Chính phủ Đức ngày 22/7 tung một gói cứu trợ trị giá 15 tỷ Euro, tương đương 15,28 tỷ USD giải cứu Uniper sau khi công ty nhập khẩu khí đốt khổng lồ này trở thành “nạn nhân” lớn nhất của cuộc chiến năng lượng giữa châu Âu với Nga.
Uniper – nạn nhân mới nhất trong cuộc khủng hoảng khí đốt Châu Âu
Theo một gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp Đức, chính phủ sẽ mua 30% cổ phần của Uniper, giảm tỷ lệ sở hữu của công ty mẹ Phần Lan là Fortum xuống 56% từ gần 80% sau nhiều tuần đàm phán khó khăn. Chính phủ Đức sẵn sàng cung cấp thêm các gói hỗ trợ nếu như các khoản thua lỗ của Uniper vì thiếu nguồn cung khí đốt vượt mốc 9 tỷ USD, cổ đông lớn Fortum cho biết.
Sau gói giải cứu này, Uniper, Fortum và chính phủ Đức sẽ cùng nhau bàn bạc để tìm ra giải pháp lâu dài hơn. Các bên dự định đạt thỏa thuận về việc này vào cuối năm 2023.
Giám đốc điều hành Fortum Markus Rauramo cho biết: “Chúng ta đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, đòi hỏi phải có các biện pháp mạnh mẽ. Chúng tôi bị thúc đẩy bởi sự cấp bách và sự cần thiết phải bảo vệ an ninh nguồn cung của châu Âu trong thời kỳ xung đột bất ổn.”
Sau khi được cứu khỏi bờ vực sụp đổ, Uniper sẽ đẩy một phần giá khí đốt tăng thêm về phía người tiêu dùng trong những tháng tới đây. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng sự tăng giá khí đốt này sẽ được bù đắp bởi các biện pháp phúc lợi tăng cường, nhằm bảo vệ những gia đình nghèo hơn.
Gói cứu trợ trên cho thấy cuộc xung đột Nga-Ukraine có tác động tiêu cực ảnh hưởng như thế nào đối với các chính phủ trên khắp châu Âu khi họ phải vật lộn với chi phí năng lượng tăng vọt và lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong những tháng nhu cầu cao điểm.
Thông báo về thỏa thuận liên quan tới Uniper, Thủ tướng Đức Olaf Scholz xác nhận, nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu của Đức đang “gặp khó khăn lớn”. “Uniper có tầm quan trọng hàng đầu với phát triển kinh tế của đất nước, với cung cấp năng lượng cho cá nhân người dân cũng như nhiều doanh nghiệp” – ông Scholz nhấn mạnh.
Khí tự nhiên chiếm khoảng 27% tổng năng lượng các loại của Đức. Trước khi Nga bắt đầu “chiến dịch” ở Ukraine, hơn một nửa (55%) lượng khí đốt tiêu thụ ở Đức được nhập khẩu từ Nga. Nga hiện đã nối lại nguồn cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu thông qua Đức, mở lại đường ống dẫn khí Nord Stream sau 10 ngày, dù ở công suất thấp hơn.
Tuy nhiên, điều này dường như chưa đủ để giải quyết những lo lắng về năng lượng cấp bách của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.