Đức Long Gia Lai bị VietinBank siết nợ

Đức Long Gia Lai bị VietinBank siết nợ

Trong tháng 9, Vietinbank sẽ xử lý khoản nợ có tài sản đảm bảo của Đức Long Gia Lai.

Vietinbank xử lý nợ của Đức Long Gia Lai trong tháng 9

Theo thông báo của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), khoản nợ có tài sản đảm bảo của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã chứng khoán: DLG) sẽ được xử lý ngay trong tháng 9.

Theo đó, tài sản xử lý gồm có quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (diện tích 3.180 m2) cùng với toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của Dự án Bến xe khách liên tỉnh.

Giá bán/chuyển nhượng tối thiểu đối với tài sản này là hơn 48,28 tỷ đồng. Số tiền thu được, toàn bộ sẽ được sử dụng để thanh toán nợ vay của khách hàng tại VietinBank. Quá trình xử lý tài sản, người mua và bên bảo đảm sẽ tự thỏa thuận, thanh toán đầy đủ mọi chi phí phát sinh liên quan.

Ngân hàng VietinBank cho hay đối tác quan tâm có thể gửi văn bản đề nghị mua tài sản trong thời gian xử lý. Văn bản nêu rõ mức giá cũng như thời gian thanh toán cụ thể. Để thực hiện chuyển nhượng tài sản cho người mua có phương án chuyển nhượng khả thi cũng như trả giá cao nhất, ngân hàng sẽ phối hợp với bên có tài sản.

Đức Long Gia Lai hoạt động kinh doanh ra sao?

Tập đoàn đa ngành Đức Long Gia Lai hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất linh kiện điện tử, bất động sản, hạ tầng giao thông, năng lượng…

CTCP Bến xe liên tỉnh phía Nam Thành phố Đà Nẵng (trước là CTCP Đức Long Đà Nẵng) là công ty con của tập đoàn. Tỷ lệ góp vốn của Đức Long Gia Lai tại đây lên đến 100%, tuy nhiên, tỷ lệ biểu quyết chỉ ở mức 85%.

Hoạt động kinh doanh của “đại gia phố núi” đang đối mặt với nhiều thách thức, thể hiện ở việc, doanh thu nửa đầu năm ghi nhận sụt 20%, còn 723 tỷ đồng. Doanh nghiệp bị rơi vào cảnh lỗ khủng 361 tỷ đồng vì chi phí hoạt động cao đẩy, khi mà cùng kỳ vẫn lãi 23 tỷ đồng.

Theo lý giải của tập đoàn, đại dịch kéo dài khiến cho chi phí đầu vào tăng vọt, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Trong khi đó, mảng nông nghiệp không còn nguồn, việc tăng trích lập dự phòng công nợ quá hạn khiến chi phí quản lý tăng lên.

Kiểm toán còn nhấn mạnh về việc tập đoàn đang lỗ lũy kế 1.221 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản nợ ngắn hạn lại vượt quá tài sản ngắn hạn. Đặc biệt, nhiều khoản vay nợ rơi vào cảnh quá hạn thanh toán, tổng ước tính lên tới 1.863 tỷ đồng. Do đó, khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp bị nghi ngờ đáng kể.

Kế hoạch và mục tiêu năm 2022-2023 đã được Đức Long Gia Lai đưa ra. Theo đó, tập đoàn sẽ tập trung phối hợp với ngân hàng cũng như tổ chức tín dụng đưa ra phương án xử lý nợ, tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng tài sản.

Doanh nghiệp cũng đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo nhằm tìm kiếm đối tác huy động vốn hoặc chuyển nhượng một phần các dự án, hướng đến tất toán nợ gốc quá hạn chậm nhất đến cuối năm 2023, miễn toàn bộ lãi phát sinh và lãi phạt quá hạn.

Exit mobile version