Doanh nghiệp kinh doanh bột sắn mỗi ngày thu gần 20 tỷ đồng, cổ phiếu “nhăm nhe” lập đỉnh, cổ tức tiền mặt “đều như vắt tranh”

Doanh nghiệp kinh doanh bột sắn mỗi ngày thu gần 20 tỷ đồng, cổ phiếu nhăm nhe lập đỉnh, cổ tức tiền mặt “đều như vắt tranh” - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh từ đầu tháng 2 khiến hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh. Song, điều này đã mở ra cơ hội để các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh ổn định chứng tỏ giá trị. APF của CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO) là một ví dụ khi không bị ảnh hưởng nhiều bởi làn sóng bán tháo, thậm chí còn bứt phá để lên đỉnh cao mới.

Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 71.400 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 18% từ đầu năm. Trước đó, thị giá APF vừa thiết lập đỉnh mới 71.980 đồng/cổ phiếu trong phiên 21/2 sau đó đi ngang quanh vùng giá này, “nhăm nhe” phá đỉnh. Vốn hóa thị trường hiện đạt ngưỡng 1.610 tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần thời điểm mới chào sàn tháng 6/2017.

APFCO được thành lập từ năm 2003, đến nay đã trở thành một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol. Doanh nghiệp có hệ thống các nhà máy tại Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông, Nam Lào… với sản lượng hơn 500.000 tấn sắn/năm.

Trên thị trường, nhu cầu sử dụng tinh bột sắn để làm nguyên liệu trong chế biến thực phẩm, mì tôm, bột ngọt, phụ liệu trong các ngành dệt may, sản xuất cồn, hóa chất… đang ngày càng cao. Minh chứng rõ ràng là trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lập kỷ lục 1,4 tỷ USD trong năm 2022 và đang tiếp tục bật tăng mạnh mẽ. Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch đạt 375,7 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện, các sản phẩm của APFCO chủ yếu phục vụ xuất khẩu đi các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Riêng với thị trường Trung Quốc, sau khi mở cửa trở lại, quốc gia này đang tăng cường nhập khẩu các sản phẩm từ sắn (tinh bột sắn, sắn lát…) để sản xuất xăng sinh học và thức ăn chăn nuôi. Do đó, sản lượng tinh bột sắn xuất khẩu của APFCO lại có thêm động lực để ngày càng gia tăng.

Kết quả thể hiện rõ ràng qua từng con số kinh doanh khi APFCO tạo ra hàng nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm và liên tục tăng trưởng từ năm 2016 tới nay. Đến năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp này đã đạt gần 7.100 tỷ đồng, tăng trưởng lên tới 30% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Như vậy trung bình mỗi ngày của năm qua, công ty đạt mức doanh thu hơn 19 tỷ đồng. Về lợi nhuận, sau năm 2021 lãi có sự sụt giảm so với cùng kỳ, APFCO bất ngờ lãi ròng đột biến hơn 366 tỷ đồng năm 2022, gấp hơn 2,2 lần con số năm trước.

Sau một năm “thu đậm”, bước sang 2023, APFCO đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 270 tỷ đồng. Sản lượng tinh bột sắn dự kiến đạt 555.000 tấn và thành phẩm cồn là 12.000 m3.

Ở một khía cạnh khác, điều hấp dẫn là việc APFCO còn được biết đến là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao đều đặn hàng chục phần trăm. Trong tháng 3/2023 này, công ty dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt, tương ứng 1.500 đồng/cp. Theo kế hoạch thì mức cổ tức năm 2022 dự kiến là 30-40% bằng tiền mặt.

Trước đó vào năm 2021, dù lợi nhuận “đi lùi” nhưng APFCO vẫn thực hiện chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ lên đến 50% bao gồm 40% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu. Mức cổ tức cho năm 2020 là 50% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu; năm 2019 là 20% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu; năm 2018 là 30% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu,… Đỉnh điểm vào năm 2015, doanh nghiệp này chi cổ tức bằng tiền với tỷ lệ đến hơn 66%.

Bên cạnh những đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu, từ sau khi lên sàn, APFCO đã một lần thực hiện tăng vốn thông qua chào bán ưu đãi cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 5:1 với giá 36.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 10/2017. Hiện tại, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã tăng gấp 18 lần thời điểm ban đầu lên hơn 225 tỷ đồng.

APF chi trả cổ tức đều đặn cho cổ đông với tỷ lệ cao

Exit mobile version