Mua đáy bán đỉnh luôn là mong muốn của các nhà đầu tư, nhưng để dò đáy, đoán đỉnh của cổ phiếu không phải là điều dễ, thường xuyên chúng ta còn làm ngược lại – mua đỉnh và bán đáy. Vậy đỉnh và đáy trong đầu tư là gì? Cách dò đáy và đoán đỉnh cổ phiếu và 3 sai lầm phổ biến cần tránh
1. Đỉnh và đáy trong đầu tư là gì?
Định nghĩa một cách dễ hiểu, “Đỉnh” là điểm cao nhất và “Đáy” là điểm thấp nhất trong chu kỳ biến động của cổ phiếu.
John Templeton – người được tạp chí Money Magazine bình chọn là “Nhà đầu tư vĩ đại nhất thế kỷ” vào năm 1999 đã nói: “Thị trường giá lên sinh ra trong bi quan, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết đi bởi sự hưng phấn, thỏa mãn”. Dưới góc độ tâm lý, “Đỉnh” là điểm cực độ của sự hưng phấn, thỏa mãn; còn “Đáy” là nơi tận cùng của bi quan, sự chán nản.
Từ 2 khái niệm trên ta có thể hiểu tại sao Warren Buffett lại nói: “Hãy sợ hãi khi người khác đang tham lam. Hãy tham lam khi người khác đang sợ hãi”. Trong đầu tư, đừng nên mua khi mà tất cả mọi người đang lạc quan, hưng phấn quá mức, quá nhiều tin tốt nói về nó; hãy nên mua khi mọi tin xấu về nó được bơm ra mà nó vẫn còn tồn tại, triển vọng có thể phục hồi.
2. Những sai lầm thường gặp của nhà đầu tư khi xác định đỉnh và đáy
Thứ nhất, thích dò đáy và mua tất tay (all-in) khi mới có mới có dấu hiệu tạo đáy. Nhà giao dịch nhỏ lẻ thường không có một kế hoạch giải ngân cụ thể và thiếu đi sự kiên nhẫn nên khih thấy cơ hội thường vội vàng tham gia. Bắt đáy là một trong những hành động mạo hiểm nhất trong giao dich vì chỉ số đang trong đà giảm thì khả năng giảm tiếp là rất cao. Muốn bắt đáy, nhà đầu tư cần trang bị kiến thức cơ bản và lên kế hoạch giải ngân rõ ràng, tránh tự đẩy mình vào thế “bắt dao rơi”, vừa mua đã lỗ sâu.
Thứ hai, mua đuổi do hiệu ứng fomo (fear of missing out) – không giữ được sự bình tĩnh khi chỉ số liên tục tăng giá, sợ lỡ mất cơ hội để rồi mua ở giá quá cao, đôi khi là mua ngay đỉnh. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ thường không thể kiềm chế được việc chỉ số mình yêu thích tăng liên tục nên 1 phiên tăng, 2 phiên tăng có thể không mua nhưng đến phiên thứ 3 bắt đầu dao động đến khi không kiềm chế được nữa thì mua giá rất cao. Đây là trường hợp không hiếm gặp trên thị trường.
Thứ ba, cố chấp không chịu sửa sai do tâm lý muốn mua được đúng ngay tại đáy và bán ngay tại đỉnh. Sai lầm này thường xảy ra đối với những nhà giao dịch có kinh nghiệm. Khi càng có nhiều kinh nghiệm thì cái tôi càng lớn và càng cố chấp. Cụ thể, khi mua khẳng định đó là đáy nhưng khi cổ phiếu giảm tiếp, thay vì cắt lỗ theo đúng kỷ luật thì lại tìm lí do để bảo chữa, không nhận sai và phát vỡ kỹ luật giao dịch của mình.
3. Các cách xác định đỉnh đáy
Có một công thức để xác định đáy và đỉnh của thị trường mà các huyền thoại đầu cơ như George Soros đã tìm ra – Công thức đó là không có công thức nào cả.
Các nhà đầu tư trên thị trường đều nghĩ rằng có những huyền thoại đầu tư luôn có một công thức nào đó để xác định được đáy và đỉnh của thị trường. Thực tế, những người thường xuyên xác định được một cách tương đối chính xác đỉnh và đáy lại chia sẻ rằng không có một công thức nào có thể dự báo được hết tất cả các biến số tác động đến thị trường.
Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn có thể phần nào nhận diện được những điểm uốn của thị trường dựa vào các tín hiệu kỹ thuật sau:
3.1. Dấu hiệu tạo đỉnh
a. Tín hiệu phân kỳ âm của giá và chỉ báo động lượng
Tín hiệu phân kỳ âm giữ giá và chỉ báo động lượng xuất hiện khi cả 2 yếu tố đồng thời xảy ra: Đồ thị giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trường nhưng chỉ báo động lượng lại cho đỉnh sau thấp hơn. Điều đó nói lên rằng giá tăng mà động lượng yếu dần, sự tăng giá không bền vững và đó là dấu hiệu tạo đỉnh.
Chỉ báo động lượng thường sử dụng: MACD, RSI,…
b. Tín hiệu phân kỳ âm của giá và khối lượng
Tín hiệu phân kỳ âm giữa giá và khối lượng xuất hiện khi giá tăng mà khối lượng lại giảm chứng tỏ sự tăng giá do cầu ảo kéo giá chứ không đến từ việc gia tăng số lượng người mua vào.
c. Chinh phục đỉnh cũ bất thành
Sau khi tạo đỉnh thứ nhất và hình thành nhịp chỉnh đầu tiên thì ở pha tăng giá tiếp theo không thể hình vượt được đỉnh ban đầu tạo nên mô hình 2 đỉnh hoặc 3 đỉnh,…
3.2. Dấu hiệu tạo đáy
a. Tín hiệu phân kỳ dương của giá và chỉ báo động lượng
Ngược lại với phân kỳ âm của giá và khối lượng, sự phân kỳ dương cho dấu hiệu giá giảm mà động lượng mua tăng lên chứng tỏ có lực cầu đã âm thầm mua vào mạnh, dấu hiệu của sự đảo chiều xuất hiện.
b. Đảo chiều trong phiên có khối lượng giao dịch lớn
Trong một xu hướng giảm kéo dài xuất hiện 1 phiên mà giá đột ngột đảo chiều mạnh với khối lượng lớn chứng tỏ cho việc lượng lớn nhà đầu tư tham gia bắt đáy, đó là những dấu hiệu đầu tiên của sự đảo chiều.
c. Kiểm chứng đáy cũ thành công
Sau khi hình thành đáy thứ 1 thì những lần giảm sau đó không bị phá vỡ, nghĩa là đáy thứ 1 đã được kiểm chứng thành công tạo nên các mô hình 2 đáy, 3 đáy,… dự báo cho sự đảo chiều và hồi phục.
4. Kết luận
Mặc dù không có công thức nào có thể xác định được đỉnh và đáy trên thị trường, tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư có thể làm là tìm những điểm uốn cho tín hiệu đảo chiều để tham gia giao dịch cũng những hài lòng với mức lợi nhuận hiện có mà đóng vị thế mà thôi.
Trước khi kết thúc bài viết, chúng tôi muốn gửi đến nhà đầu tư một thông điệp là đừng quá kỳ vọng vào việc mình mua được đáy và bán ngay tại đỉnh mà hãy mua ở những vùng giá hợp lý và bán ở vùng giá hài lòng về mức lợi nhuận.