng trên Facebook cá nhân liên quan đến vụ việc.

Theo bài đăng ông Ronald Le chia sẻ, ông là đại diện phần lớn cổ phần của Bholdus nhưng đã bị xoá mọi chức vụ mà không thông qua bất kỳ cuộc họp nào. Không những vậy, ông Ronald Le đồng thời bị chiếm đoạt chìa khóa tài chính điện tử mở tài khoản 4 triệu USD (hơn 90 tỷ đồng) của Công ty Unius. Ông cho hay biết được vụ việc thông qua website và mạng xã hội. Ông đã bị cắt khỏi các kênh liên lạc nội bộ của công ty.

Ông Ronald Le nói những thông tin về mình đã bị xóa khỏi website dự án (Ảnh chụp trên chương trình 24h công nghệ – VTV1).

Thông tin về việc bị chiếm chìa khóa tài chính, ông Ronald Le cho hay, mô hình dự án blockchain phân quyền qua 3 chìa khoá bảo mật, ông giữ một mã khoá nhưng đã sơ suất để lộ khi cung cấp cho thành viên khác trong đội ngũ của mình nên đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát dự án. Ông Ronald Le nói, dự án này về blockchain nên các thành viên chỉ làm việc thông qua hình thức trực tuyến. Ông không thể khôi phục vị trí và quyền lợi của mình nên đã cầu cứu pháp luật.

Trên youtube cá nhân, ông Ronald Le nói: “Tôi tuyên bố, tất cả các vị trí trong các phòng ban liên quan đến thương hiệu, tiếp thị, công nghệ, vị trí chủ chốt, đặc biệt director lập tức bị sa thải. Tôi đã và đang có một đội ngũ thay thế để công ty vận hành”.

Ông Ronald Le cho hay, mail của ông đã bị hack khỏi hệ thống công ty nên đề nghị các nhà đầu tư, đối tác không liên hệ qua mail Bholdus .com.

Ông cũng tuyên bố: “Tất cả các vị trí director trong dự án Bholdus không có đủ cơ sở pháp lý để làm việc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho đến khi tôi lấy lại được quyền điều hành của dự án Bholdus cũng như quyền admin, tôi sẽ có thông báo sau”.

Ngoài ra, ông Ronald Le khẳng định: “Tôi đã và đang trong quá trình tố cáo một số nhân vật cộm cán trong công ty Bholdus lên một vài quốc gia trong đó có Việt Nam, Singapore, các cơ quan Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và các cơ quan liên quan để giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng nhất có thể.

Đối với các đối tác quốc tế, tôi đã và đang công bố thông tin trên phương tiện truyền thông, mail cá nhân.  Tất cả các hành vi sai trái sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật”.

Liên quan đến vấn đề của Bholdus, luật sư Phùng Anh Tuấn – Kiêm tổng giám đốc công ty luật VCI Legal nêu quan điểm trên chương trình 24h công nghệ – kênh VTV1: “Việc ra tuyên bố về người đại diện pháp nhân cần phải tuân thủ pháp luật hiện hành và điều lệ công ty quy định, nếu được đưa ra từ người không có thẩm quyền, không đúng pháp luật hay điều lệ của công ty là vô hiệu”.

Sự lỏng lẻo trong các công ty startup công nghệ

Các chuyên gia thì cho rằng, không ít các startup đang gặp phải tình trạng tương tự như vụ việc ở Bholdus. Và lỗ hổng từ mô hình quản trị đã dẫn đến việc mất quyền kiểm soát trong các công ty công nghệ. Các nhân viên của công ty blockchain hầu hết đều dàn trải trên nhiều quốc gia. Từ tuyển dụng cho đến đào tạo và tham gia vào các khâu trọng yếu trong công ty này đều được thực hiện online, dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau giữa những người đồng sự chủ chốt. Chính sự lỏng lẻo này dẫn đến những tranh chấp không đáng có.

Mặc dù ông Ronald Le đã có những cáo buộc rất gay gắt về việc bị “hất” khỏi dự án nhưng đội ngũ dự án Bholdus đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào chính thức trên các phương tiện truyền thông.

Thực hư thông tin liên quan đến ồn ào của dự án Bholdus là gì? Vimoney sẽ tiếp tục bám sát diễn biến vụ việc để thông tin đến với độc giả.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version