Theo dự kiến của Eximbank, ngân hàng này sẽ phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18%, nâng vốn điều lệ lên 17.469 tỷ đồng.
Eximbank công bố tài liệu hội ĐHĐCĐ, hé lộ nhiều nội dung
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã: EIB) công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm. Theo đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 34,8%, đạt 5.000 tỷ đồng so với năm 2022 (3.709 tỷ đồng).
Ước tính, tổng tài sản năm 2023 đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Dự kiến, dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ đồng (tăng 12,3%), có thể được điều chỉnh tùy chỉnh theo định hướng điều hành của NHNN. Ước tính, huy động vốn tăng 11% lên 165.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank cuối năm 2022 là 1,8%. Ngân hàng đã đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ này ở mức không quá 1,6% trong năm nay.
Ngân hàng Eximbank sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận năm 2022.
Theo đó, dự kiến của ngân hàng là phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ là 18%. Nói cách khác, cổ đông sở hữu 100 cổ phần tại thời điểm phát hành sẽ được nhận về số cổ phần mới tối đa là 18 cổ phần. Dự kiến, vốn điều lệ sau khi phát hành sẽ được nâng lên ở mức 17.469 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện là từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ. Dự kiến thời gian thực hiện là trong năm 2023.
Được biết, sau khi tăng thêm vốn điều lệ, số tiền này sẽ được dùng vào hoạt động kinh doanh của Eximbank. Dự kiến, ngân hàng sẽ đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ, xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định.
Hội đồng quản trị ngoài ra còn dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ (hơn 6 triệu cổ phiếu). Thực hiện bán cổ phiếu quỹ sau khi hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Năm 2022 Eximbank kinh doanh ra sao?
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Eximbank tăng 207,7% so với năm 2021, đạt 3.709 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 11,6% so với năm trước, đạt 185.056 tỷ đồng. Huy động vốn cuối kỳ tăng 8,2% so với năm trước, đạt 148.615 tỷ đồng.
Dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 130.581 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,8%. giảm so với mức 1,94% của năm 2021.
Theo tài liệu, HĐQT Eximbank sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận năm 2022.
Theo quyết định ngày 8/6/2022 của Thủ tướng, định hướng mục tiêu vốn điều lệ đối với nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn, vốn điều lệ tối thiểu phải đạt 15.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp bất thường hồi giữa tháng 1/2023, cổ đông Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm một số thành viên của các nhóm cổ đông cũ là SMBC và Thành Công. Cùng với đó là bầu bổ sung thêm 3 thành viên mới vào HĐQT nhiệm kỳ 2022-2025.