Nhiều DN bảo hiểm chú trọng doanh thu, lơ là chất lượng

Sẽ thanh tra tiếp 5 công ty bảo hiểm đến hết năm

Đây là nhận định của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Ông cho rằng, ngành bảo hiểm tăng trưởng nhanh về lượng nhưng lại chưa tương xứng về chất.

Doanh nghiêp bảo hiểm phát triển về số lượng và chất lượng không đồng đều

Thị trường bảo hiểm vừa trải qua “cuộc khủng hoảng về niềm tin”. Nhiều người dân tỏ ra bức xúc với chất lượng tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhất là các kênh phân phối thông qua ngân hàng. Không ít người tố cáo việc bị ngân hàng ép mua bảo hiểm kèm theo khoản vay. Một số khác thậm chí còn phản ánh việc bị “lừa” từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ.

Ngành bảo hiểm với hơn 25 năm phát triển tại Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng bình quân mỗi năm tới 20%. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, đây là lĩnh vực đóng vai trò “bà đỡ”, góp phần phát triển ổn định cho các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Đồng thời, nó cũng là giải pháp bảo vệ tài chính cho người dân.

Theo Bộ trưởng Tài chính, nhìn tổng thế, trong nhiều năm qua, chất lượng đại lý bảo hiểm đã có sự cải thiện. Các doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư cho khâu đào tạo đại lý, công nghệ thông tin, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng.

Nhưng cũng không thể phủ nhận thực tế là, hoạt động tại một số đại lý bảo hiểm có chất lượng chưa cao. Bộ trưởng nói, nhiều doanh nghiệp mảng này thực tế chỉ chú trọng đào tạo đại lý theo hướng làm sao bán được sản phẩm. Hiểu cách khác, họ đào tạo nhân viên thiên lệch về kỹ năng bán hàng hơn kiến thức kinh tế nền, chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Tài chính nêu quan điểm, một số doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về trong khi lại lơ là việc kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của các đại lý. Chính vì thế, một số đại lý bảo hiểm đã không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn một cách đầy đủ, khách quan, đặc biệ là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Trong khi ở một diễn biến khác, không ít khách hàng còn chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, mang tâm lý cả tin, cả nể trong quá trình ký hợp đồng bảo hiểm. Và theo ông Hồ Đức Phớc, đây là nguyên nhân gây ra những bức xúc dư luận được phản ánh trong thời gian qua, khiến vai trò, bản chất thực và tính nhân văn của ngành này bị giảm đi.

“Thị trường cần thay đổi một cách mạnh mẽ”

Đây là quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Theo ông, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, thực hiện rà soát lại và có giải pháp để cải thiện chất lượng đại lý. Ông cũng khẳng định, đơn vị sẽ “chấn chỉnh và xử lý nghiêm các doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm”.

Thời gian qua, bên cạnh đại lý truyền thống, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) ngày càng đóng góp vai trò quan trọng đối với thị trường. Dù giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng hơn nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính vẫn phải thừa nhận một điều, kênh này gây phức tạp hơn trong thời gian gần đây. Do đó, ngành này cần xem lại, thực ihenej chấn chỉnh để hoạt động của ngành lành mạnh và đúng hướng.

Ông cho biết, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã nhìn thấy những vấn đề phát sinh đối với kênh bancassurance và đang vào cuộc để thay đổi. Theo đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần làm việc, có văn bản chấn chỉnh các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm phải nghiêm cấm các hành vi mời chào, lôi kéo và tư vấn không đầy đủ.

Theo Bộ trưởng, trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, nhiều quy định mới về đại lý bảo hiểm, trong đó có cả bancassurance đã được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ, đầy đủ hơn. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và kỳ vọng nó sẽ được ban hành sớm nhằm tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, ngành bảo hiểm còn nhiều thách thức và cần phải hoàn thiện về chất lượng nhân lực, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản trị rủi ro và tính minh bạch của các doanh nghiệp.

Các năm tới, nền tảng pháp lý cũng được kỳ vọng góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về “lượng” và “chất”, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số hay xu hướng phát triển công nghệ.

Exit mobile version