Dòng vốn đầu tư sẽ quay ngược trở lại Việt Nam?

ViMoney: Dòng vốn đầu tư sẽ quay ngược trở lại Việt Nam?

Kỳ vọng sẽ có một sự chững lại của việc rút vốn ra khỏi thị trường mới nổi và sau đó dòng vốn đầu tư sẽ quay ngược trở lại khi nhận ra những nền kinh tế như Thái Lan, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ mở cửa kinh tế…

Dòng vốn đầu tư sẽ quay ngược trở lại Việt Nam?

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 21/3 cam kết hành động cứng rắn để chống lạm phát, cho rằng đang có nguy cơ lạm phát cao đe doạ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế từ đại dịch Covid. “Thị trường lao động đang rất mạnh, còn lạm phát thì quá cao”, ông Powell phát biểu tại một sự kiện của Hiệp hội Quốc gia Kinh tế học kinh doanh (NABE).

Những phát biểu này được người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đưa ra chỉ một tuần sau khi Fed có đợt nâng lãi suất đầu tiên trong hơn 3 năm nhằm chống lại mức lạm phát đang cao nhất 40 năm ở Mỹ.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, dưới áp lực lạm phát cùng với căng thẳng địa chính trị Ukraine leo thang, các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục rút ròng trong thời gian gần đây. Riêng tuần giao dịch gần nhất 14/3-18/3, khối ngoại đã bán ròng 1.537 tỷ đồng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF Việt Nam. Tuần liền kề trước đó, khối ngoại xả gần 5.000 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, khối ngoại xả gần 7.000 tỷ đồng, trái ngược với những dự báo xu hướng mua ròng trở lại của khối ngoại trong năm 2022.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp Đại học Bristol, Anh.

Bình luận về động thái tăng lãi suất của Fed mới đây tại chương trình Talkshow Phố Tài chính, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp Đại học Bristol, Anh cho rằng, nhìn vào diễn biến tăng lãi suất của Fed, nếu chúng ta đếm số lần dự kiến tăng 6 lần sắp tới thì có vẻ nhiều nhưng nếu nhìn về con số thật sự thì cuối năm lãi suất tăng cũng chỉ khoảng 2%. Và như vậy, chúng ta vẫn có một dư địa rất lớn, ví dụ Việt Nam theo đó mà tăng lãi suất lên hơn 1% – 1,5% so với hiện nay, sẽ không tạo ra một sức ép quá lớn với hệ thống của Việt Nam.

Ông Tuấn đánh giá sắp tới dòng vốn vào Việt Nam tương đối ổn định ở trong trạng thái lệch một năm so với các nước trong quá trình mở cửa trở lại, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng rất tốt, khoảng 6% – 6,5% và lạm phát vẫn được kỳ vọng duy trì kiểm soát ở mức 4% – 5%.

Chỉ có lưu ý là, gần đây diễn biến cuộc xung đột ở Ukraine là một tác động khác tới Việt Nam. Việt Nam là nước được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng vì độ mở của chúng ta rộng, trong trường hợp bị ảnh hưởng thì một số tổ chức dự đoán tăng trưởng có thể giảm xuống 5%, thậm chí là thấp hơn. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một vấn đề mang tính dự đoán. Và ngay cả trong trường hợp như vậy thì dòng tiền có thể sẽ chạy vào những cổ phiếu được nhà đầu tư kỳ vọng trong bất kỳ tình huống cũng sẽ tăng trưởng tốt, ví dụ như những ngân hàng có chi phí vốn rất thấp, chỉ cần kinh tế tăng trưởng 4-5% vẫn tạo ra lợi nhuận tốt.

Trong giai đoạn hai quý đầu tiên của năm 2022, Việt Nam vẫn sẽ có những tăng trưởng khả quan, bởi chúng ta mở cửa và hầu như khởi động lại rất nhiều thứ ở mặt bằng rất thấp. Ẩn số sẽ nằm ở quý III và quý IV, tùy thuộc vào các diễn biến mới khó lường từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

“Còn cho đến giai đoạn hiện nay tôi nghĩ rằng thị trường nói chung sẽ lạc quan. Về mặt dòng tiền cũng có sự rút vốn ra những thị trường mới nổi. Tuy nhiên trong những ngày gần đây khi Trung Quốc đang thay đổi quan điểm là đặt ổn định thị trường lên trên hết, những điều đó tạo ra một mức tăng rất mạnh của thị trường Trung Quốc, có những cổ phiếu tăng 40% – 50% và đã kéo lại cả thị trường và cả tâm lý của nhà đầu tư đối với thị trường mới nổi. Tôi kỳ vọng sẽ có một sự chững lại của việc rút vốn ra khỏi thị trường mới nổi và sau đó dòng vốn đầu tư sẽ quay ngược trở lại khi nhận ra những nền kinh tế như Thái Lan, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ mở cửa kinh tế”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Mùa đại hội đồng cổ đông đang đến gần, vậy nhóm ngành nào sẽ đón tin vui? Theo ông Hồ Quốc Tuấn, hầu hết các công ty cho thấy sự hồi phục khá mạnh vì họ có xuất phát điểm rất thấp của giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch trước đó như hàng không, khu vực du lịch, và ngân hàng.

Tuy nhiên có một vấn đề mà chúng ta cần lưu ý là chúng ta mở cửa lại vào thời điểm lạm phát rất cao, trong khi năm ngoái các nước họ bắt đầu hồi phục khi lạm phát chưa bật lên quá mạnh, như vậy sẽ có sự khác biệt của Việt Nam khi mở cửa trở lại lần này. Nhiều ngành đã bắt đầu cảm nhận được sức ép của lạm phát, cộng thêm xung đột hiện nay ở Ukraine đã dẫn đến nhiều bất ổn đối với giá dầu, giá nguyên liệu chung và điều này nằm ở vấn đề doanh nghiệp chứ không phải chỉ có ngành.

Từ đó sẽ khiến nhà đầu tư nhìn vào không chỉ lợi nhuận tăng lên sau khi mở cửa mà còn nhìn vào hai quý tới sẽ như thế nào. Như vậy, các kế hoạch kinh doanh sẽ là một trong những điều mà các cổ đông quan tâm rất nhiều, vì ai cũng nhìn thấy chi phí lạm phát tăng lên nhưng vấn đề là doanh nghiệp sẽ phải làm thế nào để kiểm soát, kế hoạch kinh doanh để ứng phó với lạm phát ra sao.

Exit mobile version