Doanh nghiệp bảo hiểm lãi lớn mùa Covid-19

Doanh nghiệp ngành bảo hiểm vẫn đang “sống” khá tốt trong khi ở các ngành nghề lĩnh vực khác gặp nhiều khó khăn do Covid-19.

Tài sản doanh nghiệp bảo hiểm tăng 20,62%

Thông tin từ Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 650.165 tỷ đồng, tăng 20,62% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp BH phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ đồng, các doanh nghiệp BH nhân thọ ước đạt 547.943 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 535.867 tỷ đồng, tăng 23,37% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 54.172 tỷ đồng; các doanh nghiệp BH nhân thọ ước đạt 481.695 tỷ đồng.

Tổng dự phòng nghiệp vụ BH ước đạt 423.821 tỷ đồng, tăng 22,45% so với cùng kỳ, trong đó các doanh nghiệp BH phi nhân thọ ước đạt 27.806 tỷ đồng, các doanh nghiệp BH nhân thọ ước đạt 396.015 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 152.755 tỷ đồng, tăng 37,39% so với cùng kỳ, trong đó, các doanh nghiệp BH hiểm phi nhân thọ ước đạt 34.442 tỷ đồng, các doanh nghiệp BH nhân thọ ước đạt 118.313 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí BH ước đạt 151.993 tỷ đồng, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu phí BH lĩnh vực BH phi nhân thọ ước đạt 43.890 tỷ đồng, lĩnh vực BH nhân thọ ước đạt 108.103 tỷ đồng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm, tổng số tiền chi trả quyền lợi BH ước đạt 37.977 tỷ đồng, tăng 11,69% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các doanh nghiệp BH phi nhân thọ ước đạt 14.568 tỷ đồng, các doanh nghiệp BH nhân thọ ước đạt 23.409 tỷ đồng.

Tổng số phí BH thu xếp qua môi giới BH ước đạt 8.877 đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phí BH hiểm gốc thu xếp qua môi giới ước đạt 5.922 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ, phí tái BH thu xếp qua môi giới ước đạt 2.955 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ. 

Nghiên cứu về BH mới nhất vừa được Công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu quốc tế YouGov đánh giá: đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến người tiêu dùng Việt Nam cân nhắc mua và sử dụng dịch vụ BH tư nhân nhiều hơn trong nỗ lực bảo vệ bản thân và gia đình. Theo khảo sát của YouGov, 26% người tiêu dùng cho biết họ tăng tần suất mua sản phẩm BH trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 so với trước đây.

Trước đó, báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8/2021, tổng doanh thu phí BH của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 133.040 tỷ đồng, tăng 16,96% so với cùng kỳ năm 2020.

Tiềm năng, quy mô thị trường ngày càng lớn

Hiện nay, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đang trong quá trình được sửa đổi. Theo Bộ Tài chính, sau hơn 20 năm thực thi Luật Kinh doanh bảo hiểm, từ ban đầu chỉ có 15 doanh nghiệp, đến nay thị trường BH đã có 75 doanh nghiệp kinh doanh (trong đó có 31 doanh nghiệp BH phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp BH nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái BH và 23 doanh nghiệp môi giới BH ) và 01 chi nhánh doanh nghiệp BH phi nhân thọ nước ngoài.

Trong giai đoạn 2000-2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng nhanh vượt bậc so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng được duy trì trong thời kì dài, bất chấp khủng hoảng tài chính thế giới hay tác động bất lợi khác.

Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân trên 20%/năm.

Đến cuối năm 2020, thị trường BH đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1.000.000 lao động với thu nhập ổn định. Theo thống kê của các doanh nghiệp BH, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng.

Hiện nay, khoảng 11,9 triệu người tham gia BH nhân thọ, tương đương hơn 10% dân số, 4 triệu người tham gia BHYT, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được BH chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được BH hàng không; trên 12 triệu lượt khách được BH tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được BH tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ.

Bảo hiểm vi mô hiện đã bước đầu được triển khai bởi cả doanh nghiệp BH và triển khai thí điểm bởi Hội Liên hiệp phụ nữ nhằm tương trợ giữa các hội viên. Đến nay, tỷ lệ tham gia BH vi mô khoảng 200 nghìn hợp đồng (tương đương 0,2% dân số cả nước). Những người được BH nói trên được chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.

Hiện nay có khoảng 2.894 sản phẩm BH, thuộc tất cả các nghiệp vụ BH. Mạng lưới hoạt động của thị trường được mở rộng, tính đến nay, 73 doanh nghiệp BH và 01 chi nhánh doanh nghiệp BH phi nhân thọ nước ngoài đã có tới hàng nghìn chi nhánh, văn phòng đại diện trên phạm vi cả nước nhằm tăng cường chất lượng phục vụ khách hàng từ khâu bán hàng, chăm sóc và thực hiện bồi thường. 

Cũng theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2000-2020, các doanh nghiệp BH đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi BH lên đến 340.000 tỷ đồng.

Exit mobile version