E-Logistics toàn cầu ước tính đạt 233,7 tỷ USD

Theo báo cáo mới nhất của Research And Markets, trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường E-Logistics toàn cầu ước tính đạt 233,7 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến đạt quy mô 861,4 tỷ USD vào năm 2027, tăng trưởng với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hằng năm kép) là 20,5% trong giai đoạn 2020-2027.

E-Logistics sẽ tăng trưởng nhanh

Cũng theo báo cáo này, dịch vụ vận tải toàn cầu dự kiến ghi nhận tốc độ CAGR là 21,1% và đạt 582 tỷ USD vào năm 2027. Sau khi phân tích tác động của đại dịch đến nền kinh tế, Research And Markets điều chỉnh tăng trưởng CAGR trong mảng dịch vụ kho bãi & phân phối là 19,2% trong giai đoạn 2020-2027.

Đặc biệt, thị trường E-Logistics Mỹ được ước đạt 69,4 tỷ USD, trong khi Trung Quốc được dự báo tăng trưởng với CAGR 19,6%, đạt quy mô thị trường 147,3 tỷ USD trong giai đoạn nghiên cứu. Bên cạnh đó, Nhật Bản, Canada và Đức được dự báo tăng trưởng lần lượt ở mức 18,4%, 17,6% và 15%.

E-Logistics là công cụ liên kết mọi hoạt động của chuỗi giá trị toàn cầu, bao gồm: Sản xuất, cung cấp, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường. Nó có vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chu trình lưu chuyển từ khâu đầu vào đến đầu ra trong sản xuất. Chính vì vậy, E-Logistics đang thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế hiện nay.

Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hóa, sự cạnh tranh kinh tế khốc liệt giữa các quốc gia trên thế giới trở nên mạnh mẽ hơn. E-Logistics có khả năng trở thành lợi thế cho các quốc gia nếu biết sử dụng và áp dụng dịch vụ này. Các hệ thống hạ tầng, giao thông đường bộ, cảng hàng không, kho bãi cho thuê, hạ tầng trung tâm thương mại, logistics vẫn đang không ngừng mở rộng quy mô và ngày càng được cải thiện nhiều hơn.

Tiềm năng ở Việt Nam cũng rất lớn

Theo Redseer1, 86% người tiêu dùng Việt sẽ duy trì hoặc gia tăng mua sắm trực tuyến hậu Covid-19, mở ra tiềm năng cho e-logistics.

Liên quan tới bán lẻ hàng hóa trực tuyến, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, sản lượng bưu phẩm gửi qua dịch vụ chuyển phát đã tăng 47% trong năm 2020. Các doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu đều tăng trưởng lượng đơn từ 30-60%, trong đó có Ninja Van – một công ty e-logistics có vốn đầu tư từ Singapore, công ty này tăng trưởng 200% (tăng ba lần so với năm 2020).

VECOM cũng cho biết, quy mô thương mại điện tử đã tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm suốt giai đoạn 2016-2019, từ 4 tỷ USD năm 2015 lên 11,5 tỷ USD năm 2019. Đà tăng sẽ duy trì ở mức 29% trong giai đoạn 2020-2025, vươn lên 52 tỷ USD vào 2025.

Là ngành hậu cần của thương mại điện tử (e-commerce), triển vọng e-logistics gắn với tốc độ tăng trưởng của thị trường e-commerce. Ước tính chi phí vận chuyển chiếm tầm 10% doanh thu của doanh nghiệp, quy mô vật lý của thị trường e-logistics cũng trị giá hàng tỷ đô, theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ.

Báo cáo “Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021” của Agility xếp hạng Việt Nam ở top 8 thị trường logistic tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Với sức hấp dẫn này, cuộc đua e-logistics (dịch vụ hậu cần thương mại điện tử) trong nước ngày càng sôi nổi với nhiều doanh nghiệp năng động.

Trong cuộc đua này, thương hiệu nội địa hiện chiếm 20% thị phần logistics. 80% dòng chảy hàng hoá còn lại nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại với lợi thế vốn lẫn công nghệ, trong đó có Ninja Van Group đến từ Singapore. Đơn vị này vừa huy động thành công 578 triệu USD trong vòng series E và đang dự tính kế hoạch IPO vào năm tới.

Ninja Van đánh giá Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” cho e-logistics phát triển. Do đó, 578 triệu USD sẽ được phân bổ cho Đông Nam Á, bao gồm thị trường trọng điểm Việt Nam. Ông Phan Xuân Dũng – Giám đốc Kinh doanh Ninja Van Việt Nam, cho biết sau series E công ty sẽ thực hiện chiến lược đầu tư tham vọng hơn trên cả ba lĩnh vực vận hành, hệ thống kỹ thuật, hệ sinh thái cho khách hàng nhỏ và lẻ.

Exit mobile version