Doanh nghiệp làm gì để thoát khủng hoảng COVID-19

Theo thông tin từ khảo sát do Vietnam Report tiến hành vào tháng 8/2021, PROFIT500 – Top 500 Doanh nghiệp, sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Doanh nghiệp lớn cũng phải lao đao

Số liệu thống kê từ Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2021 đối với 339 doanh nghiệp niêm yết cho thấy có đến 53,1% doanh nghiệp vẫn giữ vững được đà tăng trưởng lợi nhuận trong suốt giai đoạn 2019 – 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. Bên cạnh đó, 24,4% doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2021.

Đây là dấu hiệu tích cực cho biết các doanh nghiệp niêm yết trong PROFIT500 đã dần thích ứng với sự thay đổi của các điều kiện kinh doanh sau khi đại dịch xuất hiện. Ngoài ra, 14,2% doanh nghiệp trong số này bị tăng trưởng chậm lại và ghi nhận mức lợi nhuận 6 tháng 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020. Còn lại, 8,3% doanh nghiệp thuộc nhóm phục hồi chậm với lợi nhuận giảm 2 kỳ liên tiếp – lợi nhuận năm 2020 giảm so với năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo ghi nhận của Vietnam Report, các doanh nghiệp PROFIT500 đang phải đối mặt với những thách thức lớn do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, cụ thể: Thiếu nhân lực để sản xuất do các quy định về giãn cách; Khó khăn trong điều hành và quản lý công việc từ xa; Đứt gãy chuỗi cung ứng; Sức mua giảm sút; Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Dù lợi nhuận toàn thị trường quý II tăng trưởng tích cực, nhưng đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 hết sức nguy hiểm và kéo dài trong nhiều tháng qua, lợi nhuận trong quý III được dự báo sẽ giảm đáng kể do các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng làm gián đoạn đà phục hồi. Triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành gặp thách thức lớn khi có ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách.

Đối với các nhà máy vẫn đang duy trì hoạt động phải đảm bảo theo mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) và test COVID 3 ngày/lần… do đó chịu chi phí vận hành rất lớn và buộc phải giảm 40-50% công suất.

Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát cũng là yếu tố đang tác động đến các doanh nghiệp. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%, điều này cho thấy lạm phát của Việt Nam hiện vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng sẽ gây ra lạm phát chi phí đẩy.

Thích ứng để không bị “bỏ lại phía sau”

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số là chiến lược hàng đầu của các doanh nghiệp để đối phó trước những tác động của đại dịch COVID-19. Qua đó, Top 5 mong đợi của doanh nghiệp PROFIT500 khi đầu tư vào chuyển đổi số là: Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Quản lý, phân tích dữ liệu và theo dõi các báo cáo kịp thời, nhanh chóng và chính xác; Tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả hoạt động; Nâng cao năng suất lao động; Tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Chuyển đổi số là chủ đề không còn mới đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Trong thời kỳ dịch bệnh, chuyển đổi số được coi là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trước hàng loạt khó khăn, biến thách thức trở thành cơ hội. Với việc tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường nên đa phần mọi người chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.

Trong bối cảnh đại dịch, chuyển đổi số là cách để các doanh nghiệp giải quyết được những vấn đề từ việc đình trệ sản xuất, khó quản lý nhân viên cho đến việc phải tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh vì dịch bệnh. Chuyển đổi số hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động thương mại điện tử (mua bán trực tuyến), giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng; quản lý khách hàng thông qua hệ thống CRM; mua hàng và thanh toán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng; vận chuyển an toàn, ít tiếp xúc.

Mặt khác, trong điều hành doanh nghiệp, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu giúp các nhà quản trị giải quyết bài toán về chi phí và tăng hiệu suất công việc, cụ thể: chuyển đổi dữ liệu từ dạng văn bản giấy tờ sang dữ liệu điện tử, giảm thiểu chi phí giao dịch (điển hình đối với ngân hàng), tối ưu chi phí vận hành…

Hơn nữa trong giai đoạn giãn cách, nhờ có chuyển đổi số, các nhà quản trị đã giải quyết được những khó khăn trong điều hành và quản lý công việc từ xa, có thể nắm được tình hình, kiểm soát tiến độ và chất lượng công việc của toàn bộ công ty, tối ưu hóa nguồn lực dù làm việc tại nhà (Work from home) thông qua việc chuẩn hóa quy trình làm việc nhờ phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP), theo dõi dòng tiền kịp thời và nhanh chóng, họp trực tuyến để trao đổi công việc…

Nhìn về dài hạn, chuyển đổi số không chỉ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời dịch mà còn là nhân tố quyết định sự thành bại trên thương trường. Quy luật cạnh tranh “Cá lớn nuốt cá bé” đang đứng trước thách thức khi có sự xuất hiện của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Trong xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp đi sau nhưng linh hoạt và thích ứng nhanh hơn sẽ “làm chủ cuộc chơi”, doanh nghiệp chậm đổi mới sẽ mất dần thị phần và bị đào thải khỏi thị trường.

Đa số mọi người vẫn thường hình dung về những công ty, tập đoàn lớn sẽ có tiềm lực tài chính vững chắc và là thế mạnh để đổi mới và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Tuy nhiên, với hệ thống tổ chức càng lớn thì bộ máy hoạt động sẽ càng cồng kềnh và ít linh hoạt, giống như hình ảnh người khổng lồ di chuyển sẽ nặng nề và chậm rãi hơn.

Bài học về cuộc khủng hoảng nợ của “người khổng lồ” Evergrander – Trung Quốc vừa qua là một minh chứng rõ nét. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có lợi thế và điều kiện thuận lợi khi có quy mô tổ chức cũng như cơ cấu nhân sự nhỏ gọn, giúp dễ dàng cho việc thích ứng và thay đổi hệ thống quản trị toàn công ty.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ gì lúc này

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report được thực hiện trong tháng 8/2021, cộng đồng doanh nghiệp PROFIT500 đã nêu ra 4 vấn đề quan trọng nhất cần Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Bốn đề xuất đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Giản lược tối đa thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ; Hỗ trợ cắt giảm và gia hạn nộp thuế; Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên không gian số.

Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay chính là đại dịch COVID-19. Do vậy, nhanh chóng kiểm soát dịch chính là yếu tố quyết định cho sự phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Song song với đó, Chính phủ cũng cần chú trọng tới các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Về chính sách tài khóa, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần kích thích tổng cầu, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giảm lãi suất cho vay, nới lỏng và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn là điều hết sức cần thiết.

Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách gỡ khó cho doanh nghiệp như: Hỗ trợ cắt giảm và gia hạn nộp thuế; Giản lược tối đa thủ tục, tạo điều kiện đơn giản, thông thoáng nhất để doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ và Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên không gian số.

Top chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report Top chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp để tăng lợi nhuận trong những tháng cuối năm 2021.

Bao gồm: Tăng cường các hoạt động PR, thực hiện trách nhiệm xã hội; Tăng doanh thu bằng cách thúc đẩy bán hàng thông qua cải thiện dịch vụ khách hàng, tăng cường giảm giá/khuyến mãi, tìm kiếm và mở rộng thị trường, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động; Cắt giảm chi phí thông qua việc thường xuyên theo dõi ngân sách và đánh giá hiệu quả hoạt động; Ứng dụng chuyển đổi số.

Một nhân tố mới xuất hiện trong top chiến lược ưu tiên năm nay và chiếm vị trí đứng đầu là Tăng cường các hoạt động PR, thực hiện trách nhiệm xã hội. Điều này đã được chứng minh trên thực tế, trong thời gian vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn trở ngại vì dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp đã chung tay góp sức ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống COVID-19. Qua đó cho thấy các doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, đồng thời tạo được hình ảnh tích cực và nâng cao uy tín trong lòng khách hàng và đối tác.

Mặt khác, thay vì giảm chi phí thông qua cắt giảm nhân sự theo kết quả khảo sát năm ngoái, khi bước sang năm 2021, các doanh nghiệp PROFIT500 đã tập trung thực hiện chiến lược cốt lõi là tăng năng suất và chất lượng lao động, song song với ứng dụng chuyển đổi số và thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động để điều hành sát sao và kịp thời hơn.

Exit mobile version