Dự thảo tiêu chuẩn giám định viên tư pháp lĩnh vực tài chính

Dự thảo tiêu chuẩn giám định viên tư pháp lĩnh vực tài chính

Theo dự thảo, giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính phải hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực tài chính đủ 5 năm trở lên.

Tiêu chuẩn xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

Theo dự thảo, những người thuộc giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm: Giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; giám định tư pháp về chứng khoán; giám định tư pháp về giá; giám định tư pháp về thuế; giám định tư pháp về tài sản công; giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp; giám định tư pháp về hải quan; giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc cũng được nêu rõ trong dự thảo. Theo đó, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp.

Không thuộc trường hợp không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp.

Có trình độ đại học trở lên. Được đào tạo tại cơ sở giáo dục của Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc được đào tạo tại cơ sở giáo dục nước ngoài, được công nhận tại Việt Nam.

Thời gian hoạt động chuyên môn từ đủ 5 năm trở lên trong lĩnh vực tài chính, tính từ thời điểm bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động.

Trong trường hợp người không có trình độ đại học, nhưng được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu trong lĩnh vực quy định, có từ 5 năm kinh nghiệm thực tế trở lên trong lĩnh vực đó có thể được chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

Thời hạn giám định tư pháp không quá 3 tháng

Theo dự thảo quy định, thời hạn giám định tư pháp tối đa không quá 3 tháng đối với một nội dung quy định.

Trong trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn. Trong đó bao gồm cả trường hợp giám định vụ việc có từ 2 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực tài chính trở lên, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, thời hạn giám định tối đa được quy định không quá 4 tháng.

Cơ quan trưng cầu giám định có thể ra quyết định gia hạn thời hạn giám định tư pháp, nhưng không quá 1/2 thời hạn giám định tối đa nêu trên.

Được biết, công tác giám định tư pháp nói chung và công tác giám định trong lĩnh vực tài chính nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ sau hơn 8 năm thực hiện Luật Giám định tư pháp (năm 2012), mới đây là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ Tài chính đã hình thành đội ngũ đông đảo các giám định viên. Tính đến ngày 15/9/2021, Bộ có 1.993 giám định viên tư pháp và 88 người giám định theo vụ việc.

Các giám định viên của Bộ Tài chính đã góp phần cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra những kết luận giám định khách quan, đúng đắn… giúp việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm minh và đúng pháp luật, tránh oan sai.

Công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính cũng giúp các bị cáo, người bị hại, đương sự bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của mình trong các vụ án dân sự, hình sự, hành chính.

Cát Anh

Exit mobile version