Nguyên nhân nào khiến Bitcoin “dậy sóng” vượt mốc 50.000 USD?

Bitcoin “dậy sóng” vượt mốc 50.000 USD dự báo làm nên kỳ tích

Thị trường tiền điện tử tại thời điểm 10h00 phút ngày 6/10 ghi nhận, giá Bitcoin giao dịch ở mức 51.231 USD/BTC (tăng 22,76% chỉ trong 1 tuần), Ethereum hiện đang giao dịch ở mốc 3.487 USD/ETH, trong khi đó Tether (USDT) hiện đang giảm 0,04% ở mức giá 1 USD, vốn hóa đạt 68,488 tỷ USD. Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền điện tử hiện đạt 2.217 tỷ USD.

Trong 24 giờ qua, thị trường chứng kiến pha lột xác thần sầu của Bitcoin khi tăng trưởng vượt 5%, cán mốc 50.000 USD/BTC sau chuỗi ngày dài lẹt đẹt ở vùng an toàn 40.000 USD, thậm chí có thời điểm xuống dưới 37.000 USD.

Có vẻ như càng cấm đoán, giá Bitcoin càng tăng mạnh như thách thức.

Vào hồi tháng 9, sự bán tháo mất kiểm soát của các công ty liên quan đến tiền điện tử và blockchain khiến giá Bitcoin rớt thảm hại. Cùng với tuyên bố tuyên chiến “phong sát” tiền điện tử của chính phủ Trung Quốc làm các nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa. Giá Bitcoin lao dốc và chạm đáy 39.889 USD/BTC.

Tuy nhiên, tại Mỹ, sau câu trả lời lạc quan của FED rằng không có ý định thực hiện lệnh cấm với tiền mã hóa, vào ngày 4/10, các sản phẩm và các quỹ đầu tư tiền điện tử đã chứng kiến dòng tiền đổ vào liên tiếp.

Ngày 5/10, thị trường hoảng loạn, cổ phiếu lao dốc về mốc thấp nhất gián tiếp làm tổn thương tâm lý mạo hiểm của các nhà đầu tư. Phố Wall dậy sóng chứng kiến các màn “thoát thân”. Lúc này, thị trường tiền tệ trở thành nơi trú ẩn tài sản.

Giá Bitcoin “dậy sóng” vượt mốc 50.000 USD, kỳ vọng mới trong kỷ nguyên số.

Đặc biệt, quả bom China Evergrande đang có dấu hiệu nổ “bùm”, thị giá Evergrande giảm 80%, nỗ lực xóa khoản nợ lên tới 300 tỷ USD liệu có đi đến kết quả tốt đẹp hay không khi cổ phiếu của tập đoàn này bị ngừng giao dịch.

Cơn gió ớn lạnh thổi đến thị trường tài chính, chỉ số HSI chông chênh, đồng nhân dân tệ suy yếu, cổ phiếu Guangzhou R&F Properties, Sunac China và Country Garden lần lượt giảm 7%, 4% và 4%.   

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát, giá hàng hóa tăng cao sẽ khiến hoạt động kinh tế gián đoạn. Lúc này, Bitcoin và nhiều đồng tiền điện tử khác trở thành tài sản được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các “gấu lớn” sẽ ra tay ra sao khi thị trường đạt được niềm vui mới này?

Tín hiệu đáng mừng có khiến giá Bitcoin thăng hoa?
Các chú “gấu lớn” có có thể làm giá Bitcoin đạt được tầm cao mới?

Thời gian gần đây, thông tin về Mỹ sẽ thông qua quỹ ETF Bitcoin trở thành điểm nóng. Hiện tại, SEC đã xem xét 20 hồ sơ ETF cho Bitcoin, hợp đồng tương lai Bitcoin, Ethereum ETF và các sản phẩm hợp đồng tương lai Ether. Đây được coi là tín hiệu tích cực bởi từ lâu Bitcoin ETF được xem là mảnh đất màu mỡ để các tổ chức tài chính dần tiếp cận với Bitcoin.

Vào tháng 9/2021, Bitcoin trở thành đồng tiền pháp định có giá trị giao dịch trên đất nước El Salvador. Quỹ đầu tư BlackRock tiết lộ đã kiếm được lời từ việc nắm giữ hợp đồng tương lai Bitcoin.

Vào tháng 9 vừa qua, sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu tại Mỹ đã thông báo rằng công dân Mỹ hoàn toàn có thể tự động nhận tiền lương mà họ nhận được bằng tiền điện tử.

Đáng mừng hơn nữa, Twitter thông báo triển khai tính năng cho phép người dùng chuyển BTC bằng cách tích hợp ví tiền mã hóa vào tài khoản mạng xã hội.

Lúc này, chúng ta hoàn toàn có quyền được đặt kỳ vọng lên đồng tiền điện tử, có thể trong tương lai, chắc chắn câu chuyện về Bitcoin và sự thống trị của tiền mã hóa sẽ thu hút nhiều người quan tâm hơn.

Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác.

Zoe Nguyen (Tổng hợp)

Exit mobile version