Libra hoàn toàn phá sản? Dự án tiền số ổn định giá của Mark Zuckerberg đi đến hồi kết!

Dưới sức nặng của quy định Mỹ, dự án tiền số ổn định giá (stablecoin) đầy tham vọng của Facebook đang bán tháo phần lớn tài sản để trả lại tiền vốn cho các nhà đầu tư.

Hiệp hội Diem (trước đây là Libra), được hỗ trợ bởi Meta (trước đây là Facebook), đang xem xét bán trọn gói các tài sản liên quan của mình để hoàn trả các khoản đầu tư cho nhà đầu tư. Diem đang nói chuyện với các chủ ngân hàng đầu tư về cách tốt nhất để bán tài sản và tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Hiệp hội này cũng giúp các kỹ sư của dự án sớm tìm bến đỗ mới.

Theo Bloomberg, Meta sở hữu khoảng một phần ba số cổ phần của Hiệp hội Diem và phần còn lại do các thành viên của hiệp hội nắm giữ. Hiện chưa rõ công ty nào đã tham gia vào Hiệp hội Diem.

Con đường phát hành stablecoin khó khăn của Zuckerberg

Hiệp hội Diem tiền thân là Libra được đề xuất vào tháng 6/2019 và có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Theo tầm nhìn ban đầu của Zuckerberg, Libra sẽ là một loại tiền số ổn định neo giá vào những đồng tiền lớn như đô la Mỹ và đồng euro. Diem kết hợp cơ sở người dùng khổng lồ của Facebook với công nghệ blockchain để tạo ra một giá trị lưu trữ mới trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số. Nhiều nhà phân tích thị trường cho rằng đây là nỗ lực của các ông lớn công nghệ nhằm thay đổi hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, kế hoạch Libra đã chạm đến nền tảng của hệ thống tài chính của các quốc gia hùng mạnh, do đó, kế hoạch này đã bị các cơ quan quản lý trên thế giới phản đối kịch liệt, và trở ngại lớn nhất đến từ Mỹ. Ngay sau đó, Libra mất đi những người ủng hộ lớn bao gồm Visa và Mastercard.

Sau đó, nhận ra rằng việc phát hành tiền số ổn định giá không hề dễ dàng, Zuckerberg chuyển trọng tâm từ việc neo vào một rổ tiền tệ sang neo một đồng tiền duy nhất là đô la Mỹ. Đồng thời, Zuckerberg chính thức đổi tên Libra thành Diem vào tháng 12/2020 và thực hiện nhiều nỗ lực mới khác nhau, cố gắng hết sức để xóa tan nghi ngờ của các nhà quản lý Mỹ.

Vào ngày 13/5/2021, Hiệp hội Diem đã công bố hợp tác chiến lược với ngân hàng Silvergate Bank (một trong những thành viên của Cục Dự trữ Liên bang) và chuyển hoạt động kinh doanh chính của mình từ Thụy Sĩ sang Mỹ, đồng thời có kế hoạch đưa toàn bộ dự án vào phạm vi điều chỉnh của Mỹ, cố gắng đơn giản hóa kế hoạch phát hành stablecoin có sự hỗ trợ của đồng USD.

Đến tháng 11 năm ngoái, các nhà quản lý Mỹ cuối cùng đã quyết định. Trong một báo cáo, cơ quan này nhấn mạnh hai điểm: thứ nhất, hệ thống tài chính hiện tại sẽ bị ảnh hưởng nếu mạng lưới người dùng khổng lồ của các công ty công nghệ đột nhiên bắt đầu giao dịch bằng các loại tiền mới; thứ hai, các công ty phát hành cũng là những gã khổng lồ công nghệ, sự kết hợp của cả hai “có thể dẫn đến tập trung quá mức quyền lực kinh tế ”.

Dưới sức nặng của quy định, triển vọng cho các nỗ lực phát hành đồng tiền ổn định đầy tham vọng của Zuckerberg mờ dần.

Không lâu sau, David Marcus,  người đứng đầu dự án tiền ảo Libra và ví điện tử Calibra, cũng quyết định ra đi sau khi gia nhập gã khổng lồ công nghệ được 7 năm. Zuckerberg cũng chọn con đường “Metaverse” để bắt đầu công việc kinh doanh thứ hai.

Stablecoin là đồng tiền số được thiết kế để giảm thiểu sự biến động giá và có thể được gán vào một loại tiền pháp định cụ thể, chẳng hạn USDT, BUSD gắn với 1 USD.  Do đó, sự biến động của stablecoin có thể thấp hơn nhiều so với các loại tiền mã hóa như Bitcoin và Ethereum.

Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) hiện được công nhận rộng rãi cũng là một loại tiền số ổn định giá, nhưng điểm khác biệt là nó là một loại tiền tệ pháp định do ngân hàng trung ương phát hành và được chính phủ xác nhận.

Exit mobile version