Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành trong 9 tháng giảm đến 64%

Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành trong 9 tháng giảm đến 64%

Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành trong 9 tháng giảm đến 64%

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2021 giảm ở tất cả các ngành hoạt động. Trong đó, ngành du lịch lữ hành giảm đến 64%

Chỉ có 2 nhóm ngành doanh thu tăng trưởng

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2021 giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7%. Trong khi so với cùng kỳ năm 2020, con số này là 5,1%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng nếu xét theo ngành hoạt động, ước tính đạt 2.779,7 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2020. Từng nhóm hàng cụ thể như sau:

Nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước tính đạt 977,7 nghìn tỷ đồng. Nhóm này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nhóm ngành hàng với 35,2%, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Lý do bởi đây là nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn uống sinh hoạt hàng ngày của người dân nên vẫn duy trì ổn định. Một lý do khác là giá nhóm hàng lương thực tăng so với cùng kỳ 2020.

Nhóm hàng may mặc ước tính đạt 142,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,1%. So với cùng kỳ năm trước, nhóm này giảm 9,6%.

Ảnh: Tổng cục Thống kê.

Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 337,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,1%, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục là một trong những nhóm hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19, ước tính đạt 32,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,2%, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm phương tiện đi lại đạt 148,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,3%, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm xăng dầu các loại đạt 313,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3%, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng 2021 ước tính đạt 279,4 nghìn tỷ đồng, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, giảm 37,1%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 259,9 nghìn tỷ đồng, giảm 20,7%.

Mặc dù gần đây, hoạt động lưu trú, ăn uống tăng trưởng khá hơn so với tháng trước, kể từ khi các địa phương bắt đầu thực hiện nới lỏng dần các biện pháp giãn cách để thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên không thể cải thiện được doanh thu trong cả 9 tháng.

Ngành dịch vụ du lịch lữ hành trong tháng 9 vẫn đóng băng. Trong 9 tháng năm 2021, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước tính đạt 4,6 nghìn tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại một số địa phương lớn, doanh thu du lịch lữ hành có nhiều biến động. Trong đó, Quảng Ninh giảm 31,5%; Đà Nẵng giảm 42%; Cần Thơ giảm 45,3%; Hà Nội giảm 55,4%; Hải Phòng giảm 55,7%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 56,2%; Thừa Thiên – Huế giảm 63,1%; Bình Dương giảm 67,8%; Quảng Nam giảm 82,4%; Khánh Hòa giảm 89,5%.

Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 304 nghìn tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong 9 tháng năm 2021, doanh thu các ngành dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 33,9% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vui chơi giải trí giảm 19,3%; dịch vụ khác giảm 18,2%; dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 23,4%; dịch vụ hành chính và hỗ trợ giảm 18,1%; dịch vụ y tế giảm 0,4%.

Như vậy, xét theo ngành hoạt động, chỉ có nhóm xăng dầu và hàng lương thực thực phẩm doanh thu 9 tháng tăng.

GDP tăng trưởng âm ở một số ngành dịch vụ, 2 kịch bản tăng trưởng năm 2021

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, đánh thẳng vào các khu công nghiệp và các “đầu tàu” kinh tế như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… Chính điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ.

Một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, GDP quý 3/2021 âm là việc phải chấp nhận khi mà 25 tỉnh thành trên cả nước phải thực hiện phong tỏa, giãn cách do đây là quý mà dịch bệnh bùng phát phức tạp nhất kể từ năm 2020 tới nay.

Tuy nhiên, số liệu thống kê kinh tế 9 tháng cho thấy, nhiều ngành dịch vụ vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần tram. Ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

TS. Cấn Văn Lực còn nhận định, kinh tế đang phát triển theo mô hình chữ K nên có ngành phát triển rất tốt trong dịch bệnh như công nghệ thông tin, sắt thép… nhưng cũng có ngành giảm mạnh như du lịch, lưu trú và giáo dục.

Dự báo về tình hình kinh tế-xã hội những tháng cuối năm, ông Nguyễn Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, cho rằng với mức tăng trưởng 9 tháng 1,42% thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0% theo yêu cầu của Quốc hội và 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ đặt ra cho cả năm là khó khả thi.

Dựa vào tăng trưởng 9 tháng của năm, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 dự báo về tăng trưởng cả năm 2021. Kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,5%. Kịch bản 2, tăng trưởng GDP là 3%.

Cát Anh

Exit mobile version