FLC tiếp tục bị Cục thuế tỉnh Quảng Bình cưỡng chế 448 tỷ đồng thuế

FLC tiếp tục bị Cục thuế tỉnh Quảng Bình cưỡng chế 448 tỷ đồng thuế

Theo thông báo của FLC vào ngày 5/9, tập đoàn này tiếp tục bị Cục thuế tỉnh Quảng Bình cưỡng chế 448 tỷ đồng tiền thuế.

Cục thuế Quảng Bình cưỡng chế 448 tỷ đồng thuế của FLC

Theo đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã có 3 quyết định về việc cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng của tập đoàn FLC. Số tiền bị cưỡng chế tổng là hơn 448 tỷ đồng.                                                                                                                     

Tập đoàn FLC đã có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý Thuế. Các tài khoản của FLC bị phong tỏa nằm tại Ngân hàng OCB Chi nhánh Hà Nội, BIDV Chi nhánh Thanh Xuân, VIB Chi nhánh quận 1.

Như vậy, đầu tháng 8 đến nay, tập đoàn này đã liên tiếp nhận các quyết định cưỡng chế thuế với tổng số tiền ở mức hơn 870 tỷ đồng.

Tập đoàn FLC nhận nhiều quyết định cưỡng chế trước đó

Ngày 18/8, Chi cục Thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn – Quảng Xương đã ra 8 quyết định cưỡng chế thuế đối với Tập đoàn FLC. Những quyết định đều về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của tập đoàn này tại các ngân hàng.

Theo đó, Tập đoàn FLC bị cưỡng chế tổng hơn 130 tỷ đồng do nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày so với quy định.

Các tài khoản FLC bị phong tỏa là tại VPBank chi nhánh Hà Nội, OCB chi nhánh Hà Nội; VietinBank chi nhánh Thanh Hóa và BIDV chi nhánh Thanh Xuân; VIB chi nhánh quận 1, TP.HCM; Agribank chi nhánh Tây Đô; Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa.

Chưa hết, FLC hồi đầu tháng 8 đã nhận được 3 quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền bị cưỡng chế là gần 224 tỷ đồng.

Chỉ vài ngày sau đó, Cục thuế Thành phố Hà Nội thông báo 9 quyết định đối với Tập đoàn FLC, trong đó cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt hành chính 11,5 triệu đồng.

Dù là chủ của nhiều dự án bất động sản nổi bật từ Bắc đến Nam nhưng kể từ khi cựu chủ tịch tập đoàn Trịnh Văn Quyết bị bắt giam, hoạt động kinh doanh, đầu tư của tập đoàn gặp nhiều khó khăn.

Không ít các địa phương như Thanh Hóa, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Kon Tum… có động thái về việc dừng xem xét, thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát và chấm dứt hoạt động hàng loạt dự án với quy mô hàng nghìn tỷ đồng.

Không những vậy, cổ phiếu FLC bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự kiện này. Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 do vi phạm quy định về công bố thông tin.

Tương tự, cổ phiếu HAI của CTCP Nông dược HAI cũng nhận quyết định đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9. Trong khi đó, cổ phiếu ROS của FLC Faros bị ngừng giao dịch từ 12/8.

Lãnh đạo FLC cho biết hiện vẫn đang rất nỗ lực thực hiện kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021, thực hiện phát hành sớm nhất để đủ điều kiện họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Dự kiến, tháng 11 tới sẽ thực hiện cuộc họp cổ đông. Tập đoàn sẽ phối hợp với đơn vị kiểm toán được lựa chọn thực hiện công bố thông tin các báo cáo tài chính bán niên 2022 cuối năm nay.

Exit mobile version