China Evergrande hay câu chuyện buồn của những “Chúa nợ”

China Evergrande hay câu chuyện buồn của những "Chúa nợ"

Áp lực nhà đầu tư đè nặng lên cổ phiếu China Evergrande, chính phủ Bắc Kinh hối thúc ông chủ Hui Ka Yan chia sẻ khó khăn bỏ tiền túi để góp phần trả nợ.

Cổ phiếu Evergrande giảm mạnh không phanh

Mất hoàn toàn gần 80% giá trị kể từ đầu năm, cổ phiếu của Tập đoàn China Evergrande (3333.HK) và đơn vị xe điện (0708.HK) tiếp tục giảm vào đầu ngày thứ Tư (27/10) khi nhà hoạch định của Trung Quốc kêu gọi các công ty lớn chủ động “tối ưu hóa” trả nợ nước ngoài.

Evergrande và China Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd đều giảm dưới 1% vào lúc 0155 GMT. Chỉ số Hang Seng (.HSI) giảm 1,7%.

Trụ sở của China Evergrande Group ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Ảnh REUTERS)

Tập đoàn China Evergrande đang quay cuồng với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, bùng nổ sự lo ngại về khả năng ảnh hưởng của nó đến thị trường toàn cầu. Vào cuối ngày thứ Ba |(26/10), Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết họ và cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước đã gặp các tổ chức phát hành nợ nước ngoài cùng họp bàn mục đích và “cùng duy trì trật tự chung của thị trường”.

Trong động thái khác, Evergrande cho biết họ đã tiếp tục thực hiện một số dự án ở khu vực Châu Giang và sẽ bàn giao 31 dự án bất động sản vào cuối năm 2021. Con số này sẽ tăng lên 40 vào cuối tháng 6/2022. Nhiều dự án xây dựng của Evergrande trên khắp đất nước (ước tính 1.300 dự án bất động sản) đã bị đình chỉ do không có khả năng thanh toán cho các chủ thầu.

* Evergrande đã thoát vỡ nợ vào phút chót khi hoàn thành xong khoản nợ 83,5 triệu USD trái phiếu (nguồn tiền chưa xác định). Chỉ còn 2 ngày nữa, Evergrande sẽ đối mặt với 1 bài toán khác khi đến hạn thanh toán trái phiếu ân hạn từ ngày 29/9. Đến năm 2022, một núi nợ khổng lồ sẽ ập vào tỷ phú Hui Ka Yan với khoảng 7,4 tỷ USD trái phiếu trong và ngoài nước đến hạn thanh toán.

Bắc Kinh hối thúc ông chủ Evergrande bỏ tiền túi trả nợ

Ông chủ Evergrande – Hui Ka Yan đang chật vật tìm cách giảm số nợ khổng lồ 1.950 tỷ NDT (tương đương 301,6 tỷ USD).

Trung Quốc đã kêu gọi các công ty nhanh chóng thanh toán trái phiếu nước ngoài và yêu cầu tỷ phú Hui Ka Yan trích tài sản cá nhân của mình để trả nợ giải quyết cuộc khủng hoảng của tập đoàn.

Chính phủ Bắc Kinh có vẻ chưa muốn ra tay giải cứu Evergrande mặc dù quả bom nổ chậm này có thể khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng trầm trọng, sẽ ra sao khi “hiệu ứng domino” tài chính xảy ra?

Trong động thái khác, chính phủ đang giám sát các tài khoản ngân hàng của Evergrande để đảm bảo nguồn tiền cố định được sử dụng để hoàn thành dự án. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã trấn áp giới tỷ phú đất nước tỷ dân như một phần trong chiến dịch “thịnh vượng chung” nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc.

Theo UBS Group AG, mức chênh lệch trái phiếu lợi suất cao ở châu Á đang được cải thiện khi các nhà chức trách Trung Quốc sẵn sàng hành động để tránh thị trường bất động sản sụp đổ và Evergrande đang đáp ứng một số nghĩa vụ nợ ngắn hạn của mình.

Giám đốc điều hành của UBS Group AG – ông Ralph Hamers đã có cái nhìn lạc quan về triển vọng tăng trưởng ở Trung Quốc, bất chấp những bất ổn xung quanh Evergrande và lo ngại rằng chính sách của chính phủ sẽ làm “tổn thương” những người giàu có.

Không rõ liệu tổng tài sản của ông Hui Ka Yan có đủ để thanh toán 1 phần nợ hay không, dù sao vị tỷ phú xuất chúng trong giới bất động sản cũng bỏ túi ít nhất 8 tỷ USD nhờ sự thịnh vượng của Evergrande. Theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index, ước tính giá trị tài sản ròng của chủ tịch Hui Ka Yan đã giảm xuống còn khoảng 7,8 tỷ USD từ mức 42 tỷ USD (thời điểm đỉnh cao năm 2017).

Tại sao các công ty bất động sản của Trung Quốc trở thành chúa nợ?

Cùng chung mối lo ngại về Evergrande, hãy xem lại lý do tại sao các công ty bất động sản Trung Quốc lại trở thành chúa nợ.

Theo dữ liệu của Blommberg, các khoản nợ đã đạt đỉnh, các khoản vay trái phiếu bằng USD hàng năm tăng từ 675 triệu USD năm 2009 lên 64,7 tỷ USD vào năm 2020.

Sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc dẫn đến nhu cầu vay vốn tài trợ. Ngoài các khoản vay ngân hàng nội địa, các nhà cung cấp dịch vụ đã để ý tới nguồn tiền khổng lồ trên thị trường trái phiếu toàn cầu với lợi suất cao hơn.

Modern Land – tập đoàn bất động sản có trụ sở ở Bắc Kinh là doanh nghiệp mới nhất của Trung Quốc trễ hạn thanh toán nợ trái phiếu bằng USD (250 triệu USD) vào hôm thứ Hai (25/10) mặc dù trước đó Modern Land China đã cố gắng bán tài sản, vay vốn từ các cổ đông, ra sức giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược.

Chủ tịch Zhang Lei và Chủ tịch Zhang Peng cho biết trong một cuộc họp nội bộ phát biểu rằng Modern Land sẽ cần gia hạn thời gian để có thể thanh toán nợ gốc và lãi.

Số vụ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài trong năm nay ở Trung Quốc đạt kỷ lục 8,7 tỷ USD, trong đó ngành bất động sản chiếm 1/3. Điều này buộc các nhà chức trách phải tìm biện pháp kiềm chế việc sử dụng đòn bẩy quá mức trong hệ thống tài chính để ngăn chặn hậu quả đang dần mất kiểm soát.

Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác.

Zoe Nguyen (Nguồn Reuters/Bloomberg)

Exit mobile version