3 ngân hàng thuộc nhóm Big 4 đã ra nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động sau khi hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần thay đổi biểu lãi suất huy động.
3 ông lớn trong nhóm Big 4 bước chân vào cuộc đua tăng lãi suất
Biểu lãi suất huy động mới chính thức được 3 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Agribank, BIDV, VietinBank công bố vào ngày 27/10. So với lần điều chỉnh lãi suất huy động gần nhất thì thay đổi này diễn ra đúng tròn 1 tháng. So với trước khi điều chỉnh, mức tăng trong lần thay đổi này là từ 0,7-1%.
Đối với tiền gửi không kỳ hạn tại BIDV và VietinBank, mức lãi suất vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, tại Agribank, lãi suất không kỳ hạn đã tăng từ 0,3% lên 0,5%/năm.
3 ngân hàng trên đều tăng lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng lên mức 4,9-5,4%/năm. Còn đối với kỳ hạn 6-9 tháng, ngân hàng đang trả lãi cao nhất, lên tới tối đa 6,1%/năm là BIDV và Agribank. Đối với kỳ hạn 12 tháng, 3 ngân hàng đồng loạt tăng 1% so với một tháng trước, niêm yết ở mức 7,4%/năm.
Từ chiều 25/10, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất ở các kỳ hạn với mức phổ biến 0,2-1,2%. Lãi suất tiền gửi 1 và 3 tháng tại quầy của SCB, NamABank, Kienlongbank, BacABank, NCB, GPBank, SHB, VietCapitalBank, Techcombank và LienVietPostBank kịch trần, ở mức 6%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, gần một nửa ngân hàng trong hệ thống như VPBank, Techcombank, Sacombank, OCB, SHB, LienVietPostBank chi trả mức lãi suất trên 7%/năm. Trong khi đó, SCB, NCB, Kienlongbank, Vietcapital Bank đưa ra mức lãi suất lên tới trên 8%/năm. Thậm chí, mức lãi suất của SCB đưa ra cao nhất, lên tới 8,7%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, SCB áp dụng mức lãi suất lên tới 9,15%/năm ở kênh online; Vietcapital Bank và Kienlongbank áp dụng mức 8,6%/năm; NCB áp dụng mức 8,4%/năm; VietABank áp dụng mức 8,35%/năm; Baoviet Bank là 8,3%/năm…
SCB đang là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất thị trường là 9,3%/năm, áp dụng cho toàn bộ khoản tiền gửi kỳ hạn trên 15 tháng ở kênh online.
Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh lãi suất điều hành
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cuối ngày 24/10 đã thông báo về việc điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 25/10.
Theo đó, với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất tối đa tăng từ mức 0,5% lên 1% một năm. Với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất từ 5% lên 6% một năm. Đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, lãi suất tối đa từ 5,5% lên 6,5% một năm.
Ngân hàng vẫn là đơn vị ấn định lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, dựa trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.
Như vậy, sau 2 lần điều chỉnh gần đây, hiện trần lãi suất huy động dưới 6 tháng đã quay về mức trước dịch, tương đương thời điểm năm 2014. Ngoài ra, các lãi suất điều hành khác cũng có sự thay đổi.
Chia sẻ trên Dân trí, theo dự báo của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất sẽ còn tăng tiếp. Nhưng ông cũng đưa ra cảnh báo, khách hàng nên thận trọng đối với những ngân hàng có lãi suất cao.