Dự báo tiêu thụ ngành Thép, Xi măng quý 4

ViMoney-du-bao-tieu-thu-nganh-thep-xi-mang-quy-4.jpg

Dự báo ngành Thép, Xi măng quý 4: Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao về nghiên cứu diễn biến thị trường vật liệu xây dựng. Viện Kinh tế xây dựng đã thực hiện khảo sát, thu thập thông tin của thị trường vật liệu xây dựng để tổng hợp phân tích diễn biến của thị trường vật lệu xây dựng trên cả nước Quý III/2021. Trang thông tin điện tử Viện Kinh tế xây dựng xin giới thiệu tới Quý độc giả nội dung của Báo cáo này.

Tăng trưởng kinh tế trong quý III/2021 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,36% của cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 7/2021 và tháng 8/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái: Thép cán tăng 55,9% (tháng 7) và tăng 48,3% (tháng 8; sắt, thép thô tăng 16,2% (tháng 7) và tăng 13,7% (tháng 8); khí hóa lỏng LPG tăng 12,5% (tháng 8). Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 13,4% (tháng 7) và giảm 14,3% (tháng 8); dầu mỏ thô khai thác giảm 6,8% (tháng 7) và giảm 6,2% (tháng 8); than sạch giảm 2,8% (tháng 7)

I. Diễn biến thị trường một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu trong quý III/2021 và dự báo quý IV/2021

Dự báo tiêu thụ ngành thép

Thép xây dựng

* Tình hình thị trường thép thế giới

Trong quý III/2021, các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép có xu hướng giảm trên thị trường toàn cầu khi lên đến đỉnh vào tháng 7/2021. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến tháng 7/2021 ghi nhận ở mức 214,36 USD/tấn, giảm dần 211,99 USD/tấn trong tháng 8 và đến ngày 14/9/2021 là 129,66 USD/tấn. Tính chung trong quý III/2021, giá quặng sắt trung bình là 185,34 USD/tấn, không biến động nhiều so quý II/2021 (tăng 0,7%), nhưng tăng 67,9% so với cùng kỳ năm 2020

Giá thép thanh trên sàn giao dịch Thượng Hải và sàn giao dịch kim loại London đã tăng mạnh từ quý 4/2020, lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Giá thép thế giới tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu tháng 5 (5.963 nhân dân tệ/tấn) nhưng sau đó quay đầu giảm trong tháng 6, tháng 7 và hiện đang trên đà tăng giá trong tháng 8 và tháng 9. Tính đến ngày 8/9/2021, giá thép là 5.413 nhân dân tệ/tấn. 

Tình hình thị trường thép Việt Nam

Riêng trong tháng 7, sản xuất thép các loại đạt 2,39 triệu tấn, giảm 6,48% so với tháng trước nhưng tăng 13,8% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng thép các loại đạt 2.101.200 tấn, ngang mức tháng 6/2021, nhưng tăng 7,4% so với cùng kỳ 2020; Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 658.207 tấn, tăng 5,96% so với tháng trước và tăng 55% so với cùng kỳ tháng 7/2020 về lượng

Tuy nhiên, việc tiêu thụ thép giảm mạnh trong tháng 8, do các nhiều tỉnh, thành phố (đặc biệt là thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh phía Nam) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến các hoạt động xây dựng bị đình trệ, giãn tiến độ hoặc dừng lại, chuỗi cung ứng nguyên liệu có nguy cơ bị đứt gãy.

Sản xuất thép thành phẩm tháng 8/2021 đạt 2,35 triệu, giảm 1,9% so với tháng 7/2021, tương đương với mức sản lượng cùng kỳ năm 2020; tiêu thụ thép các loại đạt 1,9 triệu tấn, giảm lần lượt 9,4% so với tháng trước và giảm 8% so với tháng 8/2020.

Trong đó, sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng tháng 8/2021 có mức sản lượng tháng gần như thấp nhất trong 5 năm gần đây. Sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 8/2021 đạt gần 714.000 tấn, giảm hơn 2% so với tháng 7/2021 và giảm 8,1% so với cùng kỳ 2020.

Tiêu thụ đạt hơn 559.000 tấn, giảm mạnh 29,31% so với tháng trước và giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất thép cuộn cán nguội tháng 8 đạt hơn 383.000 tấn, giảm 12,73% so với tháng 7/2021 và giảm 12,9% so với cùng kỳ 2020; tiêu thụ đạt gần 164.000 tấn, giảm 8,35% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ 2020.

Mặt hàng thép các loại của Việt Nam được xuất khẩu trên 30 nước trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ.

Việc xuất khẩu thép gia tăng mạnh là do nhiều thị trường vẫn đang có nhu cầu lớn với thép nhập từ Việt Nam. Đặc biệt là Trung Quốc, thép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường chủ lực này không phải nộp thuế (thuế xuất khẩu 0%).

Trong khi, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp tiếp tục được củng cố. Theo báo cáo của Cục Công Nghiệp, Bộ Công Thương, tình hình sản xuất thép năm 2020 và dự kiến năm 2021 của các đơn vị sản xuất thép ổn định và có mức tăng trưởng cao tại các doanh nghiệp có dự án mới đầu tư đi vào sản xuất (như Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần Thép Nghi Sơn), đối với các doanh nghiệp sản xuất thép không có dự án đầu tư mới, sản xuất ổn định (Tổng Công ty Thép Việt Nam; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Ngọc.

Bên cạnh đó, nhập khẩu thép về Việt Nam trong tháng 8/2021, đạt 0,9 triệu tấn với kim ngạch gần 1 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng nhưng tăng nhẹ 1,9% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước giảm 77,5% về lượng nhưng tăng 51,8% về giá trị.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thép về Việt Nam là 8,9 triệu tấn với trị giá trên 7,79 tỷ USD. Tuy nhiên, do giá thép nguyên liệu đầu vào tăng nên dù lượng thép nhập vào giảm 3,8% nhưng giá trị nhập vẫn tăng 43,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Các quốc gia cung cấp thép nhiều nhất cho Việt Nam vẫn lần lượt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Ấn Độ.

Giá thép xây dựng trong nước tăng nhanh cùng giá thép thế giới và khu vực từ quý IV/2020 đến tháng 05/2021. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2021, nhu cầu giảm khi thời tiết bước vào mùa mưa, dịch bệnh covid diễn biến phức tạp khiến nhiều công trình phải ngừng thi công do lệnh giãn cách xã hội và sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất thép hàng đầu trong nước, giá thép trong nước quý III/2021 giảm nhẹ 5-10% so với quý II/2021.

Giá thép xây dựng các loại bình quân tại các khu vực thị trường quý III/2021

Về giá thép trong 3 tháng cuối năm 2021 được dự báo dựa trên nhu cầu và ảnh hưởng diễn biến dịch Covid-19 phức tạp trên các địa phương trên cả nước, với chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm. Dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 9, các hoạt động xây dựng được phép triển khai tiếp tục trên cả nước, lượng cầu sẽ tăng trong quý IV/2021, do nguồn cung đáp ứng nên giá thép ổn định và hình thành mặt bằng giá mới.

***Điểm tin doanh nghiệp 21/10: Xi măng Hà Tiên 1(HT1) lỗ gần 20 tỷ đồng quý 3 ***

Dự báo tiêu thụ ngành Xi măng

Theo Hiệp hội Xi măng, Việt Nam đang đứng thứ 5 Thế giới về năng lực sản xuất chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga, hiện nay sản lượng sản xuất xi măng của Việt Nam đạt xấp xỉ 110 triệu tấn/năm. Sản lượng xi măng toàn ngành 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 67,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng xi măng sản xuất trong tháng 8 đạt 8,2 triệu tấn, tăng 2,6% so với tháng 7/2021 và giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 8 tháng năm 2021, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng và clinker đạt khoảng 70,77 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 43,54 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020. . Tỷ lệ tiêu thụ xi măng nội địa so với công suất chỉ đạt 62% (dự cung lớn). Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu xi măng, clinker đạt khoảng 28,73 triệu tấn, tăng 21,5% so với tháng 7/2021 và tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng trong tháng 8/2021, tiêu thụ xi măng ước đạt khoảng 9,27 triệu tấn, giảm khoảng 5 % so với cùng kỳ. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 4,97 triệu tấn, giảm 23,4% so với tháng 05/2021. Ngược lại, lượng xi măng và clinker xuất khẩu khoảng 4,31 triệu tấn, tăng 21,5% so với tháng 7/2021

Tình hình sản xuất, tiêu thụ và giá bán tại các nhà máy xi măng trong các quý năm 2020-2021

Nguyên nhân tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa giảm là do tác động của đại dịch COVID-19, trong bối cảnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động.

Bên cạnh đó, việc giá các nguyên liệu không ngừng leo thang trong thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Ngược lại, sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker tăng do tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Canada, Mỹ, Trung Quốc đã trở lại hoạt động bình thường, nhu cầu sử dụng sản phẩm xi măng tăng cao và giá xi măng tại các thị trường này cũng đang được điều chỉnh theo xu hướng tăng.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đến xấp xỉ 50% sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker do Trung Quốc giới hạn và giảm dần các nhà máy xi măng (chủ yếu vì mục đích môi trường) thay vào đó tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker có thể giúp ngành xi măng tận dụng được năng lực sản xuất trong nước và nguồn dư thừa (Tồn kho trong nước trong 8 tháng còn khoảng 2,98 triệu tấn, chủ yếu là clinker, tương đương 10-15 ngày sản xuất).

Tuy nhiên, đây không phải giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất 2 mặt hàng trên chủ yếu dựa vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo. Việc tăng xuất khẩu clinker còn làm cạn kiệt tài nguyên trong nước, gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác. Mặt khác, sản xuất xi măng và clinker tại Việt Nam đang sử dụng điện với giá thấp.

Về giá bán xi măng trong quý III/2021, do nguồn cung luôn đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nên giá xi măng cơ bản ổn định so với quý II/2021. Dự báo giá bán xi măng trong quý IV/2021, dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 9, các hoạt động xây dựng được triển khai tiếp tục trên cả nước, lượng cầu sẽ tăng trong quý IV/2021, giá xi măng ổn định trên cả 03 khu vực Bắc, Trung, Nam.

Exit mobile version