Điều tra các doanh nghiệp phát hành vốn ảo

Điều tra các doanh nghiệp phát hành vốn ảo

Các doanh nghiệp không có vốn nhưng phát hành trái phiếu sai quy định, không phải công ty đại chúng vẫn phát hành ra công chúng sẽ bị điều tra.

UBCKNN lập 10 đoàn công tác điều tra doanh nghiệp

Sáng 18/11 đã diễn ra buổi Tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản”. Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng đây là hiện tượng không nhiều nhưng rất nguy hiểm, tương tự như đưa hàng giả lên sàn, ảnh hưởng đến thị trường.

Lãnh đạo UBCKNN cho biết, vẫn giám sát các doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính, phản ánh từ các cơ quan báo chí, các tin đồn… Tuy nhiên, do giãn cách xã hội nên đơn vị không thể kiểm tra thực tế.

UBCKNN đã thành lập 10 đoàn công tác theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, đi tới 10 công ty chứng khoán lớn để kiểm tra doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng quy định. Nằm trong diện kiểm tra còn có doanh nghiệp không phải công ty đại chúng vẫn phát hành ra công chúng.

Đánh giá giám sát đóng vai trò quan trọng nhất, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết Ủy ban sẽ tăng cường đón và biết trước để có hướng xử lý đối với các vi phạm; tiến hành giám sát bằng công nghệ, lường trước rủi ro.

Theo đại diện UBCKNN, Ủy ban hiện đã phối hợp với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với các vi phạm hình sự cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn.

Tới đây các tiêu chí giám sát sẽ rõ ràng, phân thành 3 tuyến để tăng cường giám sát. Các tiêu chí trước đây cần điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của thị trường.

Nâng cao trách nhiệm của công ty chứng khoán

Ông Nguyễn Đức Chi – Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, thị trường cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành giám sát các vi phạm, đảm bảo phát hiện kịp thời, nghiêm minh trường hợp vi phạm, đảm bảo quyền lợi của các thành viên thị trường.

Phó Chủ tịch UBCKNN nêu quan điểm sẽ nâng cao trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc lựa chọn doanh nghiệp lên sàn, thậm chí, chấm điểm các công ty chứng khoán bởi đây sẽ là “hàng rào” đầu tiên giúp sàng lọc và lựa chọn hàng hóa cho thị trường.

Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Mục tiêu đề ra trong tương lai theo Bộ Tài chính là thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, góp phần san sẻ, hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng.

Theo đó, quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) và năm 2030 là 110% GDP. Năm 2025, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số và đạt 8% vào năm 2030. Cơ cấu nhà đầu tư gồm có tổ chức, cá nhân, chuyên nghiệp, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển theo chiều sâu.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tổ chức thị trường hiệu quả theo hướng cơ cấu lại mô hình công ty mẹ – con. Trung tâm lưu ký chứng khoán được tổ chức theo mô hình tổng công ty, đồng bộ công nghệ giao dịch và thanh toán chứng khoán.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán còn hướng đến nâng hạng thị trường trước năm 2025 theo tiêu chuẩn của FTSE Russell và MSCI – một trong 2 đơn vị cung cấp bộ chỉ số lớn nhất thế giới. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ chủ động hội nhập thị trường thế giới, trở thành 1 trong 4 thị trường lớn khu vực Asean.

Cát Anh (T/h)

Exit mobile version