FED đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 75 điểm cơ bản – mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 nhằm đối phó với lạm phát Mỹ kỷ lục.
FED tăng lãi suất lên mức kỷ lục
Không còn là sự đồn đoán, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã đưa ra con số lãi suất quỹ liên bang lên mức 1,5 – 1,75% – mức cao nhất tháng 3/2020. Chủ tịch Jerome H.Powell cho rằng mức tăng 75 điểm cơ bản là khá bất thường và không mong muốn rằng mức tăng này trở nên phổ biến.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, FED đưa ra con số đầy táo bạo trong cuộc chiến chống lạm phát.
Lãi suất tham chiếu tăng sẽ khiến hàng triệu hộ gia đình chịu ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ “chần chừ” với những con số doanh thu trong quý này. Lãi suất cho vay mua nhà và xe hơi sẽ tăng cao và kéo đà giảm tốc kinh tế xuống.
Các nhà hoạch định trước đó dự báo mức tăng lãi suất chỉ trong khoảng 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát trong tháng 5 đã cao ngất ngưởng (CPI tháng 5 là 8,6%) buộc FED phải hành động mạnh mẽ hơn.
Chưa dừng lại ở đó, Chủ tịch FED hi vọng rằng trong cuộc họp vào tháng 7, mức tăng này sẽ chỉ là 50 điểm cơ bản.
Các thành viên của FOMC cũng phát đi tín hiệu về những con số có thể tăng cao ở phía trước để ngăn chặn lạm phát đang phi mã với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 12/1981.
Nếu không có bất kỳ điều gì ảnh hưởng, nhiều khả năng lãi suất chuẩn của FED có thể sẽ dừng lại ở mức 3,4% vào cuối năm nay, tức tăng 1,5% so với ước tính hồi tháng 3. Đến năm 2023, mức lãi suất có thể lên đến 3,8%, cao hơn 1% so với dự đoán trước đó.
Các quan chức cũng đã cắt giảm đáng kể triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2022 từ mức 2,8% được dự đoán trong tháng 3 xuống còn 1,7%.
“Cơn ác mộng phố Wall” dần hình thành
Thị trường chứng khoán phản ứng đáng kể trước thông tin trên. Nhiều khả năng trong thời gian tới S&P500 và Nasdaq sẽ chứng kiến những sự kiện mang tính lịch sử. Ngay khi thông tin được công bố, chỉ số DowJones tăng hơn 300 điểm, S&P500 tăng 54,51 điểm, Nasdaq chứng kiến tăng “trần” hơn 270 điểm.
Tính chung 7 ngày vừa qua, Dow Jones giảm 5,58%, ghi nhận tuần lao dốc thứ 10 trong vòng 11 tuần. S&P 500 và Nasdaq lần lượt sụt 5,05% và 5,6%, đánh dấu tuần giảm thứ 9 trong vòng 10 tuần, đồng thời là tuần giảm sâu nhất của mỗi chỉ số kể từ tháng 1/2022.
Bitcoin tiếp tục lao dốc và hiện đang giao dịch trong mức giá thấp nhất 18 tháng qua. Vốn hóa thị trường BTC xuống dưới mức 1.000 tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021. Thị trường tiền điện tử đang trải qua mùa đông, trạng thái downtrend đang đe dọa túi tiền của các nhà đầu tư.
Vào ngày 8/6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022, từ 4,1% xuống còn 2,9% trong năm 2022. WB đưa ra lời cảnh báo rằng căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine đã khiến tình trạng suy thoái kinh tế ngày một trầm trọng hơn kể từ sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia phải đối mặt với những khủng hoảng mới.
Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng về cung và cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng cao hơn và áp lực tăng giá lớn hơn.
Chiến tranh đang khiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu bị ảnh hưởng, Trung Quốc với chiến dịch phong tỏa chống Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn và có thể gây ra nguy cơ lạm phát đình trệ – cơn ác mộng năm 1970.
Tăng trưởng chậm kéo dài sẽ khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới lo ngại. Chỉ số lạm phát đang đạt đỉnh cao nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, thị trường việc làm gặp nhiều biến động, thu nhập bình quân tăng nhưng vẫn không đủ để khiến người tiêu dùng thoải mái, nhiều nguy cơ cảnh báo lạm phát sẽ không dừng lại trong thời gian tới.
Chắc chắn, tất cả những yếu tố này sẽ khiến hy vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” của ông Powell thêm phần phức tạp.
Bản thân chủ tịch FED Jerome H.Powell cho rằng giấc mơ về một cú “Soft-landing” thật khó khi mà tình hình lạm phát gia tăng cùng với sự suy yếu kinh tế thế giới có thể trở thành vật cản chân FED. Cùng quan điểm đó, các nhà kinh tế cũng đồng quan điểm rằng, nền kinh tế Mỹ khó mà “hạ cánh an toàn” trong bối cảnh hiện tại.