Đồng Nai: Doanh nghiệp được quyền tự quyết về “3 tại chỗ”

Ngày 11/10, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản số 12419/UBND-KGVX, hướng dẫn việc thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. 

Đồng Nai chuyển sang hình thức sản xuất bình thường mới?

Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” được tự quyết định duy trì hoặc chấm dứt phương án này. Nếu tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp được hoán đổi, bổ sung lao động hoặc tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày.

Trường hợp doanh nghiệp chấm dứt “3 tại chỗ” và chuyển sang phương án để người lao động đi về hàng ngày thì doanh nghiệp cần sắp xếp lực lượng lao động phù hợp, đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Tỉnh Đồng Nai yêu cầu, người lao động đang tham gia “3 tại chỗ” trở về địa phương phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời gian 3 ngày kể từ ngày lấy mẫu.

Đồng Nai cũng quy định điều kiện sử dụng lao động, di chuyển, xét nghiệm. Người lao động được đi làm khi không ở vùng phong tỏa, cách ly y tế và đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 (sau 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 dưới 6 tháng.

Trong nội tỉnh người lao động được di chuyển đến nơi làm việc bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện đưa đón tập trung do doanh nghiệp bố trí. Khi di chuyển liên tỉnh, người lao động chỉ được đi, về bằng phương tiện đưa đón tập trung.

Văn bản yêu cầu, doanh nghiệp phải tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho người lao động trước khi vào làm việc, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp chi trả.

Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp với ngành chức năng xử lý tình huống dịch bệnh phát sinh. Các ngành chức năng của Đồng Nai có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh.

Cuối tháng 7/2021, để duy trì chuỗi sản xuất trong khi dịch Covid-19, Đồng Nai đã đề ra quy định chỉ cho phép doanh nghiệp hoạt động nếu thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Đã có gần 1.200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện phương án này với khoảng 160.000 lao động lưu trú tại công ty.

Doanh nghiệp quy mô lớn đã hoạt động trở lại

Đại diện Công ty TNHH Changshin Việt Nam, KCN Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu cho biết, Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai vừa có văn bản chấp thuận cho công ty bổ sung thêm 9.150 lao động  được đi làm trở lại sau thời gian nghỉ dịch.

Số lao động này đi về hàng ngày bằng phương tiện cá nhân, thuộc các khu vực “vùng xanh” của các địa phương, phải được tiêm vaccin ít nhất 1 mũi sau 14 ngày hoặc đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 180 ngày, có kết  quả xét nghiệm âm tính.

Trước đó, ngày 5-10, đã có 2 ngàn lao động trở lại làm việc trong ngày đầu tiên.  Đến nay, Công ty Changshin có tổng cộng hơn 11 ngàn trên tổng số 32.500 lao động được đi làm trở lại, là doanh nghiệp có lao động được đi làm lại đông nhất tỉnh đến thời điểm này. Hiện ngoài khôi phục sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động, công ty đang kích hoạt các hoạt động phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, đảm bảo sức khoẻ làm việc cho người lao động.

Trong 2 ngày: 9 và 10-10, có 320 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được chấp thuận cho hoạt động trở lại, bổ sung lao động và cho lao động đi, về hằng ngày để đảm bảo sản xuất kinh doanh. Số lao động được bổ sung và đăng ký hoạt động trở lại lên đến hàng chục ngàn người. 

Trước đó, 21 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đề xuất cho tạm dừng hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” vì sau hơn 3 tháng thực hiện phương án trên, doanh nghiệp và người lao động đều gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp tạm dừng phương án “3 tại chỗ” cho biết, sẽ cho lao động tạm nghỉ việc trong một thời gian ngắn để trở lại gia đình sau đó sẽ tiếp tục trở lại nhà máy làm việc theo phương án đi, về hằng ngày.

Hiện nay, trong các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai có trên 1,9 ngàn dự án của doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thời gian qua, dịch bệnh Covid—19 đã khiến cho hơn 520 doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải tạm dừng sản xuất.

Exit mobile version