Giá bất động sản vẫn đà tăng bất chấp Covid-19

Những thông tin về tình hình thị trường bất động sản được thể hiện qua dữ liệu thống kê thị trường tháng 8 và quý III/2021 của Batdongsan.com.vn

Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tới bất động sản trong T8/2021 tiếp tục ghi nhận chuyển động đi xuống so với T7/2021. Nhu cầu về bất động sản của người tìm kiếm giảm ở hầu hết các loại hình, trong đó, giảm mạnh ở các loại hình: “Căn hộ chung cư” (giảm 32%), “Đất” (giảm 19%).

Cùng chung xu hướng giảm của mức độ quan tâm, lượng tin bất động sản đăng cũng ghi nhận mức độ giảm mạnh, trung bình 58% so với cùng kì tháng trước. Trong đó, loại hình ghi nhận giảm nhiều nhất là “Nhà riêng” (giảm 68%)  và “Đất” (giảm 53%). Có thể thấy lượng cung bất động sản đang giảm khá nhanh so với mức giảm của lượng cầu.

Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 8/2021 mức độ quan tâm bất động sản ghi nhận xu hướng giảm so với T7/2021 ở cả thị trường Hà Nội và TP.HCM ở cả bất động sản bán và bất động sản cho thuê. Đặc biệt, dưới những biện pháp kiểm soát dịch covid-19 được thắt chặt trong tháng 8, Hà Nội ghi nhận mức giảm khá mạnh (giảm 36%). 

Cụ thể, tại Hà Nội, đối với bất động sản bán, mức độ quan tâm giảm nhiều nhất là “Bán đất” (giảm 44%) và “Bán căn hộ chung cư” (giảm 43%). Đối với bất động sản cho thuê, các loại hình có mức độ giảm mạnh nhất là “Cho thuê nhà mặt phố” (Giảm 62%), “Cho thuê nhà riêng” (giảm 55%) và “Cho thuê căn hộ chung cư” (giảm 42%). 

Chỉ số giá chung cư tại Hà Nội T8/2021 không ghi nhận sự tăng giá so với tháng trước, nhưng vẫn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Những biện pháp của chỉ thỉ 16+ để kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM tiếp tục làm cho mức độ quan tâm thị trường bất động sản ở đây ghi nhận xu hướng giảm (giảm 17%) ở cả BĐS bán và BĐS cho thuê so với T7/2021. 

Các loại hình ghi nhận sụt giảm nhiều nhất bao gồm:  “Cho thuê nhà mặt phố” (giảm 52%), “Cho thuê nhà riêng” (giảm 42%),  “Bán đất” (giảm 33%);  và “Bán căn hộ chung cư” (Giảm 17%); 

Tương tự như thị trường Hà Nội, chỉ số giá chung cư T8/2021 tại HCM không tăng so với tháng trước nhưng vẫn ghi nhận tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc, mức độ quan tâm có xu hướng tăng trở lại so với tháng trước. Với đà tăng trưởng trong tháng 7, một số tỉnh tiếp tục ghi nhận chiều hướng gia tăng mức độ quan tâm, điển hình là Bắc Giang (tăng 26%), Hải Phòng (tăng 8%), Bắc Ninh (tăng 7%).

Ngược lại với các tỉnh thành thuộc khu vực miền Trung và miền Nam, mức độ quan tâm theo chiều hướng giảm rõ rệt sau những biện pháp giãn cách theo chỉ thị 16, điển hình là sự sụt giảm lượng quan tâm đối với thị trường Đà Nẵng (giảm 49%), Bình Dương (giảm 40%), Đồng Nai (35%), Khánh Hòa (giảm 25%).

Xét về tình hình toàn quý III/2021, dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, nguồn cung và nhu cầu trên thị trường giảm khá mạnh trong tháng 7 và tháng 8. Cụ thể, lượng tin đăng và mức độ quan tâm đến BĐS toàn trang giảm lần lượt 22% và 12% trong tháng 7.

Tháng 8 tiếp tục có mức giảm sâu hơn, lần lượt là 58% và 27% so với tháng liền trước. Thực tế cho thấy, nguồn cung và nhu cầu trên thị trường, cũng như mức độ quan tâm đến BĐS giảm mạnh nhất đều tại những địa phương tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và số ca nhiễm COVID-19 vẫn còn cao.

Loại hình BĐS có mức sụt giảm mạnh nhất cả về nguồn cung và nguồn cầu là nhà riêng, nhà mặt phố, căn hộ chung cư và đất nền. Trong tháng 8, Hà Nội có mức giảm mạnh ở cả hai thị trường BĐS bán và cho thuê so với TPHCM, mức giảm lần lượt của hai khu vực là 36% và 17% so với tháng 7.

Tại một số địa phương kiểm soát được dịch bệnh, tình hình vẫn khá lạc quan. Tại Hải Phòng, mức độ quan tâm đến BĐS tăng ổn định 4% và 8% trong tháng 7 và tháng 8. Tại các địa phương từng xuất hiện dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, nhu cầu tìm kiếm BĐS cũng tăng ấn tượng: Lượt quan tâm BĐS tại Bắc Giang ghi nhận mức tăng trưởng theo tháng là 22% và 26% trong tháng 7 và 8. Chỉ số này của Bắc Ninh lần lượt là 40% và 7%.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tại các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh, có cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông tốt, giao dịch BĐS vẫn có tăng trưởng, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Ông Đính cũng phân tích về các nguyên nhân khiến cho giá BĐS vẫn có xu hướng tăng. Đó là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn cung BĐS khan hiếm, dẫn đến tình trạng thiếu hàng. Nhu cầu tiêu dùng của xã hội giảm, nhưng nhu cầu đầu tư vẫn tăng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác tiềm ẩn nhiều rủi ro, kém hiệu quả, nên nhiều người lựa chọn BĐS là kênh đầu tư để tiếp tục rót vốn. Giá đất tăng, giá đền bù, thuế sử dụng đất, nguyên vật liệu đầu vào, nhân công của các công trình xây dựng đều tăng… khiến cho giá đầu vào BĐS ngày càng tăng mạnh.

Exit mobile version