Dự báo giá xăng dầu sẽ giảm trong kỳ điều chỉnh ngày mai (21/3). Liệu có kịch bản mới cho giá xăng sau chuỗi ngày dài liên tiếp tăng giá?
Giá xăng dầu ngày mai có thể giảm
Ngày mai (21/3) sẽ là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo của Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo chu kỳ.
Giá xăng dầu thế giới gần đây có xu hướng giảm mạnh, nhưng dường như thị trường trong nước đang lệch pha. Bởi giá dầu thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước kìm lại 10 ngày (thậm chí 20 ngày) không tăng theo.
Giá dầu thành phẩm thế giới gần đây có xu hướng giảm trong bối cảnh có những tín hiệu tích cực trong đàm phán Nga-Ukraine và những lo ngại tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát ở Trung Quốc với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, có thể làm giảm lượng cầu. Cụ thể như hôm 15/3, cả giá dầu Brent và dầu thô WTI đều giảm xuống dưới 100 USD/thùng.
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương cho thấy, tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm bình quân ở mức 120,19 USD đối với xăng RON 92 và 124,12 USD/thùng đối với RON 95.
Ngoài ra, giá các loại dầu những ngày qua cũng đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, dầu diesel nhiều thời điểm về mốc 111 USD/thùng trong khi kỳ trước có thời điểm vọt lên 176 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, từ đầu năm 2022, giá xăng dầu đã tăng 25 – 40%. Ngày 11/3, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước tăng thêm gần 3.000 đồng/lít, đưa giá xăng RON 95 và E5 RON 92 lên mức cao nhất lịch sử là 29.820 đồng/lít và 28.985 đồng/lít.
Theo đó, giá cơ sở trong nước có lúc cao hơn so với giá thị trường Singapore khoảng hơn 2.000 đồng/lít với xăng và gần 5.000 đồng/lít với dầu.
Dựa vào dữ liệu nhập hàng, các doanh nghiệp xăng dầu dự đoán, kỳ điều chỉnh 21/3, giá xăng có thể giảm 1.200-1.500 đồng/lít, giá dầu giảm khoảng 2.000-2.500 đồng/lít.
So với thời điểm đầu năm, giá xăng dầu đã tăng 4.625 – 7.030 đồng/lít, kg tùy loại, trong khi đó giá thành phẩm xăng dầu thế giới biến động tăng 44 – 60% khi giá dầu leo thang.
Dự báo, trong kỳ điều chỉnh ngày 21/3, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể ra sao trong kỳ điều chỉnh ngày 21/3 đang được tính toán thêm và cũng phụ thuộc vào việc trích lập quỹ bình ổn của cơ quan điều hành.
Với thị trường hàng hóa khác, khi giá bán tăng, dân buôn sẽ ít nhiều được hưởng lợi. Đối với xăng dầu, càng lên giá thì doanh nghiệp càng bán càng lỗ. Hiện nay, trước xu hướng giảm giá rất lớn, nhiều đầu mối đẩy mạnh “xả hàng” bằng cách tăng chiết khấu.
Theo các chuyên gia, điều hành thị trường xăng dầu vừa qua đã tuân thủ Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, thị trường lại vẫn xảy ra bất ổn. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ những bất cập cả về “cách điều hành và bất cập của chính cơ chế điều hành”.
Về cung cách điều hành, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực xăng dầu cho rằng, công tác theo dõi đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu không sát thực tiễn, dự báo diễn biến thị trường (cung – cầu – giá cả) thiếu sát thực tế dẫn đến việc điều hành thiếu chủ động, chưa linh hoạt, thiếu các kịch bản ứng phó thích hợp với những đột biến xảy ra.
Một vấn đề nổi cộm khác hiện nay là cơ chế điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày. Nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ lễ tết thì lùi sang kỳ điều hành giá tiếp theo (20 ngày). Quy định đó làm cho giá trong nước lệch pha với giá thị trường thế giới. Giá thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước kìm lại 10 ngày (thậm chí 20 ngày) không tăng theo.
Theo đề xuất, chu kỳ điều hành giá cần thay đổi theo hướng phù hợp với biến động của thị trường, có thể 3-5 ngày.
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 20/3, giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 28.985 đồng/lít,
- Xăng RON 95 không cao hơn 29.824 đồng/lít,
- Dầu diesel không cao hơn 25.268 đồng/lít,
- Dầu hỏa không cao hơn 23.918 đồng/lít,
- Dầu mazut không cao hơn 20.987 đồng/kg.