Doanh nhân ở tình thế “sống còn” vì Covid-19

Chiều 7/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Doanh nhân, doanh nghiệp kiệt quệ

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, Việt Nam đã có trên 800.000 DN hoạt động, hơn 25.000 HTX và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Với số lượng DN, HTX, hộ kinh doanh nêu trên, tính một cách tương đối, cả nước có khoảng 7 đến 8 triệu doanh nhân.

Đáng chú ý, các DN, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho NLĐ và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Sau 35 năm đổi mới, nhờ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo của doanh nhân Việt Nam, nhiều DN đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các DN trong khu vực và trên thế giới.

Xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam còn khá nhỏ bé và hạn chế. DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới trên 95% tổng số DN của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, khả năng sinh lợi, trình độ quản lý, hiệu quả hoạt động của DN còn thấp; tính liên kết chưa cao…

Từ năm 2020 khi xảy ra Covid-19 đến nay, Chính phủ, Quốc hội đã nỗ lực, đưa ra nhiều gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn. Riêng năm 2021 đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19 trị giá 26.000 tỷ đồng; các ngân hàng cam kết hỗ trợ 20.300 tỷ đồng lãi suất; gia hạn hơn 115.000 tỷ đồng tiền thuế, thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết 52/2021…

Cuối tháng 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho phép chi 30.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động, sử dụng lao động.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, tính toán hiện quy mô các gói hỗ trợ mới đạt khoảng 2,2% GDP. Ông đánh giá đây là mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan (15,6% GDP), Malaysia (8,8% GDP), Indonesia (5,4% GDP)…

Ông cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 3-5% một năm so với lãi suất thị trường. Gói hỗ trợ bù lãi suất này sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải giáo dục…

Theo Chủ tịch VCCI, cần đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, có phân chia giai đoạn, phân chia nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp, tránh cào bằng và cần có tham vấn rộng rãi ý kiến cộng đồng DN. “Đặc biệt, cần có phương án ổn định và phục hồi thị trường lao động.

Các DN sẽ đối mặt với thách thức to lớn về lao động trong giai đoạn 6 tháng tới, vì vậy cần có ngay các gói hỗ trợ DN thu hút và đào tạo lại lao động được thiết kế dễ tiếp cận, có quy mô và mức hỗ trợ phù hợp….

“Với tình thế “sống còn”, tình trạng kiệt quệ, hiện nay của các doanh nghiệp, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét chính sách trực tiếp với mức độ hỗ trợ mạnh hơn”, ông nhấn mạnh.

Sẽ có gói hỗ trợ lớn hơn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới cộng đồng doanh nhân Việt Nam lời chúc mừng nồng nhiệt và cho rằng, đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị Trung ương 4 vừa bế mạc sáng nay đã xem xét, quyết định 2 nhóm nhiệm vụ hết sức quan trọng gồm: Kế hoạch kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách năm 2022 và kế hoạch tài chính-ngân sách 3 năm; thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi kinh tế. Quốc hội cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Kỳ họp thứ 2 dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới.

Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự luật rất quan trọng liên quan trực tiếp đến DN, doanh nhân và phục hồi kinh tế-xã hội; xem xét, quyết định các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, lao động, việc làm của người dân. Ủy ban TVQH cũng đã yêu cầu Chính phủ phải sớm có kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã phải gánh chịu qua 4 đợt dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khó khăn chỉ là tạm thời, và tin rằng các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ vượt qua để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. “Giờ là lúc thử thách bản lĩnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Thắng không kiêu, bại không nản, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, ông nhắn nhủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tuần tới sẽ làm việc với các bộ, Ủy ban của Quốc hội, tính toán chính sách tài khoá, tiền tệ, xây dựng gói hỗ trợ lớn hơn. Cụ thể, tuần tới ông sẽ làm việc với Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính ngân sách và 3 Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để rà soát lại cách thức, liều lượng sử dụng các công cụ này.

“Chúng ta sẽ tính toán chính sách tài khoá, tiền tệ để có gói hỗ trợ lớn hơn, với mục tiêu đóng góp nhiều hơn vào tái thiết kinh tế”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “đặt hàng” VCCI – đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp – có hiến kế cụ thể hơn về chiến lược tổng thể phát triển doanh nghiệp, cũng như phục hồi, phát triển kinh tế trên cơ sở chính sách tài khoá, tiền tệ. Chính phủ đang hoàn thiện để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết miễn, giảm thuế hơn 21.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Exit mobile version