Doanh thu Đạm Phú Mỹ đạt kỷ lục, hơn 19.000 tỷ đồng

Doanh thu Đạm Phú Mỹ đạt kỷ lục, hơn 19.000 tỷ đồng

Nhờ việc dự báo đúng thị trường cũng như có sự điều hành linh hoạt mà hoạt động kinh doanh của Đạm Phú Mỹ khả quan với doanh thu đạt kỷ lục.

Lý do giúp Đạm Phú Mỹ đạt nhiều kỷ lục trong kinh doanh

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội đồng quản trị Đạm Phú Mỹ – PVFCCo – Hoàng Trọng Dũng, công ty năm nay hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh – tài chính; không những vậy còn liên tiếp đạt các kỷ lục về doanh thu và lợi nhuận.

Các kỷ lục có thể kể đến là Nhà máy Đạm Phú Mỹ lần đầu đạt sản lượng khoảng 912.000 tấn ure, trong khi đó công suất thiết kế ban đầu chỉ là 740.000 tấn/năm. Doanh thu của doanh nghiệp đạt hơn 19.000 tỷ đồng cùng với khoản lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.418 tỷ đồng. Kể từ khi thành lập tổng công ty, đây là 2 mức cao nhất.

Lý giải về sự thuận lợi này, ông Hoàng Trọng Dũng cho biết, doanh nghiệp năm nay xuất khẩu được gần 200.000 tấn ure với giá tốt, gấp 4 lần so với kế hoạch cả năm. Nhờ đó, thị trường trong nước vốn có sức mua rất yếu được giảm bớt áp lực, gia tăng doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Bên cạnh đó, đóng góp vào tăng trưởng của công ty còn là bộ sản phẩm chủ lực phân bón Phú Mỹ, gồm có Đạm Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ và hàng chục công thức khác nhau cùng các sản phẩm hóa chất như NH3, CO2…

Covid-19 năm qua cùng với sự bất ổn về chính trị – kinh tế trên thế giới liên quan đến xung đột Nga – Ukraina đã khiến cho chuỗi sản xuất, cung ứng phân bón toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng. Đó là lý do khiến cho nhu cầu phân bón, nhất là urê từ Việt Nam tăng cao hơn so với các năm trước. Trên thế giới, giá phân bón cũng neo ở mức cao.

Ông Hoàng Trọng Dũng cho hay, trong bối cảnh đó, sự hoạt động ổn định của Đạm Phú Mỹ cùng các đơn vị sản xuất khác đã góp phần ổn định thị trường nội địa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bà con nông dân. Chuỗi cung ứng không bị đứt quãng, giá cũng không bị đột biến.

Đạm Phú Mỹ công bố doanh thu quý III.

Theo chia sẻ của ông Dũng, có những giai đoạn thị trường trong nước cung vượt cầu, sức mua yếu. Việc xuất khẩu lượng sản phẩm dôi dư rất quan trọng thời điểm đó. Bởi một mặt nó sẽ giảm áp lực cho thị trường trong nước, đồng thời đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước nhờ vào nhu cầu, giá phân bón tại các nước khác tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, thị trường phân bón cạnh tranh khá gay gắt khi mà tổng công suất các nhà máy sản xuất phân bón trên thế giới từ lâu đã vượt xa tổng cầu. Thêm nữa, chi phí sản xuất tăng vọt do sự bất ổn trên thế giới khiến giá sản phẩm tăng cao, sức mua tụt giảm, thêm gánh nặng cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Định hướng của PVFCCo trong tương lai

Theo nhận định của đại diện Đạm Phú Mỹ, thời gian tới, nếu tình hình thế giới ổn định lại, nguồn cung sẽ tăng, giá cả giảm, các nhà sản xuất phân bón cũng sẽ chịu áp lực lớn.

Đối với PVFCCo, thị trường trong nước vẫn là mục tiêu trong tương lai. Đây là nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực của doanh nghiệp. Hoạt động xuất khẩu sẽ tính sau. Ấn  Độ và một số nước khác là thị trường chiếm sản lượng nhiều nhất.

Trong tương lai, công ty đặt tầm nhìn phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp và hóa chất toàn cầu nhằm tạo nên chuỗi giá trị phát triển bền vững.

Cụ thể, theo ông Dũng, mục tiêu của Đạm Phú Mỹ là giữ vững vị thế nhà sản xuất phân bón số một Việt Nam, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực sản xuất – kinh doanh hóa chất cơ bản và hóa chất hóa dầu với định vị trở thành nhà sản xuất hóa chất, năng lượng xanh tiên phong tại Việt Nam.

Exit mobile version