EU sẽ cấm khai thác Bitcoin?

Erik Thedéen, Phó chủ tịch Cơ quan Thị trường và Chứng khoán Châu Âu, cảnh báo rằng sẽ thật trớ trêu khi một lượng lớn năng lượng tái tạo sẽ được sử dụng để khai thác Bitcoin mà không có sự can thiệp.

Sau lệnh cấm khai thác tiền ảo của Trung Quốc vào năm ngoái, các cơ quan quản lý của EU cũng đang kêu gọi cấm các mô hình khai thác tiền điện tử tiêu tốn nhiều năng lượng.

Cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của EU đã gia hạn lời kêu gọi cấm đối với phương thức khai thác Bitcoin chính trên toàn EU. Erik Thedéen, Phó chủ tịch Cơ quan Thị trường và Chứng khoán Châu Âu, nói rằng khai thác Bitcoin đã trở thành một “vấn đề quốc gia” ở Thụy Điển, đồng thời cảnh báo rằng tiền điện tử gây ra rủi ro trong việc đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu của Thỏa thuận Paris.

Thedéen cho biết các nhà quản lý châu Âu nên xem xét cấm mô hình khai thác “PoW” (Proof of Work) và thúc đẩy ngành chuyển sang mô hình “PoS” (Proof of Stake) ít tiêu tốn năng lượng hơn để giảm mức sử dụng điện năng của ngành.

Các nhà chức trách Thụy Điển cảnh báo rằng ngày càng có nhiều năng lượng tái tạo được sử dụng để khai thác tiền điện tử

Mô hình Proof of Work thường bị chỉ trích vì gây ảnh hưởng tới mô trường bởi tiêu tốn nhiều năng lượng.

Hiện tại, hai loại tiền điện tử có khối lượng giao dịch lớn nhất là Bitcoin và Ethereum đang áp dụng mô hình khai thác PoW, mô hình này yêu cầu tất cả những người tham gia vào sổ cái kỹ thuật số blockchain phải xác minh các giao dịch. Vấn đề lớn nhất với mô hình này là tiêu thụ năng lượng rất lớn.

Vào tháng 9/2021, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cấm ngành công nghiệp khai thác tiền mã hóa. Tại Iceland, công ty điện lực quốc gia của đất nước, Landsvirkjun, cho biết họ sẽ từ chối những người khai thác tiền mã hóa.

Theo Blockchain.com, khai thác tiền điện tử đã trở thành một ngành kinh doanh sinh lợi và cạnh tranh, với mức năng lực tính toán kỷ lục dành riêng cho quy trình này.

Chỉ số tiêu thụ điện Bitcoin của Cambridge cho thấy hoạt động khai thác Bitcoin chiếm 0,6% tổng mức tiêu thụ năng lượng của thế giới, tiêu thụ nhiều điện hơn Na Uy mỗi năm.

“Giải pháp là vô hiệu hóa phương thức PoW, hồ sơ tiêu thụ năng lượng của phương thức PoS thấp hơn nhiều,” Thedéen nói. 

Ý tưởng cấm hoạt động này lần đầu tiên được đưa ra bởi các nhà chức trách Thụy Điển vào tháng 11 năm ngoái khi ngày càng có nhiều năng lượng tái tạo được sử dụng để khai thác tiền điện tử, đồng thời họ tuyên bố rằng “lợi ích xã hội của các loại tiền điện tử là đáng nghi ngờ”.

Cơ quan quản lý Thụy Điển trích dẫn ước tính từ Đại học Cambridge, cũng nhấn mạnh rằng việc khai thác một đơn vị Bitcoin tiêu thụ lượng năng lượng tương đương với việc lái một chiếc ô tô điện cỡ trung bình 1,8 triệu km.

Thedéen cảnh báo rằng nếu không có sự can thiệp, sẽ thật trớ trêu khi rất nhiều năng lượng tái tạo sẽ được sử dụng để khai thác Bitcoin.

Tại Mỹ, các nhà lập pháp cũng đang nghiên cứu tác động của năng lượng tiêu thụ khi khai thác Bitcoin. Vào ngày 20/1, Tiểu ban Giám sát và Điều tra của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Mỹ đã tổ chức một buổi điều trần công khai để tìm hiểu hậu quả của việc tiêu thụ năng lượng do hoạt động khai thác tiền điện tử gây ra.

Đáng chú ý, Ethereum cho biết họ sẽ chuyển sang mô hình PoS tiêu thụ năng lượng thấp hơn vào tháng 6. Việc chuyển sang PoS sẽ cho phép người dùng xác thực các giao dịch theo số lượng đồng tiền mà họ nắm giữ, thay vì các giàn khai thác sử dụng nhiều năng lượng hiện nay.

Exit mobile version