Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine tiếp tục căng thẳng và tâm lý e ngại rủi ro cao đã khiến giá dầu tăng.
Ngày 1/3, khi xung đột ở Ukraine gia tăng và các lệnh trừng phạt chống lại Nga mở rộng, thị trường toàn cầu đã trải qua một đợt biến động mới. Hợp đồng tương lai của chứng khoán Mỹ giảm cùng với chứng khoán toàn cầu, giá trái phiếu tăng vọt và giá dầu tăng mạnh.
S&P 500 kỳ hạn giảm 0,3%, chỉ số Dow tương lai giảm 0,4%, Nasdaq kỳ hạn giảm 0,4%. Biến động trên thị trường diễn ra trong bối cảnh hình ảnh vệ tinh được chụp ngày 27/2 cho thấy các lực lượng trên mặt đất của Nga đang di chuyển về hướng thủ đô Kyiv của Ukraine.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu tăng mạnh: dầu thô WTI đã vượt 100 USD / thùng – mức cao nhất trong 7 năm. Giá dầu tăng đang đặt ra nhiều áp lực lên lạm phát vốn đã chạm đỉnh của Mỹ và châu Âu.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 7 điểm cơ bản xuống 1,770%, mức thấp nhất kể từ tháng 1 và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm 6 điểm cơ bản xuống 1,365%.
Trái phiếu trên khắp châu Âu tăng mạnh, với lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức lần đầu tiên giảm xuống dưới 0. Lợi suất thay đổi trái ngược với giá của trái phiếu do đó, sự sụt giảm của lợi suất cho thấy dòng tiền đang đổ xô vào trái phiếu làm tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán hỗn loạn.
Trên thị trường cổ phiếu, cổ phiếu tài chính dẫn đầu nhóm cổ phiếu sụt giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3, cụ thể, Bank of America giảm 2%, Citigroup giảm 1,8% và Charles Schwab giảm 1,5%.
Nga và Ukraine đã kết thúc vòng đàm phán thứ nhất ở Belarus vào ngày 28/2 và các nước phương Tây tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Visa và Mastercard mới đây tuyên bố sẽ chặn nhiều định chế tài chính của Nga khỏi mạng lưới của mình. Động thái này nhắm đáp ứng tuân thủ với các lệnh trừng phạt mà chính phủ Mỹ đang áp dụng với Nga.
Chỉ số VanEck Russia ETF đã giảm 30% trong phiên giao dịch ngày 28/2 và tiếp tục giảm đến 12% trong phiên giao dịch ngày 1/3. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nga mới đây đã tăng gấp đôi lãi suất cơ bản của nước này từ mức 9,5% lên 20% khi đồng rúp thấp kỷ lục so với đồng USD sau loạt trừng phạt từ phương Tây.