Doanh nghiệp mở cửa lại sau dịch: Người nóng lòng, kẻ rón rén

Doanh nghiệp mở cửa lại hậu Covid-19

Doanh nghiệp mở cửa lại hậu Covid-19

Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh doanh nới lỏng dần. Tuy nhiên, các doanh nghiệp người nóng lòng mở cửa trở lại, kẻ lại ngần ngại.

Số doanh nghiệp đăng ký mới sụt giảm

Theo dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê, trong tháng 9, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%. Kể từ năm 2016, đây là tháng Chín có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký thấp nhất.

Quý III năm 2021 là thời điểm việc giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm ngặt nhất. Trong quý này, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 18,4 nghìn doanh nghiệp, giảm 51,3% so với quý trước và giảm 50,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký mới của quý III giảm 48,8% so với quý trước và giảm 65,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký đạt 1.195,8 nghìn tỷ đồng, giảm 16,3%; tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.873 nghìn tỷ đồng, giảm 20,2%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 9 tháng năm 2021 tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 17,4%; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%.

Số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký của doanh nghiệp trong tháng 9/2021 (Nguồn: Cục Đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Nội là một trong số những địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký giảm mạnh.

Tình hình chung như vậy, tuy nhiên ở một số địa phương do kiểm soát tốt dịch bệnh nên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng vẫn tăng so với cùng kỳ như Hải Phòng, Bắc Giang.

Số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đều tăng, vô hình chung gây áp lực giải quyết việc làm cho thị trường lao động, đồng thời làm tăng nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước trong thời gian tới.

Mặc dù các gói hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ là đúng đắn và kịp thời nhưng các cấp triển khai còn hạn chế nên bộ phận doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn.

Rón rén mở cửa trở lại

Đại diện của 20 nhà sản xuất phim công văn gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính và UBND TP.HCM kiến nghị được phục hồi kinh doanh, sản xuất từ ngày 15/10. Họ cam kết thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho nhân viên.

Giám đốc nội dung của CGV Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ trong 4 tháng qua, hệ thống rạp chiếu phim đóng cửa trên toàn quốc. Thách thức lớn nhất của CGV là dòng tiền trong kinh doanh. Hệ thống rạp chiếu phim phải gồng gánh nhiều chi phí suốt thời gian qua, trong bối cảnh doanh thu phòng vé Việt Nam nói chung và CGV nói riêng ở mức gần như bằng 0.

Mặc dù CGV mở rộng phát triển các nội dung trực tuyến trong giai đoạn giãn cách xã hội nhưng ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, doanh thu từ các chương trình này không nhiều, chỉ mang tính duy trì kết nối với khán giả.

Còn đại diện BHD cũng cho hay, tài chính của nhà rạp gần như cạn kiệt khi không hoạt động trong thời gian dài. Trong đó, lãi vay ngân hàng, lương nhân viên, tiền bảo trì máy móc và nhiều chi phí khác chồng chất.

Nhiều cửa hàng nằm im lìm trong một thời gian dài vì Covid-19.

Nguồn nhân lực của công ty cũng rơi vào thế khó khi một số nhân viên không thể chờ đợi ngày hệ thống rạp chiếu phim mở cửa trở lại, phải tìm hướng đi khác.

Theo vị này, trong giai đoạn khó khăn, BHD đã cùng toàn thể nhân viên đồng lòng cắt giảm lương, tiết kiệm mọi chi phí tối đa để cầm cự. Tuy nhiên, nếu việc đóng cửa kéo dài hơn thì các doanh nghiệp kinh doanh điện ảnh, rạp cũng sẽ khó cầm cự lâu hơn và có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.

Đại diện của CGV và BHD đều bày tỏ mong muốn được mở cửa hoạt động trở lại vào đầu tháng 11, khi mà các trung tâm thương mại tái hoạt động với cam kết sẽ  áp dụng triệt để nguyên tắc 5K cùng nhiều biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Giống như các rạp phim, Cục Hàng không cũng mong mỏi được bay trở lại. Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam gửi văn bản lấy ý kiến 20 tỉnh, thành phố để thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động, đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương.

Cho đến nay, đã có 10 địa phương phản hồi, 7 địa phương đồng ý. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam,  việc mở cửa sân bay Cát Bi và sân bay Nội Bài là rất khó. Nếu các địa phương không đồng ý nhiều khả năng không thể mở lại đường bay nội địa.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại vô cùng “rón rén” khi mở cửa lại bởi nỗi lo “không mở cũng chết, mở cũng chết vì càng làm càng lỗ”.

Ông Dominic Vũ, Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ SME (tổ chức gồm các doanh nghiệp trong ngành ăn uống, dịch vụ, bán lẻ… hình thành đầu tháng 10) đánh giá, chỉ khoảng 10-20% hàng quán ăn uống mở trở lại.

Ông Dominic Vũ cho rằng, chủ doanh nghiệp vẫn đang giữ tâm lý lo lắng, thận trọng trước việc tái hoạt động chi phí sản xuất tăng mạnh sau dịch nhưng doanh thu, lợi nhuận không đáng kể. Chưa kể, các chính sách chống dịch vẫn còn nhiều bất định, có sự khác nhau giữa các địa phương.

Ông Lý Nhất Hiếu, chủ 3 nhà hàng cao cấp tại TP.HCM thừa nhận từng đếm từng ngày chờ quyết định mở cửa của thành phố vì việc dừng kinh doanh 5 tháng trong đợt Covid-19 lần thứ tư khiến ông mất trắng hàng tỷ đồng. Nhưng tình hình hiện tại với ông thật không dễ dàng. Khi mà, doanh nghiệp đang đối diện với bài toán khó về tuyển dụng lao động, việc chuỗi cung ứng hàng hoá chưa thực sự thông suốt trở lại hay việc giao hàng đắt đỏ trong thành phố.

Cát Anh

Exit mobile version