Fed thể hiện quan điểm diều hâu, Trung Quốc cam kết “chữa lành” kinh tế, giá dầu sụt giảm nhẹ

Ngay sau khi Fed đưa ra bình luận tiếp tục mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ và Trung Quốc hứa sẽ phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng từ chính sách zero-Covid, giá dầu thế giới đã xóa bỏ mức tăng trước đó.

Giá dầu Brent chuẩn giao dịch dưới 111 USD / thùng sau 4 ngày tăng. Ngày 19/4, ông James Bullard – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh St. Louis, đã thúc giục ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nên tăng lãi suất mạnh tay. Ông Bullard ủng hộ nâng lãi suất lên khoảng 3,5% trong năm nay với nhiều đợt tăng 50 điểm cơ bản, thậm chí không loại trừ khả năng tăng 75 điểm.

Chính quyền Trung Quốc cho biết tác động của đại dịch đối với nền kinh tế Trung Quốc chỉ diễn ra trong ngắn hạn và cuộc sống và kinh tế sẽ “nhanh chóng phục hồi” sau khi đợt bùng phát hiện tại được kiềm chế. Trước đó 1 ngày, ngân hàng trung ương Trung Quốc chuyển sang hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi đó, vấn đề sản xuất ở Libya gia tăng mối lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Sản lượng dầu của quốc gia này đã giảm hơn nửa triệu thùng / ngày và có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng hơn do tình trạng mâu thuẫn chính trị ở Libya. Cánh đồng Sharara ở phía tây đất nước với năng suất hơn 300.000 thùng / ngày đã bị đóng cửa khi các cuộc biểu tình lan rộng.

Giá dầu thô đã tăng hơn 40% trong năm nay do cuộc xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine đã phá vỡ sự cân bằng cung cầu vốn đã thắt chặt. Căng thẳng địa chính trị đang định hướng lại dòng chảy dầu thô toàn cầu, Mỹ và Anh đã ra lệnh cấm nhập khẩu các thùng dầu của Nga, trong khi một số nước châu Á chọn mua dầu Nga giá rẻ. 

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire ngày 19/4 tuyên bố, Pháp ủng hộ việc mở rộng lệnh trừng phạt nhằm cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. JPMorgan cho biết lệnh cấm hoàn toàn và ngay lập tức đối với dầu của Nga có thể đẩy giá dầu thô lên 185 USD / thùng.

Exit mobile version