Đức đẩy mạnh nhập khẩu than từ Colombia

Đức đẩy mạnh nhập khẩu than từ Colombia

Colombia là quốc gia thứ tư đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp than cho Đức năm 2021. Đức đang đẩy mạnh nhập khẩu than từ nước này.

Gián đoạn nguồn cung vì căng thẳng Nga – Ukraine

Xung đột Nga – Ukraine đã khiến cho nguồn cung nhiều mặt hàng trên thế giới bị gián đoạn, đặc biệt là dầu, than…

Kể từ đó, Đức đã tìm kiếm giải pháp thay thế nguyên liệu thô hóa thạch đến từ Nga. Hiện nay, Colombia được xem là nhà cung cấp thay thế của Đức. Đây là quốc gia hiện sở hữu một trong những mỏ than lớn nhất thế giới.

Dù năng lượng gió và Mặt Trời được mở rộng nhưng nguồn điện từ than cứng vẫn chiếm 9% tổng sản lượng điện ở Đức. Do đó, khi Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhập khẩu than từ Nga, Chính phủ liên bang Đức đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế trên khắp thế giới.

Colombia là đất nước cung cấp than quan trọng thứ tư đối với Đức trong năm 2021 sau Nga, Mỹ, Australia. Tổng lượng than cứng nhập khẩu tại nước này là 5,7%, tương đương 2,3 triệu tấn.

Nhập khẩu than tại Đức tăng mạnh, Tổng thống Colombia xem xét tăng xuất khẩu than

Được biết, mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm với ông Iván Duque – Tổng thống Colombia. Nhà lãnh đạo Colombia cho biết đang xem xét về việc tăng xuất khẩu than sang Đức, mục đích để tăng cường an ninh năng lượng cho nền kinh tế đầu tầu của châu Âu.

Từ đầu năm 2022, sản lượng than mà Đức nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ đã tăng mạnh. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, nhập khẩu than từ Colombia tăng 62% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,1 triệu tấn.

Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị đứt gãy, nhu cầu nhập khẩu than khả năng sẽ tiếp tục tăng lên. Nếu thực sự xảy ra trường hợp này, Bộ Kinh tế Đức muốn tạm thời vận hành trở lại nhiều nhà máy nhiệt điện than ở nước này.

Mỏ than El Cerrejón nằm ở phía Bắc Colombia có diện tích khoảng 690km2, là mỏ than cứng lộ thiên lớn nhất khu vực Mỹ Latinh. Công ty Thụy Sĩ Glencore đang khai thác mỏ này, sản lượng khai thác năm ngoái là 23,4 triệu tấn than. Toàn bộ số than khai thác đều được mang đi xuất khẩu.

Exit mobile version