Đồng Nai: Nhiều doanh nghiệp được quay lại sản xuất sau 3 tháng tạm dừng

Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), đơn vị vừa cấp phép cho 11 doanh nghiệp không thực hiện phương án “3 tại chỗ” được trở lại sản xuất, lao động đi về hằng ngày với số lượng 17.507 người.

Những doanh nghiệp trở lại sản xuất đợt này phần lớn là những doanh nghiệp có số lao động rất đông như Tập đoàn Phong Thái, Công ty Changshin, Công ty Pousung… Theo quy định, công nhân được trở lại sản xuất phải đáp ứng điều kiện ở các phường/xã, ấp/khu phố thuộc “vùng xanh”. Còn lao động của các vùng đỏ, cam và vàng vẫn chưa thể quay lại doanh nghiệp làm việc.

Công nhân được làm test nhanh Covid-19 trước khi vào xưởng sản xuất.

Ngoài ra, có 21 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” cũng đăng ký bổ sung phương án cho người lao động đi về hằng ngày với số lượng gần 1.500 người.

Theo ghi nhận, khoảng 8h cùng ngày, hơn 5.500 công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) đã đến công ty làm xét nghiệm COVID-19 trước khi chính thức làm việc trở lại.

Ông Lê Nhật Trường – chủ tịch công đoàn Công ty Pousung – cho biết công ty là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được chấp thuận quay lại làm việc sau gần 3 tháng tạm dừng. Trong ngày đầu tiên, công ty thuê đơn vị thực hiện test nhanh cho toàn bộ công nhân, trường hợp âm tính mới được vào xưởng sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Trường, số lao động trên chỉ chiếm hơn 20% tổng số lao động của doanh nghiệp. Vì vậy khi quay lại sản xuất với tình trạng thiếu hụt lao động, công ty phải đào tạo, bố trí lại công nhân sản xuất cho hợp lý. “Thay vì trước đây làm 3 chuyền thì bây giờ đào tạo lại, bố trí chỉ còn 1 chuyền thôi. Cho nên sẽ có rất nhiều khó khăn”, ông Trường nói.

Theo lộ trình trong thời gian tới, công ty sẽ tăng dần số lượng lao động lên 40%, 60%, 80%… song việc này phụ thuộc độ bao phủ vắc xin và việc chuyển vùng nguy cơ của các địa phương. Trường hợp địa phương nơi lao động ở chuyển từ “vùng xanh” qua vùng vàng thì buộc phải cho lao động nghỉ.

Ông Lê Đức Thụy – chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom – cho biết gần đây có tình trạng công nhân đồng loạt kéo về quê. Tuy nhiên theo ông Thụy, phần lớn trong đó là lao động tự do hoặc quê cách Đồng Nai không quá xa.

Trong khi đó, theo hướng dẫn, việc phục hồi sản xuất được nới dần từng bước một. Ông Thụy cho rằng khi các chính sách “thoáng hơn” để doanh nghiệp phục hồi sản xuất ở mức cao hơn thì lượng lao động thiếu hụt cũng có nhưng cơ bản vẫn đáp ứng được, không quá đáng lo.

Trong một diễn biến khác, ngày 5/10, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức cho hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh về quê theo nguyện vọng.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, trong ngày 5-10, số người đăng ký về quê từ các địa phương khoảng 20 ngàn người. Hầu hết người dân về quê đợt này thất nghiệp nhiều tháng qua do ảnh hưởng dịch bệnh, không có thu nhập nên tạm thời về quê để ổn định cuộc sống, tránh dịch. Khi dịch được kiểm soát, các công ty hoạt động trở lại thì họ lại tiếp tục vào để đi làm.

Trước đó, từ đầu tháng 10-2021, cũng đã có hàng chục ngàn người dân được lực lượng công an tổ chức về quê các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên.

Rõ rằng, việc các doanh nghiệp được quay trở lại sản xuất, dù ở mức độ nào đi chăng nữa cũng là tín hiệu tốt cho kinh tế Đồng Nai và đặc biệt là giúp người lao động có thêm niềm tin để ở lại thay vì đồng loạt bỏ đi.

Trong khi đó, theo báo cáo của Trung tâm chỉ huy điều hành phòng, chống dịch covid-19 tỉnh Đồng Nai, tính đến 22 giờ ngày 5/10, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 528 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 3 ca sàng lọc trong cộng đồng 123 ca trong khu phong tỏa và 402 ca trong khu cách ly.

Exit mobile version