Danh sách V1000 điểm mặt 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020 vừa được Tổng cục Thuế công bố.
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu trong danh sách V1000
Danh sách V1000 đã được Tổng cục Thuế xây dựng và thực hiện trong 5 năm qua. Trong danh sách V1000 của năm 2020, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp là 145.934 tỷ đồng, chiếm tới 62,4% tổng thu ngân sách của Nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp. So với số thuế nộp trong danh sách V1000 của năm 2019, con số này bằng 103,74%.
Có tới 423 doanh nghiệp đã liên tục nằm trong danh sách V1000 trong vòng 5 năm liên tiếp. Trong đó, có 180 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 32,91% tổng số nộp thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 của danh sách này.
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm xếp kề ngay sau đó, số thuế nộp chiếm 30,6%. Số tiền nộp thuế của lĩnh vực thông tin và truyền thông chiếm 10,71%; lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 6,6%; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 5,68%; ngành nghề khác chiếm 13,5%.
Trong khi đó, nếu tính theo địa bàn thì Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh là 2 địa phương dẫn đầu. Hà Nội có 109 doanh nghiệp, chiếm 43,26% tiền nộp thuế. TP.Hồ Chí Minh có 134 doanh nghiệp, chiếm 29,81% tiền nộp thuế. Xếp tiếp theo là các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc…
Tính theo khối doanh nghiệp, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh với 267 doanh nghiệp đã chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 60,2% thuế nộp. Khối doanh nghiệp Nhà nước chiếm 25,64% thuế nộp với 71 doanh nghiệp. Riêng khối đầu tư nước ngoài có 77 doanh nghiệp, chiếm 13,32% thuế nộp. Còn lại 8 doanh nghiệp thuộc vào các loại hình khác.
Được biết, 300 doanh nghiệp đã được bổ sung vào danh sách V1000 năm 2020. Đây đa phần đều là các doanh nghiệp có số nộp ngân sách phát sinh từ các hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, nộp theo quyết định truy thu, không còn được hưởng ưu đãi hay miễn giảm thuế…
Tiêu chí xếp doanh nghiệp vào danh sách V1000
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, thuộc Tổng cục Thuế, ông Đào Ngọc Sơn cho biết, có các tiêu chí cụ thể, rõ ràng và minh bạch để xếp hạng các doanh nghiệp trong danh sách V1000.
Theo đó, được lựa chọn và đưa vào danh sách xếp hạng là các doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức khác có hoạt động sản xuất kinh doanh và có thu nhập.
Nếu doanh nghiệp có chi nhánh hoặc đơn vị trực thuộc thì số nộp tính cho doanh nghiệp sẽ bao gồm số nộp của trụ sở chính, chi nhánh, đơn vị trực thuộc.
Đối với tập đoàn hoặc tổng công ty, giữa công ty mẹ – con – công ty thành viên sẽ đóng vai trò là doanh nghiệp đứng độc lập trong danh sách xếp hạng. Tổng cục Thuế sẽ xác định danh sách V1000 dựa trên mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách Nhà nước hàng năm của doanh nghiệp. Hoạt động này không xem xét đến tính tuân thủ pháp luật thuế.
Nếu doanh nghiệp bị cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền phát hiện sai phạm, trong quá trình hoạt động thì vẫn bị xử lý theo quy định và tùy vào mức độ.
Cát Anh (T/h)