Đức: Lạm phát đạt “đỉnh” trong 28 năm

Lạm phát tại Đức đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1993.

Lạm phát tăng đều đặn từ đầu năm

Theo số liệu được Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 13/10, trong tháng 9/2021, lạm phát tại Đức đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1993.

Destatis cho biết, lạm phát của Đức đã tăng đều đặn kể từ đầu năm, một phần là do việc áp dụng thuế carbon và kết thúc đợt cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) kéo dài 6 tháng cuối năm 2020 nhằm giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Năm ngoái, Chính phủ liên bang Đức đã quyết định giảm thuế VAT nửa cuối năm với 2 mức tương ứng từ 19% xuống còn 16% và từ 7% xuống 5%.

Giới phân tích dự báo tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có thể chạm mốc 5% trong năm 2021, song tình trạng này sẽ không kéo dài và có khả năng giảm trong năm 2022 tới.

Trước đó, Destatis cho biết giá bán buôn ở Đức trong tháng 9 vừa qua đã tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời gần chạm mốc cao nhất (13,3%) kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1974. Xu hướng tăng giá bán buôn cũng đã được ghi nhận trong nhiều tháng qua khi tỷ lệ lạm phát đạt mức 12,3% trong tháng 8 và 11,3% trong tháng 7. Nguyên nhân giá bán buôn tăng cao so với cùng thời điểm một năm trước xuất phát từ việc giá nguyên liệu thô và các sản phẩm trung gian tăng mạnh, đồng thời chịu tác động bởi hiệu ứng từ mức giá thấp trong những tháng trước.

Theo Destatis, giá năng lượng đã tăng 14,3% trong tháng 9. So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu sưởi và nhiên liệu động cơ tăng lần lượt 76,5% và 28,4%. Ông Christoph-Martin Mai, người đứng đầu bộ phận giá tiêu dùng tại Destatis cho biết, mức phí carbon được áp dụng vào đầu năm đã khiến giá năng lượng tăng cao.

Châu Âu có đang lo lắng?

Theo dữ liệu sơ bộ từ văn phòng thống kê Eurostat của châu Âu, lạm phát khu vực đồng euro đạt mức 3,4% vào tháng trước. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2008, khi lạm phát đạt 3,6%.

Lạm phát tăng do giá năng lượng tăng cao, làm các nhà hoạch định chính sách thêm quan ngại. Chỉ số giá xăng giao ngay tại trung tâm TTF của Hà Lan, một chỉ số tiêu chuẩn của châu Âu, đã tăng gần 400% kể từ đầu năm. Đợt tăng giá năng lượng kỷ lục này sẽ không sớm kết thúc. Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo sự bất an của thị trường có thể kéo dài suốt mùa đông.

Pháp đã là quốc gia mới nhất thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu chi phí cho người tiêu dùng. Thủ tướng Jean Castex cho biết hôm thứ năm (30/9), rằng chính phủ sẽ ngăn chặn việc tăng giá điện và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, trước khi các biện pháp này có hiệu lực, giá xăng tăng 12,6% hôm thứ sáu (1/10). Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha cũng đã triển khai các biện pháp để giải quyết tình trạng tăng giá.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã nhiều lần cho rằng, tình trạng giá tăng gần đây ở nhiều nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ là hậu quả tạm thời của sự gián đoạn kinh tế và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn do tình trạng khủng hoảng y tế toàn cầu gây ra.

Tại cuộc họp chính sách vừa qua, ECB quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,5%. Các thống đốc ECB cũng nhất trí giữ nguyên chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro.

Bên cạnh đó, ECB đã nâng mục tiêu lạm phát từ mức “thấp hơn nhưng gần 2%” lên mục tiêu 2% trong trung hạn, có nghĩa là cho phép lạm phát ở một số thời điểm có thể vượt quá mức trên dù “không mong muốn”.

Bà Lagarde đánh giá nền kinh tế Eurozone đang phục hồi sau cuộc đại suy thoái về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra nhờ chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đang được triển khai rộng rãi. Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh, nền kinh tế của khu vực sẽ quay trở lại mức trước đại dịch trong quý I/2022.

Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục và sức ép lạm phát đang kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Bà Gita Gopinath, cố vấn kinh tế và giám đốc nghiên cứu của IMF, thúc giục các ngân hàng trung ương nên chuẩn bị hành động nhanh chóng nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở nên hữu hình hơn trong quá trình phục hồi kinh tế.

Sự mất cân bằng về cung cầu đã khiến giá tăng và đẩy lạm phát lên mức cao. IMF dự báo vào năm 2022 lạm phát sẽ trở lại mức trước khi bùng phát dịch nhưng cũng cảnh báo tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài có thể làm thay đổi các dự báo về lạm phát.

Tổ chức này kêu gọi các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang (FED) Mỹ nên sẵn sàng thắt chặt chính sách trong trường hợp lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.

Exit mobile version